Giãn nộp tiền thuế và thuê đất: Nhiều dự án bất động sản sẽ tái khởi động

Hậu dịch Covid-19, chính sách về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất được cho là “liều thuốc” trợ lực tài chính, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới lần đầu tiên giảm sau 5 năm (2015 – 2020), còn hơn 37.500 doanh nghiệp, tương ứng giảm 13%. Số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế giảm 20%, số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp cũng giảm 22% do tâm lý e ngại trong đầu tư trước tình hình phức tạp của dịch bệnh.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện khảo sát vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, gần 85% doanh nghiệp đã bị mất hoặc thu hẹp thị trường tiêu thụ sản phẩm; gần 60% doanh nghiệp bị thiếu vốn hoặc dòng tiền kinh doanh; 45% doanh nghiệp bị thiếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh và phải thu hẹp lực lượng lao động.

Theo Tổng cục Thuế, từ đầu năm đến nay, đã có tổng cộng hơn 63.500 giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất gửi đến cơ quan thuế. Tổng số tiền thuế và tiền thuê đất gia hạn là 18.698 tỷ đồng; trong đó gia hạn đối với tổ chức, doanh nghiệp là 18.652 tỷ đồng, gia hạn đối với cá nhân là 46 tỷ đồng.

Thực tế, trong những tháng khó khăn vừa qua, Chính phủ đã nỗ lực nhưng nhiều kiến nghị tiếp tục được đưa ra nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp quay trở lại hoạt động bình thường và hạn chế khủng hoảng, trong đó Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cùng đề xuất tăng thời gian giãn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 12 tháng; miễn giảm 50% tiền thuê đất, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm tiền thuê đất cả 2 năm 2020 và 2021.

Theo các kiến nghị của VNREA gửi Chính phủ và các bộ ngành phân tích, quy trình thủ tục để thực hiện một dự án bất động sản mất khoảng 5 năm, từ khi triển khai xây dựng đến lúc đủ điều kiện bán hàng cũng mất gần một năm. Dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoặc hủy bỏ hoạt động khởi công, mở bán, quảng bá, tiếp thị dự án... Do đó, 5 tháng gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất là rất ngắn so với thời gian trên 5 năm để doanh nghiệp có thể phục hồi, kinh doanh trở lại.

Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ đồng tình tăng thời gian giãn các loại thuế lên 12 tháng vì xét tình hình thực tế, quy định giãn cách xã hội mới được gỡ bỏ cuối tháng 4, các doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng do đứt gãy chuỗi cung ứng cần thời gian để hồi phục dài hơn, có khi mất tới 2 - 3 năm. Hơn nữa, việc giãn thời gian nộp thuế không làm ngân sách mất đi, Nhà nước vẫn có nguồn thu về sau

Tại một tọa đàm mới đây, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, để cứu được một lúc hết các doanh nghiệp khó khăn là điều rất khó, do đó, cần chọn bỏ, chấp nhận hy sinh vì đại cục.

Ông Thiên cho rằng, Nhà nước nên ưu tiên các chính sách về thuế phí để giãn, hoãn nợ cho các doanh nghiệp lớn trước, họ kinh doanh đa ngành nên tác động dịch bệnh nặng nề hơn.

Theo ông Thiên: “Để cứu tất cả doanh nghiệp sẽ rất khó, cứu trợ để doanh nghiệp hồi phục, nhưng họ hồi phục như thế nào? Nếu cứu một doanh nghiệp có cấu trúc yếu, cứu cho sống lại để làm gì? Tại sao không đặt vấn đề chúng ta nên tạo ra hệ thống doanh nghiệp mới, với sự linh hoạt, sáng tạo từ nội lực của chính họ”.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Bất động sản toàn cầu (GP. Invest) cho hay, có thể coi Việt Nam là quốc gia chịu tác động từ dịch Covid-19 trong thời ngắn nhất nhưng tác hại của dịch bênh đối với doanh nghiệp lại không phải là vấn đề nhỏ. Vừa qua có thể thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gánh nhiều thiệt hại, kể cả khi Việt Nam đã ngăn chặn được dịch vì thị trường chưa hồi phục, sức mua chưa có, đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp trên thị trường dường như cũng mới chịu tác động. Do đó, nếu giãn thuế chỉ khoảng 5 - 6 tháng thì doanh nghiệp chưa kịp hồi phục hoạt động kinh doanh để có thể nộp thuế đầy đủ.

Ông Hiệp cho hay: “Các doanh nghiệp đều mong muốn các chính sách giãn thuế của Nhà nước, đặc biệt là tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nếu Chính phủ quan tâm thì cần có mức thời gian dài hơn từ 1 năm trở lên”.

Ông Hiệp cũng cho rằng, doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang phải thực hiện quy định phải nộp hết tiền sử dụng đất thì mới được phép bán hàng. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp được bán hàng hình thành trong tương lai tuy nhiên tiền đất chiếm 25 - 30% tổng mức đầu tư, nhất là vừa qua Chính phủ lại có quyết định tăng hệ số giá đất. Do đó, phương án tốt nhất là có thể giãn, cho nộp 1/3 thuế rồi cho bán hàng và trước khi cấp số đỏ phải nộp hết tiền sử dụng đất. Nếu làm được điều này các doanh nghiệp bất đông sản sẽ đỡ vất vả hơn trong việc phải huy động tiền vốn để đóng tiền đất. 

 

 

Theo Tuệ An/ Reatimes



Link nguồn: http://reatimes.vn/gian-nop-tien-thue-va-thue-dat-nhieu-du-an-bat-dong-san-se-tai-khoi-dong-20200605170308696.html

Tin liên quan