Hà Nội ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới
Ngày 23/6, UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch về việc hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 trên địa bàn TP. Kế hoạch nhấn mạnh việc ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, tạo ra thêm các kênh cạnh tranh, kênh chuyển giao công nghệ thông qua liên kết sản xuất.
Kế hoạch số 153/KH-UBND về việc hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 trên địa TP.Hà Nội nêu rõ, giai đoạn từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ xây dựng bộ tiêu chí để sàng lọc, thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phù hợp với đặc thù Thủ đô về khả năng kinh tế, cơ sở hạ tầng hiện tại; tập trung thu hút các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao, đồng thời, sàng lọc để bảo vệ an ninh, quốc phòng và tiềm lực kinh tế quốc gia. Thành phố cũng chuẩn bị yếu tố đầu vào để đón đầu dòng vốn dịch chuyển; chuẩn bị đội ngũ lao động có tay nghề, mặt bằng sản xuất và các điều kiện về năng lượng (đặc biệt là điện) để đón nhận các dòng vốn dịch chuyển sản xuất; tăng cường năng lực của doanh nghiệp trong nước để sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu.
Về quan điểm thu hút đầu tư, thành phố Hà Nội sẽ hợp tác đầu tư có chọn lọc để góp phần tái cơ cấu nền kinh tế; ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, sử dụng và tạo năng lượng sạch, thân thiện môi trường; tập trung kêu gọi các dự án có quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia. Từ đó, nhận chuyển giao công nghệ, xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, các doanh nghiệp phụ trợ của thành phố.
Đặc biệt là tạo ra thêm các kênh cạnh tranh, kênh chuyển giao công nghệ thông qua liên kết sản xuất, tạo động lực cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường ứng dụng công nghệ mới và nâng cao chất lượng nhân sự. Xây dựng giải pháp mang tính chiến lược, tận dụng thời cơ để hợp tác đầu tư nước ngoài phù hợp với mục tiêu của thành phố...
Thành phố sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, tận dụng hết cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do nước ta đã ký kết. Bên cạnh đó, xác định thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cần đặt trong bối cảnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 phù hợp với tổng thể quy hoạch của thành phố; phù hợp với lợi thế, điều kiện, trình độ phát triển, bảo đảm hiệu quả tổng thể kinh tế - xã hội - môi trường…
Định hướng thu hút đầu tư nước ngoài
Trong giao đoạn 2020 - 2025, TP xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác được các lợi thế của thủ đô cũng như các thế mạnh của các tỉnh, TP trong vùng.
Lựa chọn các dự án dịch chuyển thuộc các ngành, lĩnh vực có công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo; công nghiệp chế biến, chế tạo có tính lan tỏa và có giá trị gia tăng cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Hạn chế tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường.
Tiếp cận để nhận đầu tư từ các công ty, tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ cao, tăng cường đổi mới và tiếp nhận chuyển giao tri thức từ các doanh nghiệp FDI, nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả trong lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo trên địa bàn TP.
Tiếp tục đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với các hoạt động đối ngoại, văn hóa. Xác định rõ các thị trường, quốc gia trọng điểm, các tập đoàn lớn để giới thiệu các tiềm năng, lợi thế của TP Hà Nội; chú trọng và tăng cường thúc đẩy xúc tiến đầu tư tại chỗ; bám sát và hỗ trợ các hoạt động của các Tổ chức công tác Thúc đẩy hợp tác tác đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính về đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, thuế, bảo hiểm, đất đai... Đẩy mạnh vai trò của các cơ quan xúc tiến đầu tư đối với các tổ chức ngoại giao và khu vực kinh tế đầu tư vốn nước ngoài...