Hà Nội tăng cường quản lý đấu giá đất; đánh giá, rà soát nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản
Ngày 26/8/2022 UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 2807/UBND-TNMT về việc tăng cường công tác quản lý đất đai trong tình hình hiện nay trên địa bàn Thành phố liên quan đến công tác đấu giá đất, đền bù giải phóng mặt bằng và quy hoạch đất.
Ngày 26/8/2022 UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 2807/UBND-TNMT về việc tăng cường công tác quản lý đất đai trong tình hình hiện nay trên địa bàn Thành phố. Văn bản nêu nhiều vấn đề liên quan đến minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất đai, đến công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, và đặc biệt nhấn mạnh về công tác quản lý việc đấu giá đất đai trên địa bàn.
Tăng cường quản lý việc đấu giá đất, rà soát nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản
Văn bản đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề quản lý việc đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn Thành phố. UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu Sở TN&MT, các sở, ban ngành liên quan và Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội căn cứ theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ thực hiện các công điện, văn bản, của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ TN&MT và Bộ Xây dựng về đấu giá tài sản, đấu giá quyền sử dụng đất, đánh giá, rà soát nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản và tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản.
Văn bản nêu rõ về công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ từ khâu thiết lập hồ sơ dự án đấu giá quyền sử dụng đất, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để chuẩn bị quỹ đất thực hiện đấu giá. Trong đó, tập trung rà soát, kiểm tra, đánh giá hoạt động của các tổ chức tư vấn đấu giá quyền sử dụng đất, lựa chọn tổ chức tư vấn đấu giá có uy tín, trách nhiệm và tuân thủ quy định của pháp luật.
Việc công bố công khai thông tin về dự án đấu giá quyền sử dụng đất và kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất hàng năm cần được phê duyệt đảm bảo minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu sử dụng đất tiếp cận đất đai. Lưu ý rà soát, kiểm tra, đánh giá, đề xuất kiến nghị xử lý theo quy định đối với trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính đúng, đủ theo phương án được phê duyệt hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.
UBND Thành phố nhắc nhở cần thường xuyên rà soát, tổng hợp, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện để kịp thời phát hiện, ngăn chặn trường hợp vi phạm quy định về đấu giá quyền sử dụng đất, báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Liên quan đến vấn đề đấu giá đất, văn bản do Bộ TN&MT gửi các tỉnh thành phố trước đó cũng đã ghi nhận việc tồn đọng một số bất cập trong việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất tại một số nơi còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản. Trên thực tế, có trường hợp không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng nhưng chưa được xử lý triệt để; quá tải trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai tại một số địa phương.
Bộ TN&MT đề nghị, trong phương án đấu giá quyền sử dụng đất phải quy định rõ điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá (năng lực về tài chính, kỹ thuật, ký quỹ, nguồn vốn của chủ đầu tư, thời 3 gian đưa đất vào sử dụng theo đúng tiến độ nếu trúng đấu giá…); làm tốt công tác xác định giá khởi điểm bảo đảm giá khởi điểm phù hợp với giá thị trường.
Rà soát nhiệm vụ bồi thường, nhất là địa bàn có Vành đai 4 đi qua
Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng trên địa bàn, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và tiến độ thời gian, nhất là những địa bàn có đường vành đai 4 đi qua.
Dự án đường vành đai 4 – Vùng Thủ Đô dự kiến chiều dài khoảng 112km, đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh và đoạn tuyến nối với quốc lộ 18. Trong đó khu vực Hà Nội đi qua 7 quận, huyện gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông. Tỉnh Hưng Yên đi qua 4 huyện gồm Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm và Tỉnh Bắc Ninh đi qua 3 huyện gồm Thuận Thành, Quế Võ và Gia Bình. Bên cạnh đó có gần chục km đường nối từ cuối đường Vành đai 4, từ cao tốc Nội Bài - Hạ Long theo quy hoạch đến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang nhằm khép kín dự án.
Tại buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với Thường trực các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh về triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết đối với công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thành 70% trong tháng 6/2023, phấn đấu hoàn thành xong công tác quan trọng này trong tháng 12/2023.
Minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất
Nội dung ghi nhận, UBND Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan hoàn thành việc lập, thẩm định và trình cấp thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) của Thành phố trong tháng 9/2022.
Văn bản nêu rõ việc cần công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về cơ sở dữ liệu, bản đồ trong hệ thống quy hoạch. Đồng thời, UBND Thành phố yêu cầu Sở KH&ĐT, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan khẩn trương triển khai, hoàn thành việc lập, thẩm định và trình cấp thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 theo đúng quy định của pháp luật.