Hòa Phát đặt mục tiêu lợi nhuận 2023 giảm còn 8.000 tỷ
Tập đoàn Hòa Phát vừa công bố một số nội dung dự kiến sẽ trình đại hội cổ đông thường niên tổ chức vào ngày 30/3/2023 tới đây.
Cụ thể, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 bao gồm doanh thu hợp nhất 150.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế toàn tập đoàn 8.000 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ biên lãi thuần 5,33%.
Hiện tại, "ông lớn" ngày thép đã công bố kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2022 với những con số làm buồn nhà đầu tư.
Theo đó, Hòa Phát ghi nhận doanh thu quý 4/2022 đạt 26.000 tỷ đồng - giảm 42% so với cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận sau thuế âm gần 2.000 tỷ đồng - mức lỗ nặng nhất trong lịch sử hoạt động đồng thời vượt ngoài dự phóng của một số công ty chứng khoán đưa ra trước đó.
Lũy kế năm 2022, Tập đoàn ghi nhận doanh thu 142.000 tỷ đồng - giảm 5% so 2021; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 8.400 tỷ đồng - chỉ bằng 24% so với năm 2021 và là mức thấp nhất trong 3 năm COVID-19 (từ 2020 đến nay).
Bên cạnh đó, HĐQT cũng đề xuất phương án sử dụng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối với phần còn lại của toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối luỹ kế tính đến thời điểm 31/12/2022 sau khi trích lập các quỹ sẽ được để lại dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn Tập đoàn Hoà Phát. Đồng nghĩa với việc không chia cổ tức năm 2022.
Doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát giảm mạnh trong những quý cuối của năm 2022 do nhu cầu thép suy yếu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu kém tích cực.
Trong bối cảnh tổng lượng tiêu thụ giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm do nhu cầu thị trường trong và ngoài nước với các sản phẩm thép chưa được cải thiện, Hòa Phát đã phải tính đến phương án tạm dừng một số lò cao tại Khu liên hợp Hải Dương và Khu liên hợp Dung Quất từ tháng 11 để giảm lượng hàng tồn kho và cắt giảm chi phí hoạt động.
Tính chung cả năm 2022, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường 7,2 triệu tấn thép, giảm 7% so với năm 2021, bao gồm phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC). Trong đó, sản lượng thép xây dựng ghi nhận 4,2 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ và đóng góp 59% trong tổng sản lượng thép các loại.
Sản phẩm ống thép của Hòa Phát cũng ghi nhận mức tăng sản lượng khoảng 11% so với năm 2021. Thị phần dẫn đầu cả nước với 28,5%.
Năm 2023, ngành thép được đánh giá vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Theo KBSV, từ đầu năm đến nay, giá bán thép tăng 6% nhưng không giúp Hòa Phát cải thiện biên lãi gộp, thậm chí còn khiến biên lãi gộp suy giảm. Nguyên nhân là do giá nguyên vật liệu đầu vào (quặng sát, than cốc, thép phế) tăng cao hơn, trung bình 14%.