Giải ngân đầu tư công đạt hơn 9%: Bộ Tài chính nêu lý do chậm trễ

Tính đến ngày 31/3, tổng số vốn giải ngân đầu tư công là hơn 79.712 tỷ đồng, đạt 9,53% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ, theo báo cáo của Bộ Tài chính

Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân từ đầu năm đến ngày 31/3 là 78.712 tỷ đồng, đạt 8,98% kế hoạch (cùng kỳ đạt 11,64%) và đạt 9,53% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ đạt 12,27%).

Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là hơn 3.638 tỷ đồng, đạt 16,57% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Đánh giá về tình hình giải ngân kế hoạch vốn, Bộ Tài chính nêu bên cạnh nhiều cơ quan Bộ, ngành, địa phương đã triển khai tích cực, tỷ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân chung, vẫn còn nhiều đơn vị chưa giải ngân hoặc đạt tỷ lệ rất thấp.

Cụ thể, có 13/47 bộ, cơ quan trung ương và 36/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đạt trên mức bình quân chung của cả nước (trên 20%) như Đài tiếng nói Việt Nam (73,82%), Ngân hàng chính sách xã hội (41,16%), Bộ Công an (23,73%), Hội Liên hiệp phụ nữ (20,37%), tỉnh Phú Thọ (35,04), Bắc Kạn (28,85%), Tuyên Quang (28,14%), Hà Nam (25,58%), Lào Cai (22,89%), Hà Giang (21,75%), Bình Định (20,25%).

3 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 9,53% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao
3 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 9,53% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao

Ngược lại, nhiều các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa giải ngân gồm 17 bộ, cơ quan trung ương là Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Kiểm toán nhà nước...

Hoặc giải ngân rất thấp, có 16 bộ, cơ quan trung ương và 06 địa phương giải ngân dưới mức 5% bao gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Công thương, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nội, Bình Phước, Cà Mau, Quảng Ninh…

Ông Lê Tiến Dũng, Phó Vụ trưởng vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) đánh giá, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm trễ nêu trên.

Đầu tiên, vướng mắc về cơ chế chính sách, có một số bất cập trong Luật Đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước (NSNN) và nghị định hướng dẫn khiến khó thực thi.

Hiện, Bộ Tài chính đang khẩn trương rà soát để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ XV nhằm sửa đổi toàn diện các Luật liên quan, tháo gõ các vướng mắc này. Đặc biệt, sửa đổi nghị định số 99 về quản lý thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công theo hướng đơn giản hoá thủ tục, hồ sơ thanh toán, chuyển từ tiền kiểm, sang hậu kiểm.

Thứ hai, nguyên nhân đến từ việc tổ chức thực hiện. Vừa qua với chủ trương sắp xếp tinh gọn bộ máy, nhiều địa phương đã phải tạm dừng để tính toán lại, điều chỉnh các dự án cho phù hợp với tình hình mới.

Thứ ba, vướng mắc từ nguồn thu ngân sách địa phương (NSĐP). Thực tế một số địa phương có nguồn thu từ đất rất lớn nhưng chưa đảm bảo nên chưa giải ngân được cho các dự án đầu tư công.

Ông Dũng cũng thông tin thêm, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ thành lập 7 tổ công tác do 7 Phó Thủ tướng làm tổ trưởng để giải quyết vướng mắc, khó khăn trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công. Ngoài ra, các địa phương cũng đã đặt ra các nhóm giải pháp để xử lý việc này.

Giải ngân đầu tư công đạt hơn 9%: Bộ Tài chính nêu lý do chậm trễ - Ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là tăng hiệu quả, hiệu lực không phải cản trở việc giải ngân vốn đầu tư công

Trao đổi thêm về vấn đề này, theo thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, với mong muốn vốn đầu tư công cho các công trình trọng điểm tăng thêm, giải ngân nhanh hơn, sớm đưa công trình vào sử dụng để phát huy tác dụng của dự án, tăng hiệu quả đối với nền kinh tế, cần tiếp tục rà soát từ Luật Đầu tư công, đến Luật NSNN, cơ chế thanh quyết toán đối với các dự án đầu tư công để tăng cường phân cấp, phân quyền giao trách nhiệm cho tổ chức, chủ đầu tư.  

“Đây không phải là điểm nghẽn, bởi các quy định này đã sửa nhiều lần. Muốn nhanh hơn nữa thì phải tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện”, ông Chi nói thêm.

Bên cạnh đó, trong quá trình sắp xếp bộ máy kể cả trung ương và địa phương, có những dự án xong hết thủ tục, nhưng xem xét thấy không hiệu quả, chưa phù hợp với bộ máy mới, thì phải tạm dừng để điều chỉnh. Thậm chí có vài dự án đã bỏ một phần vốn nhưng vẫn phải tính toán lại.

Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là tăng hiệu quả, hiệu lực chứ không phải cản trở việc giải ngân vốn đầu tư công.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng nhấn mạnh, đầu tư công là trụ cột của mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 8% mà Chính phủ đã đặt ra. Do đó, nhiệm vụ giải ngân vốn đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu này, Thủ tướng đã giao các Phó Thủ tướng trực tiếp nắm các tổ công tác để gỡ vướng, đặc biệt là các dự án trọng điểm.

“Tất cả để hướng đến mục tiêu giải ngân ở mức cao nhất, thậm chí có thể đạt đến 100% chỉ tiêu được giao”, lãnh đạo Bộ Tài chính kết luận.

Xuân Thạch

Theo Vietnamfinance