Hai nửa của 'bức tranh' lợi nhuận ngân hàng quý I/2025
Bức tranh lợi nhuận ngân hàng trong quý đầu năm cho thấy sự phân hóa rõ nét. Dù đối mặt với nhiều thách thức nhưng triển vọng ngành ngân hàng vẫn tích cực.
Lợi nhuận ngân hàng chia 2 nửa
Đến nay, hầu hết ngân hàng đã hoàn tất công bố báo cáo tài chính quý I/2025.
Bức tranh lợi nhuận ngân hàng quý I cho thấy sự phân hóa rõ nét khi nhiều ngân hàng công bố lãi cao nhưng cũng có không ít nhà băng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế quý I của Vietcombank đạt 10.859 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu lợi nhuận toàn ngành ngân hàng.
Theo sau là MB khi đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 8.386 tỷ đồng trong quý I, tăng 45%.
Tại BIDV, lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý I đạt 7.413 tỷ đồng, tăng 0,31%. Động lực tăng trưởng chủ yếu ở các công ty con.
VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I đạt hơn 6.823 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều ngân hàng khác cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng vượt trội trong quý đầu năm.
Điển hình, tại VietBank, lợi nhuận trước thuế quý I đạt 248 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ, tức tăng tới 238% so với quý I/2024.
Trong quý I, lợi nhuận của KienlongBank đạt 356 tỷ đồng, tăng 66% so với mức 214 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Sacombank cho biết, lãi trước thuế quý I của ngân hàng này đạt 3.674 tỷ đồng, tăng 38,4% so với cùng kỳ, tương đương 25,1% kế hoạch năm.
Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế của HDBank trong 3 tháng đầu năm đạt 5.355 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái (4.028 tỷ đồng). Với mức tăng trưởng này, HDBank đã vượt qua cả ACB và VPBank, trở thành ngân hàng tư nhân lãi cao thứ hai hệ thống, chỉ sau Techcombank.
Trong khi đó, kết thúc 3 tháng đầu năm, VPBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động hợp nhất gần 15.600 tỷ đồng, tăng trưởng 16,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.015 tỷ đồng, cao hơn 20% so với cùng kỳ.
Tại Nam A Bank, trong quý I/2025, lợi nhuận trước thuế đạt 1.214 tỷ đồng, tăng 21,52% so với cùng kỳ năm trước.
Kết thúc quý I/2025, lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt 2.100 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đa phần ngân hàng có kết quả kinh doanh quý I khởi sắc thì cũng có một số nhà băng báo lãi sụt giảm.
Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I đạt 7.236 tỷ đồng, giảm 7,3% so với cùng kỳ 2024.
PGBank cũng công bố báo cáo tài chính quý I với lợi nhuận trước thuế đạt 96 tỷ đồng, giảm 17,3% so với cùng kỳ trong bối cảnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh.
Báo cáo tài chính quý I của ngân hàng ACB cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 4.600 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước khi một số mảng kinh doanh chính ghi nhận kết quả đi lùi. Theo đó, thu nhập lãi thuần quý I của ACB đạt 6.358 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với quý I/2024.
Dù thách thức nhưng triển vọng vẫn tích cực
Mặc dù bức tranh kết quả kinh doanh toàn ngành trong quý đầu năm nhìn chung tích cực nhưng “thách thức” là cụm từ được nhiều lãnh đạo ngân hàng nhắc tới khi nói về bức tranh kinh tế năm nay, trước những bất ổn địa chính trị và biến động thuế quan tác động sâu sắc đến các quốc gia.
Lãnh đạo nhiều nhà băng cho hay, với tác động từ các yếu tố bên ngoài, nhất là chính sách thuế quan của Mỹ sẽ khó tránh ảnh hưởng đến tín dụng và kết quả lợi nhuận của ngành ngân hàng, nhất là các quý tới.
Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú đánh giá tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) vừa diễn ra rằng lợi nhuận năm nay chắc chắn sẽ có suy giảm cho dù có thành công trong việc đàm phán thuế quan. Theo ông Tú, tổng dư nợ khối khách hàng của BIDV bị ảnh hưởng bởi tác động thuế quan thống kê được ước khoảng 300.000 tỷ đồng, chiếm 15% dư nợ của BIDV.

Tại ĐHĐCĐ Vietcombank, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Tùng nhận định nhà băng này sẽ chịu tác động mạnh hơn các ngân hàng khác bởi danh mục khách hàng FDI lớn.
Trong khi đó, ở nhóm ngân hàng tư nhân, hầu hết lãnh đạo ngân hàng đánh giá tác động không đáng kể do dư nợ tín dụng liên quan đến các khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế quan không nhiều.
Theo nhóm phân tích KBSV, ngành ngân hàng có thể chịu tác động ở mức trung bình từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Quý I/2025 chứng kiến các biến động bất lợi trên thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là xu hướng tăng lãi suất USD và rủi ro tỷ giá, gây áp lực lên chi phí vốn và thanh khoản.
Thêm nữa, các ngân hàng trong nước đang đối mặt với bài toán lãi suất đầu vào gia tăng. Cùng với đó, áp lực cạnh tranh từ các định chế tài chính phi ngân hàng và công ty công nghệ tài chính (fintech) cũng tạo thêm rào cản cho tăng trưởng bền vững.
Dù nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khó lường nhưng triển vọng tăng trưởng của ngành ngân hàng trong năm nay vẫn được đánh giá là tích cực.
Nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng mục tiêu lợi nhuận ấn tượng, thậm chí một số nhà băng đặt mục tiêu tăng trưởng cao kỷ lục, lập đỉnh mới về lợi nhuận.
Chẳng hạn, năm 2025, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 5%, tương ứng 44.300 tỷ đồng. BIDV lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 6-10% lên hơn 31.383 tỷ đồng.
Trong khi VPBank đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2025 đạt 25.270 tỷ đồng, tăng 26%. ACB đặt mục tiêu đạt 23.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay, tăng 9,5%. Sacombank lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 14.650 tỷ đồng năm 2025, tăng 15%.
Còn PGBank điều chỉnh tăng mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay lên 1.001 tỷ đồng, tức tăng 135,3% so với năm 2024. ABBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 131%. Đây là hai nhà băng có mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận thuộc top cao nhất hệ thống trong năm nay.
Nhiều ngân hàng khác cũng lên kế hoạch lợi nhuận với mức tăng trưởng hai chữ số như Techcombank, SHB, TPBank, LPBank... và tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu.
Để hiện thực hóa mục tiêu đặt ra, các ngân hàng cho biết đã và đang cơ cấu lại danh mục tín dụng, đẩy mạnh số hóa, tinh gọn bộ máy để tăng hiệu quả hoạt động và tiết giảm chi phí. Đồng thời, các giải pháp tăng thu ngoài lãi như dịch vụ, bancassurance, ngoại hối... cũng được đẩy mạnh để giảm phụ thuộc vào tín dụng truyền thống.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá nếu Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ 8-10% cũng như củng cố được niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng tăng trưởng kinh tế thì mục tiêu tín dụng tăng mạnh là khả thi và đây sẽ trở thành động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng trong năm nay.
Tuy nhiên, ông Huân cho rằng, biên lãi ròng ngành ngân hàng khó có thể tăng mạnh trong năm 2025, song tăng trưởng tín dụng được đẩy nhanh sẽ thúc đẩy thu nhập ngoài lãi tăng trưởng tốt hơn so với năm ngoái. Tỷ trọng thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập dự báo duy trì ở mức 22%.