Hé lộ lợi nhuận quý III của các CTCK: Không chỉ có gam màu hồng

Quý III/2023 vốn được dự báo là một quý ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực của các công ty chứng khoán (CTCK) so với cùng kỳ năm ngoái, bởi thanh khoản và điểm số diễn biến tương đối thuận lợi. Dự báo này nhiều khả năng sẽ trở thành sự thật, tuy nhiên không phải toàn bộ bức tranh là màu hồng.

Hé lộ lợi nhuận quý III của các CTCK: Không chỉ có gam màu hồng
Hé lộ lợi nhuận quý III của các CTCK: Không chỉ có gam màu hồng

“Ông lớn” sống khỏe

Kết quả kinh doanh quý III/2023 của các “ông lớn” chứng khoán nhìn chung vẫn đi theo đúng quỹ đạo tốt đẹp được kỳ vọng ban đầu. Đầu tiên phải kể đến Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS). Doanh nghiệp này đạt 915 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý III/2023, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước. 

Thành quả này phần lớn đến từ sự phục hồi của mảng ngân hàng đầu tư (doanh thu tăng trưởng 55% so với cùng kỳ) và đặc biệt là mảng kinh doanh nguồn vốn và phân phối trái phiếu (tăng trưởng 118%) nhờ sự ấm lên của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh thu từ mảng cho vay tăng trưởng 15%. Đáng chú ý, doanh thu mảng môi giới của TCBS suy giảm 33% so với cùng kỳ.

Cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý III nhưng động lực tăng của Công ty Chứng khoán MB (MBS) lại khá trái ngược với TCBS. Theo đó, tăng trưởng lợi nhuận của MBS đạt 37% trong quý vừa qua, đạt 208 tỷ đồng, phần lớn nhờ doanh thu môi giới tăng mạnh 42%.

Cũng ở trong vòng xoáy tích cực, Công ty Chứng khoán VIX (HoSE: VIX) báo lãi sau thuế 199,2 tỷ đồng trong quý III/2023, tăng 126% so với cùng kỳ năm ngoái. VIX đưa ra 3 nguyên nhân chính dẫn đến mức tăng bằng lần trên:

Thứ nhất, quy mô giao dịch thị trường đã có chuyển biến tích cực so với cùng kỳ, mang lại lợi nhuận từ hoạt động môi giới tăng 44,2%, tương ứng tăng 9,5 tỷ đồng. Đồng thời, doanh thu hoạt động cho vay và phải thu tăng 154%, tương ứng tăng thêm 43 tỷ đồng do dư nợ các khoản phải thu và cho vay tăng 177% so với cùng kỳ.

Thứ hai, chỉ tiêu “lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL)” tăng 38,3% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 45 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lãi bán các tài sản tài chính trong kỳ.

Thứ ba, việc giữ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) đã đem lại cho VIX khoản lợi nhuận 43 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, HoSE: VDS) còn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng hơn cả VIX. Cụ thể, doanh nghiệp này đạt 91,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý vừa qua, tăng 281% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đi sâu hơn, lực đẩy lợi nhuận chủ yếu tới từ hoạt động đầu tư và môi giới. Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động cho vay tăng nhẹ còn hoạt động ngân hàng đầu tư gần như không có doanh thu. Bên cạnh đó, việc thị trường phục hồi về điểm số đã giúp VDSC hoàn nhập chi phí hơn 21,4 tỷ đồng.

Các công ty chứng khoán cỡ nhỏ hơn cũng không thiếu các đại diện ghi nhận mức tăng lợi nhuận đột biến. Như trường hợp của Công ty Chứng khoán Bảo Minh đạt lãi ròng 30,2 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ. Lợi nhuận của Công ty Chứng khoán NH Việt Nam thậm chí còn đạt mức tăng lên tới 192%, lên 11,73 tỷ đồng do doanh thu đầu tư, cho vay margin và môi giới chứng khoán đều tăng trưởng. Ấn tượng hơn cả là Công ty Chứng khoán DSC với lợi nhuận sau thuế tăng tới 355%, lên 39,1 tỷ đồng.

“Bớt nóng” hơn là trường hợp của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam khi đạt lợi nhuận sau thuế 39,4 tỷ đồng trong quý III/2023, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, nhờ lực đẩy từ mảng môi giới. Công ty Chứng khoán Thành Công thì lãi ròng hơn 17 tỷ đồng trong quý vừa qua, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ các tài sản tài chính tăng giá.

Ngoài ra, trường hợp của Công ty Chứng khoán HVS Việt Nam cũng gây chú ý khi lãi 132 triệu đồng trong quý III/2023, đảo ngược so với mức lỗ 140 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái.

Không ít công ty chứng khoán giảm lãi, thua lỗ

Lợi nhuận chung của ngành chứng khoán nhiều khả năng sẽ tăng trưởng mạnh trong quý III/2023, tuy nhiên bức tranh không phải chỉ có màu hồng. Không ít công ty chứng khoán giảm lãi, thậm chí thua lỗ trong quý vừa qua.

Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) là một trường hợp như vậy. Lợi nhuận sau thuế quý III/2023 của Agriseco giảm 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 26,8 tỷ đồng, do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 29%.

Trong khi đó, lãi ròng của Công ty Chứng khoán LPBank giảm 10,38 tỷ đồng, tương đương giảm 54%, chủ yếu do hoạt động tự doanh và hoạt động tư vấn tài chính tỏ ra kém hiệu quả. 

Công ty Chứng khoán Hải Phòng ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6,3 tỷ đồng trong quý vừa qua, chỉ bằng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Song song, Công ty Chứng khoán JB Việt Nam đạt lãi ròng 5,3 tỷ đồng, bằng khoảng 54% cùng kỳ.

Đáng chú ý, hàng loạt công ty chứng khoán thua lỗ trong quý III/2023, chủ yếu là các công ty chứng khoán nhỏ. Cụ thể, Công ty Chứng khoán Việt Tín báo lỗ 192 triệu đồng trong quý vừa qua. Cùng kỳ năm trước đó, doanh nghiệp này lỗ 322 triệu đồng.

Công ty Chứng khoán BETA và Công ty Chứng khoán Phố Wall trong tình trạng tương tự. Theo đó, BETA lỗ gần 1 tỷ đồng trong quý III/2023, tuy nhiên vẫn tích cực hơn cùng kỳ năm ngoái khi lỗ tới hơn 6 tỷ đồng. Còn Phố Wall lỗ 395 triệu đồng, cải thiện so với mức lỗ lên tới 50 tỷ đồng cùng kỳ.

Ngoài ra còn có trường hợp của Công ty Chứng khoán RHB Việt Nam với khoản lỗ 1,3 tỷ đồng trong quý III/2023. Cùng kỳ năm ngoái, mức lỗ là 2,1 tỷ đồng.

Có phần khác biệt, Công ty Tư vấn Đầu tư Chứng khoán TC Capital Việt Nam ghi nhận khoản lỗ 472 triệu đồng, cao hơn một chút so với cùng kỳ.

Thanh Long

Theo VietnamFinance