HDBank: Nợ phải trả gấp gần 12 lần vốn chủ sở hữu
Kết thúc năm 2020, nợ phải trả tại HDBank là 294.423 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ đạt 24.704 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 tại HDBank giảm nhưng nợ nhóm 3 lại có xu hướng tăng nhanh.
Theo BCTC hợp nhất quý 4/2020 vừa công bố của Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank, HOSE: HDB) cho thấy kết quả kinh cả năm 2020 đều khả quan.
Cụ thể, cả năm 2020 HDBank trích hơn 1.788 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 39% so với năm trước, kết quả HDBank báo lãi trước và sau thuế năm 2020 tăng 16%, ghi nhận 5.818 tỷ đồng và 4.646 tỷ đồng.
Riêng trong quý 4/2020, chi phí dự phòng rủi ro tại HDBank tăng 61%, lên mức 656 tỷ đồng, kết quả lợi nhuận trước và sau thuế quý 4 giảm 8% và 9% so với cùng kỳ, chỉ còn 1.436 tỷ đồng và 1.146 tỷ đồng.
Như vậy, nếu so với kế hoạch 5.661 tỷ đồng lãi trước thuế cho cả năm 2020, HDBank vượt 3% chỉ tiêu.
Tại ngày 31/12/2020, nợ phải trả của HDBank tăng 41% so với thời điểm cuối năm 2019, lên mức 294.423 tỷ đồng. Trong khoản nợ phải trả trên chủ yếu là khoản nợ tiền gửi của khách hàng tăng 39% so với cuối năm 2019, lên mức 174.620 tỷ đồng.
Ngoài ra, khoản nợ tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác cũng tăng 51%, lên mức 75.175 tỷ đồng; phát hành giấy tờ có giá tăng 27%, lên mức gần 34.332 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, đến cuối năm 2020, tổng vốn chủ sở hữu của HDBank chỉ đạt 24.704 tỷ đồng trong khi tổng nợ phải trả đã lên tới 294.423 tỷ đồng. Như vậy, năm 2020 nợ phải trả của HDBank gấp gần 12 lần tổng vốn chủ sở hữu.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020 của HDBank cho thấy, tính đến ngày 31/12/2020, tổng nợ xấu của HDBank tăng 18% so với đầu năm, ghi nhận hơn 2.357 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng vọt 68% lên mức 815 tỷ đồng và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 38% lên mức hơn 803 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhờ nợ có khả năng mất vốn (nọ nhóm 5) giảm 20%, xuống còn gần 739 tỷ đồng kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ 1,36% xuống còn 1,32%.