“Góp gió thành bão”!
Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vừa là một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội, vừa là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội… Đây là ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội diễn ra mới đây.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, giai đoạn 2021 - 2023, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 411.250 căn. Về quy hoạch, bố trí quỹ đất, cả nước quy hoạch 1.316 khu đất với quy mô 8.611ha, tăng 5.252ha so với năm 2020. Về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó đã có 8 dự án tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo, bên cạnh một số địa phương tích cực thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhiều địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay. Một số địa phương trọng điểm dù có nhu cầu rất lớn nhưng việc đầu tư còn hạn chế, chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp. Chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm. Chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp. Hầu hết các địa phương chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí quỹ đất làm dự án nhà ở xã hội độc lập.
Một số địa phương có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong giai đoạn vừa qua nhưng lại chưa được tạo điều kiện trong việc lựa chọn chủ đầu tư để triển khai. Một số dự án đã khởi công nhưng doanh nghiệp không triển khai thi công hoặc thi công chậm tiến độ. Một số dự án đã đủ điều kiện vay vốn ưu đãi nhưng chưa được UBND cấp tỉnh rà soát để công bố danh mục được vay vốn ưu đãi.
Như vậy có thể thấy, thời gian qua, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Nguyên nhân được cho là do thủ tục đầu tư xây dựng, mua, bán còn phức tạp và kéo dài, còn nhiều bất cập trong việc xác định giá bán; các chính sách ưu đãi cũng chưa đủ hấp dẫn, có nội dung chưa thực chất nên không thu hút, khuyến khích các chủ đầu tư tham gia. Thủ tục hành chính còn rườm rà, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư.
Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác là chưa có quy định cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, trong khi những đối tượng này có nhu cầu thuê cho người lao động. Nguồn vốn từ ngân sách cũng chưa bố trí đủ để thực hiện. Nguồn vốn cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng được chỉ định cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015 đến nay cũng chưa được bố trí.
Nhu cầu về nhà ở xã hội luôn vượt cung. Do đó, để thực hiện được mục tiêu đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, điều quan trọng, như ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính là phải trả lời câu hỏi cơ chế, chính sách đã đúng, trúng chưa? Nếu cơ chế, chính sách đã đúng, trúng mà chưa làm được thì nguyên nhân chủ quan, khách quan do đâu, cách tháo gỡ thế nào, mỗi chủ thể phải làm gì?
Điều nữa là khi tổ chức thực hiện phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong vận dụng cơ chế, chính sách pháp luật. Cần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền để giảm thời gian, chi phí thực hiện. Cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc. Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp cùng làm, "góp gió thành bão", "trong tôi có anh, trong anh có tôi", đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Ninh Hà