Hà Nội: Công bố chỉ giới đường đỏ Vành đai 4 tại huyện Hoài Đức
UBND huyện Hoài Đức phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị công bố và bàn giao chỉ giới đường đỏ đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6, tỷ lệ 1/500 (đoạn qua khu vực xã Song Phương, huyện Hoài Đức, liên quan đến đê sông Đáy).
Theo Quyết định số 4091/QĐ-UBND ngày 28/10/2022 của UBND Thành phố Hà Nội, khu vực điều chỉnh cục bộ chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 4 đoạn đi ngoài đê sông Đáy hiện trạng, điểm đầu (điểm A) cách nút giao với Đại lộ Thăng Long khoảng 1.200m, điểm cuối (điểm B) cách tuyến đê sông Đáy tại xã An Thượng, huyện Hoài Đức khoảng 170m; chiều dài đoạn tuyến nghiên cứu điều chỉnh khoảng 5,8km.
Nội dung điều chỉnh cụ thể: Giữ nguyên quy mô mặt cắt ngang đường điển hình B=120m, điều chỉnh cấu tạo thành phần mặt cắt ngang đường gồm 90m bố trí các thành phần đường bộ cao tốc, đường gom đô thị song hành và 30m dự trữ bố trí tuyến đường sắt quốc gia vành đai; không xác định thành phần đê sông Đáy mới, hành lang bảo vệ đê tại đường gom song hành phía tây tuyến đường như đã thể hiện trong hồ sơ chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 4 đoạn từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6 đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 5456/QĐ-UBND ngày 26-11-2012.
Đối với đoạn đi trùng đê sông Đáy hiện trạng (từ Km14+700 đến Km16+600 lý trình đê), điều chỉnh quy mô mặt cắt ngang đường dao động từ B=112,5m đến B=152,5m, trong đó thành phần cao tốc, đường gom song hành phía tây và dải đất dự trữ bố trí tuyến đường sắt quốc gia vành đai giữ nguyên, thống nhất với toàn tuyến; mở rộng mặt đê kết hợp là đường gom song hành phía đông tuyến đường.
Tim đường quy hoạch điều chỉnh được xác định thông qua các điểm cơ sở ký hiệu 1, 2, 3A, 3C, 3D, 4 có tọa độ và thông số kỹ thuật đường cong được ghi trực tiếp trên bản vẽ.
Chỉ giới đường đỏ điều chỉnh được xác định trên cơ sở tim đường quy hoạch, mặt cắt ngang đường, các thông số kỹ thuật, kích thước, kết hợp với nội suy và các điều kiện khống chế cụ thể được xác định chi tiết trên bản vẽ.
Giao cắt với tuyến đường có các công trình hạ tầng kỹ thuật như: Kênh, mương tưới tiêu thoát nước, các tuyến điện cao thế... Khi lập dự án đầu tư xây dựng cần có giải pháp di dời, xây dựng hoàn trả nhằm bảo đảm sự hoạt động bình thường của các công trình hạ tầng kỹ thuật nêu trên.
Để cụ thể hóa các nội dung của đồ án đã được phê duyệt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoài Đức Trần Văn Nghĩa đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố Hà Nội phối hợp với huyện sớm tiến hành cắm mốc giới ngoài thực địa, từ đó làm cơ sở để huyện triển khai các bước tiếp theo trong giải phóng mặt bằng dự án.
Bên cạnh đó, ông Trần Văn Nghĩa yêu cầu các phòng, ban, ngành chuyên môn của huyện cùng các xã liên quan tổ chức tuyên truyền, quán triệt rộng rãi và thường xuyên về các nội dung công việc cần triển khai trong thời gian tới để người dân hiểu, nắm rõ, đồng thuận cao trong quá trình thực hiện dự án.