Giữa mùa dịch, BIDV lại 'chật vật' đại hạ giá để xử lý các khoản nợ
Trong tháng 8/2021, ngân hàng BIDV lại tiếp tục 'chật vật' xử lý các khoản nợ khủng tồn đọng từ nhiều năm nay. Đáng chú ý, dù lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 rất 'hoành tráng' song chất lượng tài sản tại BIDV vẫn là ẩn số khi nợ xấu còn quá cao.
BIDV 'chật vật' xử lý các khoản nợ khủng
Vừa qua, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục thông báo lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá tài sản là khoản nợ của Công ty TNHH Ngọc Linh.
Theo đó, khoản nợ của Công ty TNHH Ngọc Linh được đảm bảo bằng Nhà máy điện phân chì kẽm (gồm toàn bộ công trình xây dựng, máy móc thiết bị) tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn công suất 25.000 tấn kẽm/năm, 10.000 tấn chì/năm, 1.200 bột ô xít kẽm/năm, 40.000 a xít sunfuaric/năm.
Đồng thời là quyền khai thác mỏ Bó Liều thuộc xã Đông Lạc và xã Nam Cường; Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất có địa chỉ tại 381 Giải Phóng, Thanh Xuân, Hà Nội; Quyền sử dụng đất diện tích 14.500 m2 và tài sản gắn liền trên đất tại xã Lạc Hồng, Hưng Yên là đất thuê trả tiền hằng năm. Ngoài ra tài sản đảm bảo của Ngọc Linh còn là 1 xe ô tô nhãn hiệu Lexus.
Như vậy, BIDV lại tiếp tục cần thẩm định giá khoản nợ của đại gia khoáng sản Ngọc Linh sau 7 lần đều đấu giá thất bại.
Trước đó, hồi tháng 3/2021, BIDV rao bán khoản nợ này với giá khởi điểm là hơn 1.385 tỷ đồng, bằng dư nợ gốc của khoản nợ, tức BIDV đã hạ giá khoản nợ này xuống hơn 1.000 tỷ đồng.
Được biết, tính đến ngày 28/12/2020, tổng dư nợ của khoản nợ là hơn 2.400 tỷ đồng; trong đó, có hơn 1.385 tỷ đồng dư nợ gốc và hơn 1.019 tỷ đồng dư nợ lãi, phí phạt.
Ngoài khoản nợ nghìn tỷ trên, ngày 26/8, BIDV Chi nhánh Cầu Giấy thông báo bán tài sản đảm bảo của CTCP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Hương Giang.
Theo đó, BIDV bán 346.800 cổ phiếu, tương ứng 23.12% vốn điều lệ CTCP Hương Giang 18 - IDC thuộc sở hữu của CTCP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Hương Giang.
BIDV sẽ bán số cổ phiếu này với phương thức giao dịch thoả thuận với giá tối thiểu 360 triệu đồng. Thời gian bán số cổ phiếu này là trước ngày 10/9/2021.
Xây dựng Hương Giang tiền thân là Công ty Hương Giang/Bộ Quốc phòng, một đơn vị làm kinh tế thuộc Binh đoàn Hương Giang được thành lập từ năm 1996.
Giữa tháng 8/2021, BIDV tiếp tục rao bán khoản nợ của Công ty CP Kiến trúc và Xây dựng Archplus lần thứ 8 với giá chỉ còn 257 tỷ đồng, giảm 51,6% so với lần đấu giá đầu tiên cách đây 5 tháng (498 tỷ đồng).
Tổng dư nợ tính đến ngày 15/4/2021 là 498 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 257 tỷ, nợ lãi là 173,8 tỷ và phí phạt quá hạn là 67,2 tỷ đồng.
Khoản nợ có tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai có diện tích 1.431,3 m2 tại số 545 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. Thời hạn sử dụng 50 năm kể từ ngày 19/5/2005.
Ngoài ra, khoản nợ còn được bảo đảm bằng 3 triệu cổ phần của ông Trương Việt Bình tại CTCP thời trang NEM và Bảo lãnh thanh toán của CTCP thời trang NEM.
Ngày 23/8 vừa qua, BIDV - chi nhánh Hà Nội thông báo về việc gia hạn bán đấu giá khoản nợ CTCP Thương mại và đầu tư xây dựng giao thông vận tải - lần 3 với giá khởi điểm gần 14 tỷ đồng, giảm gần 3 tỷ so với đấu giá lần 1 vào tháng 7/2021; cũng trong ngày này, BIDV - chi nhánh Thành Nam đấu giá tài sản bảo đảm của Công ty TNHH May thêu Hoàng Long lần thứ 5 với giá khởi điểm 18,5 tỷ đồng, giảm gần 14 tỷ so với lần đấu giá vào tháng 6/2021.
Lợi nhuận 'hoàng tráng' nhưng chất lượng tài sản tại BIDV vẫn còn là ẩn số
Sau 2 năm 'phú quý giật lùi' với lợi nhuận bị hụt hơi đáng kể so với ngân hàng cùng quy mô. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2021, BIDV bất ngờ ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng đột biến, đạt hơn 8.122 đồng, tăng 86,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù vậy, chất lượng tài sản tại BIDV vẫn còn là một ẩn số khi nợ xấu vẫn còn khá cao. Đặc biệt, nợ cần chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn tăng vọt so với đầu năm.
Cụ thể, nợ có khả năng mất vốn của BIDV giảm gần 1.100 tỷ đồng, tương đương giảm 6,6%; nợ nghi ngờ giảm khoảng 800 tỷ đồng, tương đương 32%. BIDV tính toán theo Thông tư 02, nợ xấu chỉ còn 1,39%, tuy nhiên trên báo cáo tài chính nợ xấu tuyệt đối của BIDV là hơn 21.440 tỉ đồng, vẫn chiếm 1,6% tổng dư nợ (giảm nhẹ so với mức 1,76% của 6 tháng 2020).
Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn của BIDV lại tăng lên rất mạnh, gần 40% lên gần 3.331 tỷ đồng. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc các khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19 đã bắt đầu tăng lên. Ngoài ra, nợ cần chú ý tại BIDV cũng ghi nhận hơn 14.077 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm.
Về dự phòng rủi ro cho khách hàng, tính đến cuối quý 2/2021, BIDV có trích lập 27.749 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý, dự phòng cụ thể đạt 18.138 tỷ đồng, tăng hơn 80,5% so với cùng kỳ. Điều này phản ánh BIDV đã trích lập dự phòng rủi ro cụ thể khá mạnh. Nhưng trong kỳ, ngân hàng cũng đã dùng 6.683 tỷ đồng từ nguồn dự phòng để mạnh tay xử lý nợ xấu, tăng hoàn nhập và cải thiện lợi nhuận.
Dựa vào báo cáo tài chính bán niên cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận tại BIDV tăng mạnh chủ yếu do ngân hàng tận dụng được nguồn vốn huy động rẻ, tăng thu từ dịch vụ và mạnh tay xử lý nợ xấu. Trong khi, việc tăng tổng tài sản, tăng dư nợ tín dụng của BIDV vẫn chưa hiệu quả và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi nợ xấu vẫn còn tương đối lớn, đặc biệt là các khoản nợ tiềm ẩn.