Hà Nội Sốt đất vùng ven: Sẽ 'vỡ' giống cơn sốt đất Ba Vì Năm 2010?

Nhìn vào thực tế sốt đất một số khu vực tại Hòa Bình, nhiều nhà đầu tư đã liên tưởng đến cơn sốt đất Ba Vì vào 10 năm trước. Bởi những gì diễn ra tại Ba Vì thời điểm đó có khá nhiều điểm tương đồng với những gì đang diễn ra tại Hòa Bình hiện nay.

Hòa bình “loạn” thông tin sốt đất, cẩn trọng rủi ro pháp lý

Thị trường bất động sản đang ghi nhận xu hướng đầu tư tỉnh lẻ và dịch chuyển từ trung tâm ra các khu vực lân cận. Trong đó Hòa Bình được coi là một thị trường mới nổi, được các doanh nghiệp và nhà đầu tư chú ý trong thời gian gần đây, đặc biệt là phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.

Cuộc đổ bộ của nhiều doanh nghiệp với các dự án nghỉ dưỡng quy mô tại Hòa Bình đã thúc đẩy phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng ven đô sôi động, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư đã khiến đất Hòa Bình lên cơn “sốt”.

Hà Nội Sốt đất vùng ven: Sẽ 'vỡ' giống cơn sốt đất Ba Vì Năm 2010? - Ảnh 1

Hòa Bình là một thị trường "mới nổi", được các nhà đầu tư chú ý, đặc biệt là phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.

Theo dữ liệu lớn của Batdongsan.com.vn, Hòa Bình nổi lên như một hiện tượng tìm kiếm, lượng quan tâm tăng mạnh trên trang thông tin này. Trong đó Lương Sơn, Kỳ Sơn và thành phố Hòa Bình là những khu vực đứng đầu về lượng tìm kiếm.

Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, trong vòng 1 năm qua, đất khu vực thành phố Hòa Bình tăng khoảng 10-15%, đất tại Lương Sơn, Kỳ Sơn có sự tăng giá khoảng 10% so với cùng kì 1 năm trước…

Cùng với đó, các thông tin về “sốt đất” tại Hòa Bình cũng nở rộ trên khắp các diễn đàn mua bán nhà đất. Thậm chí nhiều thông tin rao bán dự án còn cam kết dự án chắc chắn tăng giá, sinh lời gấp đôi gấp ba giá trị ban đầu,…

Tuy nhiên, sự xuất hiện của các doanh nghiệp, các đơn vị phân phối, môi giới tại Hòa Bình cùng với các thông tin truyền thông, rao bán rầm rộ đã khiến thị trường nhiễu loạn về giá bán và thông tin dự án, nhiều dự án có dấu hiệu mập mờ, không rõ ràng về pháp lý khiến nhà đầu tư hoang mang.

Điển hình như dự án hạ tầng khu đô thị sinh thái và dịch vụ Cửu Long (tên thương mại là Legacy Hill Hòa Bình) do Công ty TNHH MTV bất động sản Hasky Hòa Bình (thuộc Công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn An Thịnh) làm chủ đầu tư đang gặp rắc rối.

Mặc dù chỉ mới được chủ đầu tư san lấp mặt bằng, hạ tầng chưa hoàn thiện, nhiều khu vực bên trong dự án còn đang san ủi, thế nhưng hiện nay dự án lại được rất nhiều Sàn, Sales bất động sản quảng cáo và rao bán các Biệt thự, Shophouse trên trang mạng Internet tại dự án này, thậm chí nhận tiền của khách hàng.

Chưa dừng lại ở việc quảng cáo qua mạng Internet, ngày 14/6/2020 tại khách sạn JW Marriott Hà Nội, An Thịnh Group và BHS Group tổ chức sự kiện ra mắt dự án Legacy Hill. Tại sự kiện, dự án được giới thiệu do An Thịnh Group làm chủ đầu tư. Sau một hồi giới thiệu về dự án chính là màn chào bán và công khai chốt căn trên bảng điện tử. Hàng trăm căn biệt thự liên tục được báo lên bản điện tử là được người mua chốt và nhận tiền cọc.

Theo tìm hiểu, nhiều nhà đàu tư thông qua các sàn bất động sản, đã đặt cọc số tiền hàng trăm triệu đồng để giữ chỗ mua Biệt thự tại dự án Legacy Hill Hòa Bình từ trước đó. 

Tại dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Hồ Dụ (hay tên gọi khác là Sanaka), dù mới chỉ có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nhưng dự án này đã nhanh chóng san gạt đường, xây dựng nhà ở trong phạm vi dự án. Đặc biệt, dự án này cũng đã được phân lô bán nền rao bán. 

Dự án khu biệt thự nhà vườn Hồ Dụ tại xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình có quy mô rộng gần 50ha nhưng toàn bộ diện tích đất được xây dựng trên quỹ đất rừng.

Theo thông tin trên tờ Phapluatplus.vn, đầu năm 2019, UBND huyện Kỳ Sơn kiểm tra thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Hồ Dụ tại xã Mông Hóa do Công ty Cổ phần phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô làm chủ đầu tư.

Qua công tác kiểm tra về hồ sơ pháp lý Công ty Cổ phần phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô chưa được Nhà nước cấp phép, hồ sơ đất đai chưa có, hồ sơ về môi trường chưa có, hồ sơ xin san gạt chưa có. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay việc san gạt đường và các công trình xây dựng nhà ở trong phạm vi dự án...

