Giải “bài toán” nhà ở bình dân, doanh nghiệp kêu “khó” đủ đường

Việt Nam có tốc độ đô thị hoá nhanh với ước tính khoảng 1 triệu dân cư đô thị mới tăng lên mỗi năm. Với mức độ tập trung người lao động cao, TP.HCM đang đối mặt với sức ép về nhà ở bình dân trong khi giá nhà tiếp tục tăng cao dẫn đến việc sở hữu nhà tại đô thị sẽ ngày càng trở nên đắt đỏ.

 

Giải “bài toán” nhà ở bình dân, doanh nghiệp kêu “khó” đủ đường - Ảnh 1

“Bài toán” nhà ở bình dân tại TP.HCM chưa có lời giải

Hệ lụy từ “lệch pha” nguồn cung cho nhà ở bình dân so phân khúc cao cấp là những khu nhà tạm bợ, có hoặc không có cơ sở hạ tầng, dịch vụ và an ninh cơ bản. Việc tiếp cận nhà ở phù hợp với khả năng tài chính của người có thu nhập trung bình trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Bóng đen từ đợt bùng phát dịch năm 2021 đã khiến hàng nghìn công nhân rời bỏ TP.HCM về quê vì vừa mất việc tạm thời vừa phải chi trả tiền nhà, tiền sinh hoạt hàng tháng. Thực tế này cho thấy yếu tố “an cư” đóng vai trò lớn trong câu chuyện “lạc nghiệp” của rất nhiều người.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 280.000 công nhân làm việc tại 17 khu công nghiệp và khu chế xuất. Thế nhưng, chỉ có 8% công nhân được ở trong khu lưu trú các khu công nghiệp.

Theo một số thống kê cho thấy, TP.HCM còn có khoảng 1,6 triệu công nhân đang sống trong khu nhà trọ, phòng trọ của cá nhân, hộ gia đình. Con số này chưa tính tới số lượng nửa triệu sinh viên các tỉnh học tập tại thành phố. Lượng sinh viên ở ký túc xá ở một số trường đại học chỉ chiếm trên dưới 15%, 85% còn lại ở nhà người thân, phòng trọ, nhà trọ.

Nhiều dự án nhà ở giá rẻ dành cho người có thu nhập thấp tại TP.HCM đã được các doanh nghiệp bắt tay triển khai. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển nhà ở phân khúc bình dân khiến nhiều nhà đầu tư ngán ngẩm vì những “nút thắt” chưa được gỡ.

oanh nghiệp kêu “khó” đủ đường

Tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý mới mong thị trường bất động sản giá rẻ sôi động trở lại
Tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý mới mong thị trường bất động sản giá rẻ sôi động trở lại

Mặc dù không ít nhà đầu tư rót vốn vào các dự án phân khúc nhà giá rẻ, tuy nhiên điều kiện để triển khai và hoàn thiện gặp rất nhiều trở ngại khiến các doanh nghiệp không còn mặn mà như ban đầu. Nhiều doanh nghiệp không thu được lời hay thậm chí lỗ vốn khi đầu tư vào nhà ở bình dân. Theo ý kiến của một số chuyên gia, họ cho rằng có 3 nguyên nhân chính dẫn đến sự ngán ngẩm của các doanh nghiệp khi đầu tư vào phân khúc nhà bình dân.

Nguyên nhân thứ nhất và được xem là bước cản lớn nhất, đó là thủ tục pháp lý quá chậm. Làm nhà ở giá rẻ, nhà ở giá thấp là cống hiến cho Nhà nước nhưng thủ tục còn chậm hơn nhà ở thương mại.

Hiện nay, làm nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội không có một quy trình riêng, quy chuẩn riêng. Doanh nghiệp còn bị làm khó đủ đường, kiểm tra kỹ hơn, mất nhiều thời gian hơn so với nhà ở thương mại.

Thứ hai, về lợi nhuận, hiện tại lợi nhuận nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ là 10%, nhà ở xã hội cho thuê là 15%. Tuy nhiên, để làm một dự án nhà ở xã hội mà mất 5 năm chưa triển khai xong, chia ra lợi nhuận mỗi năm chưa đến 2% thì không thể đáp ứng mong muốn lợi nhuận của doanh nghiệp. Chúng ta nghe con số 10% thì thấy ổn, nhưng mà dự án kéo dài 5 năm, tính ra lợi nhuận còn rẻ hơn gửi ngân hàng.

Tham gia một dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp mất thời gian khoảng 5 năm, thời gian đó mất đi cơ hội kinh doanh dự án nhà ở thương mại khác. Với công ty cổ phần thì gặp áp lực với cổ đông, lợi nhuận như vậy chưa hấp dẫn, đặc biệt doanh nghiệp lớn, hiệu quả không cao nên họ không đầu tư.

Thứ ba là về hậu kiểm. Làm nhà ở xã hội là để cống hiến cho Nhà nước, nhưng hậu kiểm, kiểm tra, thậm chí duyệt giá nhà ở xã hội rất khó khăn. Khi xây dựng xong rồi thì còn phải gửi lên chính quyền để duyệt giá. Tiền của doanh nghiệp, đất của doanh nghiệp nhưng mà kiểm toán tài chính doanh nghiệp, cơ quan kiểm toán làm khó, vậy nên làm xong một dự án thì không doanh nghiệp nào dám làm dự án thứ 2. Làm nhà ở thương mại, doanh nghiệp xây xong muốn bán bao nhiêu là quyền của người ta, không ai kiểm toán, duyệt giá, còn nhà ở xã hội thì khó khăn hơn rất nhiều.

Đây được xem là 3 nguyên nhân phổ biến khiến “bài toán” nguồn cung nhà ở bình dân tại TP.HCM trở nên khó khăn để tìm ra lời giải. Tháo gỡ những vướng mắc kể trên mới mong thị trường bất động sản giá rẻ sôi động trở lại. Điều này cần có sự chấp thuận và nhìn nhận toàn diện từ các bên để hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo tiền đề cho các nhà đầu tư mạnh tay rót vốn như trước.

 

Theo Chất lượng và Cuộc sống