Hé lộ về doanh nghiệp 'chơi lớn' xây băng tải vận chuyển 'vàng đen' vượt biên giới chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam
Doanh nghiệp này đầu tư dự án xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá với chiều dài 6.115m đi qua đường biên giới Việt Nam - Lào.
Thông tin từ VietnamFinance, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam cho Công ty TNHH Nam Tiến.
Được biết, việc xây dựng hệ thống băng tải than cắt qua đường biên giới là dự án chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Về quy mô, dự án có diện tích đất dự kiến sử dụng 23,82ha, có điểm đầu tư tại xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Công suất thiết kế dự án 30 triệu tấn/năm. Trong đó giai đoạn 1 có công suất 15 triệu tấn/năm.
Mục tiêu của dự án là để đảm bảo an ninh năng lượng trong thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng một phần nhu cầu tiêu thụ than trong nước, phục vụ phát triển ngành kinh tế; đồng thời giảm áp lực thông quan hàng hóa tại Cửa khẩu quốc tế La Lay, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Quốc lộ 15D.
Về quy mô kiến trúc xây dựng, tuyến băng tải vận chuyển than có tổng chiều dài 6.115m được kết nối vào đoạn băng tải thuộc phạm vi nước bạn Lào, đi qua đường biên giới Việt Nam - Lào.
Trong giai đoạn 1, dự án dự kiến sẽ khởi công vào quý III/2025; lắp đặt thiết bị và các hạng mục công trình phụ trợ khác vào quý IV/2026. Đến quý I/2027, dự án được tổ chức nghiệm thu đưa vào hoạt động. Giai đoạn 2, dự án dự kiến sẽ khởi công trong quý II/2030; lắp đặt thiết bị và các hạng mục công trình phụ trợ khác trong quý II/2031 và nghiệm thu đưa vào hoạt động trong quý IV/2031.
Dự án có tổng vốn đầu tư 1.489,27 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu 297,85 tỷ đồng, chiếm 20% giá trị tổng mức đầu tư dự án; vốn vay từ các ngân hàng thương mại: 1.191,41 tỷ đồng, chiếm 80% giá trị tổng mức đầu tư. Thời gian hoạt động của dự án là 30 năm kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.
"Sức khỏe" kinh doanh của doanh nghiệp làm băng tải chuyển than từ Lào về Việt Nam
Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Nam Tiến được thành lập vào tháng 3/2006 với số vốn điều lệ ban đầu là 15 tỷ đồng. Công ty có địa chỉ trụ sở tại tổ 1, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên). Loại hình kinh doanh là khai thác quặng kim quý hiếm... Ông Phan Thế Nam (sinh năm 1973, trú tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) làm người đại diện pháp luật.
Tháng 4/2024, công ty cập nhật vốn điều lệ là 286 tỷ đồng, với phần vốn góp của Nguyễn Văn Đại hơn 11,3 tỷ đồng và Phan Thế Nam 256,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty là 46,3 tỷ đồng. Vốn lưu động còn lại là 227,5 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương đương tiền của doanh nghiệp đạt 70,8 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn phải trả 1.232,5 tỷ đồng; hàng hóa tồn kho 193,6 tỷ đồng; tỷ lệ nợ phải trả /vốn chủ sở hữu 3,27 lần.
Trong tháng 2/2024, Nam Tiến cũng là công ty được tỉnh Quảng Trị cho phép lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo phương thức đối tác công tư (PPP) dự án đầu tư xây dựng tuyến Quốc lộ 15D đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây.
Tham gia dự án này là liên danh 3 nhà đầu tư gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn - Công ty TNHH Phonesack Việt Nam - Công ty TNHH Nam Tiến.
Than đá được gọi là "vàng đen" - nguồn nguyên liệu quan trọng trong ngành công nghiệp năng lượng. Theo bản ghi nhớ tháng 7/2023 giữa hai nước Việt Nam - Lào, mỗi năm Việt Nam sẽ nhập khoảng 20 triệu tấn than từ Lào. Tại Quảng trị, cửa khẩu quốc tế La Lay là cửa khẩu quan trọng để vận chuyển than, phục vụ trực tiếp cho mua bán than giữa hai nước. Than từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu La Lay sẽ tới các cảng Chân Mây, Thuận An của Thừa Thiên Huế hoặc cảng Cửa Việt.