Bài học từ cơn sốt đất Ba Vì 10 năm trước

Nhìn vào thực tế tại Hòa Bình, nhiều nhà đầu tư đã liên tưởng đến cơn sốt đất Ba Vì vào 10 năm trước. Bởi những gì diễn ra tại Ba Vì thời điểm đó có khá nhiều điểm tương đồng với những gì đang diễn ra tại Hòa Bình hiện nay.

Cách đây gần chục năm, nhiều nhà đầu tư không khỏi rùng mình khi nhắc tới cơn sốt đất Ba Vì giai đoạn 2009-2010, diễn ra chóng vánh với hàng loạt giao dịch tấp nập, nhưng lại trở thành ác mộng khi chôn vùi không ít tiền của những “con buôn nhà đất”.

Đầu năm 2010, khi có ý kiến về việc Trung tâm hành chính Quốc gia sau này sẽ chuyển về Ba Vì, những làng quê, ngọn đồi, bìa rừng tại Yên Bài, Vân Hòa, Tản Lĩnh… bị nhà đầu tư cày xới. Giá đất tăng gấp 2-3 lần, từ 70-80 triệu mỗi sào lên tới 250 triệu đồng chỉ trong thời gian ngắn. Hàng loạt dự án nghỉ dưỡng nhỏ, của các doanh nghiệp chẳng ai biết đến bỗng được giới đầu tư săn tìm.

Tuy nhiên, chỉ sau hai tháng, nơi này không còn giao dịch khi chính quyền khẳng định “thông tin về trục Ba Vì – Hồ Tây chưa được thông qua và câu chuyện trung tâm hành chính phải 20-30 năm nữa mới có thể bàn đến”. Bong bóng đất Ba Vì “nổ tung”, chôn vùi không ít nhà đầu tư đón đầu quy hoạch.

Cơn “sốt” đất Ba Vì dù ngắn ngủi nhưng để lại những hậu quả nặng nề – đó là việc xuất hiện hàng loạt dự án ma, bởi những nhà đầu tư đã quá tự tin khi ôm đất, để rồi khi bong bóng Bất động sản vỡ, tiền cũng trôi theo dòng nước và đất không bán được, nhiều người ngậm ngùi chịu cảnh trắng tay.

Đến nay đã 10 năm trôi qua, nhiều dự án tại cơn “lốc giá” Ba Vì năm nào bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Có thể điểm qua một vài dự án như hàng chục biệt thự tiền tỷ ở đồi Đá Bạc xã Yên Bài, ở khu Điền Viên Thôn, gần 60 biệt thự nhà vườn đã mọc lên ngay bên cạnh khu đất người dân vẫn cày cấy, không hề được cấp phép xây dựng, bị bao quanh bởi những lùm cỏ dại.

Và Hòa Bình, hiện đang là một thị trường “mới nổi”, khi hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng xuất hiện và được rao bán rầm rộ đã thu hút các nhà đầu tư quan tâm. 

Để triển khai dự án, doanh nghiệp thi nhau “xé núi mở rừng”. Tiếng kêu “ai oán” của những quả đồi nham nhở, chi chít vết sẹo trở thành nỗi ám ảnh với những người dân địa phương. Những cánh rừng xanh ngát được thay đổi thành những khối hộp bê tông vô hồn. Doanh nghiệp vẫn cứ xẻ đồi, dự án vẫn mọc, bất chấp những cảnh báo “yếu ớt” từ chính quyền địa phương.

Ở xã Cư Yên, Lương Sơn có 6 dự án nghỉ dưỡng sinh thái gốm Dinamond Villa Resort, Beverly Hill Lương Sơn, Resort Park Hills Lương Sơn, Khu biệt thự Mountian Villa III, Khu biệt thự Valley Hills và Đồi Cọ… Ngoài ra, còn chưa kể đến xã Mông Hóa với 5 dự án, Tân Vinh 3 dự án. Mỗi dự án bé thì 2 ha như Đồi Cọ, lớn thì lên đến cả trăm ha như Viên Nam Resort. Và để có đất làm dự án – các doanh nghiệp phải “xẻ đồi”.

Hậu quả, những quả đồi đã không còn màu xanh, thay vào đó là sự lởm chởm, gai góc của những khối bê tông vô hồn, cây xanh bị hạ… Sự kỳ dị trong khâu quy hoạch, xây dựng tạo nên một bức tranh lộn xộn, được sắp xếp lại và nhồi nhét vào chung những quả đồi. Nơi mà mẹ thiên nhiên, đang oằn mình trước cuộc xâm lăng của những kẻ “mang tên dự án sinh thái nghỉ dưỡng”.

Mặt khác, từ góc độ thị trường, bài học sau cơn sốt đất Ba Vì 10 năm trước vẫn còn đó khi hậu quả đến nay vẫn chưa thể khắc phục được, các doanh nghiệp chôn vốn, mắc cạn tại các dự án “đắp chiếu” hàng chục năm… Nhiều nhà đầu tư ôm hi vọng đổi đời nhưng thực tế lỗ nặng, chôn vốn khi giá đất nền không tăng mà ngày càng giảm, thậm chí không thể bán cắt lỗ, chấp nhận để mảnh đất của mình phơi mưa, phơi nắng...

 

Theo Đình Anh/ Sở hữu trí tuệ 

 

 

Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/ha-noi-sot-dat-vung-ven-se-vo-giong-con-sot-dat-ba-vi-nam-2010-d81499.html

Tin liên quan