Hàng loạt ông lớn địa ốc đổ bộ, thị trường bất động sản Tây Nguyên “cất cánh”
Bất động sản Tây Nguyên vốn lặng lẽ trên bản đồ đầu tư bất động sản cả nước nhưng chỉ trong khoảng 2 năm gần đây, thị trường này trở nên sôi nổi với sự góp mặt của nhiều ông lớn với các dự án quy mô.
Yếu tố thúc đẩy BĐS Tây Nguyên “cất cánh”
Trong 2 năm gần đây, bất động sản Tây Nguyên đang có sự chuyển mình mạnh mẽ. Cơ cấu sản phẩm đang đa dạng hơn, thay vì các dự án phân lô bán nền, thị trường xuất hiện những khu đô thị tích hợp, có sự đồng bộ trong tiện ích và dịch vụ.
Sự biến chuyển này là điều tất yếu bởi lẽ vùng đất này hội tụ rất nhiều tiềm năng cho sự phát triển của bất động sản. Tây Nguyên là vùng cao nguyên kết nối khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và ven biển miền Trung. Đây là vùng đất giàu tài nguyên từ nông nghiệp, lâm nghiệp, khoáng sản đến tài nguyên về văn hóa, du lịch.
Tây Nguyên là thủ phủ của cây cà phê, là trọng điểm phát triển các cây công nghiệp khác như tiêu, cao su, bơ. Đây cũng là tỉnh có thế mạnh trong công nghiệp chế biến lâm sản và sở hữu nguồn năng lượng tái tạo lớn nhất nhì cả nước. Vùng đất này cũng nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh, bản sắc văn hóa đa dạng và là cái nôi của không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.
Trong những năm gần đây, hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải được đầu tư, phát triển mạnh mẽ, từng bước đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Về đường bộ có những hạng mục lớn như tuyến đường Hồ Chí Minh – cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) và các trục giao thông xuyên Á nối Trung Quốc – Myanmar – Lào – Thái Lan. Sân bay nội địa Buôn Ma Thuột và cụm cảng hàng không giúp việc di chuyển đến TP. HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội… trở nên dễ dàng. Tuyến đường sắt kết nối khu vực Tây Nguyên là Tuy Hòa – Buôn Ma Thuột cũng đã nằm trong quy hoạch, dự kiến khi hoàn thành sẽ là động lực thúc đẩy phát triển chung của toàn khu vực.
Sở hữu hệ thống giao thông hoàn thiện và nhiều tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế nhưng thị trường bất động sản Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng còn đang khá sơ khai, chưa được khai thác và phát triển đúng tầm. Chính bởi vậy, mà vùng đất này trở thành điểm dừng chân của nhiều ông lớn bất động sản trong hành trình khai thác những thị trường mới.
Hàng loạt “ông lớn” bất động sản đổ bộ với những dự án lớn
Thực tế cho thấy, trước khi chứng kiến cuộc đổ bộ của các ông lớn địa ốc, bất động sản Tây Nguyên giản đơn với các dự án phân lô bán nền. Ngay cả Buôn Ma Thuột – thành phố đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Đắk Lắk và là thành phố lớn nhất vùng Tây Nguyên thì sự sôi động của thị trường thời điểm trước năm 2020 tập trung chính ở phân khúc đất đấu giá. Lúc đó, các dự án đất nền bán đấu giá của nhà nước như dự án Metro, Phan Bội Châu, dự án Võ Thị Sáu, dự án Lê Vụ…. đều ghi nhận tỉ lệ hấp thụ tốt từ người có nhu cầu mua ở thực và giới đầu tư. Thị trường phát triển lành mạnh, không ghi nhận các hiện tượng tăng giá đột biến theo hướng sốt ảo tại các dự án này.
Một trong những dự án đầu tiên góp phần thay đổi cơ cấu sản phẩm của bất động sản Tây Nguyên trong 2 năm 2020-2021 là EcoCity Premia của chủ đầu tư Capital House. Tọa lạc tại Km7, Phường Tân An, (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), với tổng diện tích gần 50ha, EcoCity Premia gồm 374 căn nhà phố thương mại, 154 căn nhà phố vườn, 263 căn nhà liền kề, 103 căn biệt thự đơn lập, 62 căn biệt thự song lập với diện tích đa dạng từ 97-300m2. Với mật độ xây dựng dưới 50%, Ecocity Premia dành phần diện tích còn lại dành cho cảnh quan sống xanh, tiện ích dịch vụ. Dự án không đơn giản là đất phân lô bán nền mà được chủ đầu tư xây dựng hệ thống tiện ích – dịch vụ như: khuôn viên vui chơi, khu thể dục thể thao, hồ điều hòa trung tâm, sân golf, khu ẩm thực, bể bơi ngoài trời, khu thương mại – mua sắm…
Cùng thời gian, khu đô thị Ân Phú Buôn Ma Thuột nằm trên đường Hà Huy Tập, phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cũng được giới thiệu trên thị trường. Tổng diện tích quy hoạch khu đô thị Ân Phú là 19,5 ha được chia thành 2 giai đoạn phát triển. Dự án Ân Phú cung ứng ra thị trường chuỗi sản phẩm đa dạng gồm 568 căn nhà ở liền kề thương mại và 330 căn hộ xã hội. Ngoài ra, khu đô thị Ân Phú còn tích hợp bãi đỗ xe công cộng, công viên cây xanh, khu vui chơi giải trí, trường mầm non, trung tâm thương mại, công viên, nhà văn hóa, hệ thống an ninh nghiêm ngặt với chốt canh gác, camera, lực lượng bảo vệ tuần tra.
Còn nhớ, thời điểm đầu năm 2021, Buôn Ma Thuột đón một dự án quy mô khác là dự án thành phố cà phê Trung Nguyên. Được biết, chủ đầu tư của dự án là Tập đoàn Trung Nguyên Legend. Dự án tọa lạc tại đường Nguyễn Đình Chiểu nối dài, Phường Tân Lợi (TP.Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk). Thành phố cà phê Trung Nguyên có tổng diện tích là 45,45 ha với mật độ xây dựng 27%. Dự án đa dạng các loại hình sản phẩm: nhà liên kế, nhà phố thương mại, biệt thự…Dự án cũng được xây dựng theo mô hình tích hợp gồm trường mầm non, trường tiểu học, bảo tàng cà phê, trung tâm thương mại, khu công viên chữa lành, khu hồ nước, trung tâm thể dục thể thao, hồ bơi.
Ngoài ra, Tập đoàn Vingroup cũng đổ bộ vào Đắk Lắk với tổ hợp dịch vụ cho hãng ô tô VinFast và dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại – Khách sạn 5 sao, shophouse tại thành phố Buôn Ma Thuột có tổng vốn đầu tư dự kiến 2.500 tỉ đồng; TNG Holdings cũng có kế hoạch phát triển nhà ở đô thị, khu dân cư, khu đô thị mới với tổng giá trị đầu tư khoảng hơn 1.700 tỷ đồng.