Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành các Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 địa phương: Thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh ...

 

Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù - Ảnh 1

Nút giao thông Nam Cầu Bính – Hải Phòng. Ảnh: Cổng TTĐT Hải Phòng.

Cụ thể, tại Nghị quyết số 35/2021/QH15, Quốc hội quyết nghị thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.

Tại Nghị quyết số 36/2021/QH15 và Nghị quyết số 37/2021/QH15 quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước và phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, lâm nghiệp.

Nghị quyết số 38/2021/QH15 quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước.

4 địa phương trên thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù từ ngày 1/1/2022 và thực hiện trong 5 năm.

Trước đó, sáng 13/11, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố cho Hải Phòng, Thừa Thiên-Huế, Thanh Hóa, Nghệ An.

Các tỉnh, thành được lựa chọn là các địa phương có đặc thù về địa lý, dân số, lịch sử, văn hóa và tiềm năng phát triển kinh tế.

Thanh Hóa, Nghệ An là các tỉnh có diện tích đất rộng, dân số đông, có tiềm năng nhưng chưa có cơ chế bứt phá. Thừa Thiên- Huế là cố đô có bề dày lịch sử, đặc thù văn hóa song năng lực tài chính rất hạn chế.

Hải Phòng là thành phố cảng lớn nhất miền Bắc, một trong những đầu tàu kinh tế nhưng với cơ chế chỉ như các tỉnh, thành khác thì sẽ khó phát huy thế mạnh, nhất là kinh tế biển.

Duy Khánh

Theo Kinh doanh và phát triển