Hoàn thiện “hạ tầng” pháp lý cho trái phiếu doanh nghiệp
Các chuyên gia kiến nghị sửa đổi điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, sớm xếp hạng tín nhiệm và ban hành các quy định ràng buộc về công bố thông tin với các chủ thể tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp để nâng cao chất lượng thị trường này.
Chiều ngày 19/5, tại diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững” các chuyên gia cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần khung khổ pháp lý cao hơn với những quy định chất lượng hơn sau khi phát triển tương đối nhanh những năm gần đây.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết Diễn đàn đã nhận diện bức tranh tổng quan về sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam trong những năm qua đến hết tháng 4/2022, với trọng tâm là sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp – một kênh huy động vốn trung và dài hạn, có tỷ lệ và vai trò quan trọng trong cơ cấu vốn của doanh nghiệp và cơ cấu của hệ thống tài chính.
Ông Tuấn cũng đã đặt ra yêu cầu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, hiệu quả giúp cân bằng, hài hòa theo hướng vốn ngắn hạn, doanh nghiệp sẽ dựa vào hệ thống ngân hàng, vốn trung dài hạn dựa vào thị trường vốn. Qua đó, giảm rủi ro chênh lệch kỳ hạn, tạo thuận lợi cho hệ thống tổ chức tín dụng phát triển lành mạnh, hiệu quả. Về phía doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đầu tư, sản xuất kinh doanh với nguồn vốn trung dài hạn.
Việc xây dựng được thị trường TPDN chuyên biệt theo thông lệ quốc tế đòi hỏi phải hình thành đồng bộ được các yếu tố cấu thành bao gồm cơ sở pháp lý, cơ sở hạ tầng, hệ thống thanh toán, bù trừ chuyên biệt, các thành viên giao dịch chuyên nghiệp... là những nội hàm quan trọng để thị trường TPDN có thể phát triển bền vững trong thời gian tới và hoàn thành mục tiêu cân đối vốn trung dài hạn cho nền kinh tế.
Phát biểu tại diễn đàn, TS Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế – kiến nghị sớm hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp, gồm: Nghị định 153/2020 về phát hành TPDN riêng lẻ; Nghị định 156/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Ngoài ra, cần rà soát Luật chứng khoán 2019 để sửa đổi theo hướng nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, cần cân nhắc mức độ phù hợp về quy định tài sản đảm bảo, bảo lãnh để phát hành, phân phối trái phiếu. Đặc biệt là tài sản đảm bảo có rủi ro thay đổi giá trị nhanh như cổ phiếu, quyền tài sản phát sinh hoặc tài sản khó xác định giá trị như bất động sản hình thành trong tương lai, cổ phiếu chưa niêm yết.
Về quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp, ông Phan Đức Hiếu – Uỷ viên Thường trực Uỷ Ban kinh tế của Quốc hội – cho rằng Điều 11 của Luật Chứng khoán có 2 điểm bất cập. Và cần phải nghiên cứu và xem xét lại.
Thứ nhất, các điều kiện để một cá nhân trở thành nhà đầu tư chứng khoán rất dễ để đạt được về mặt luật pháp, nhưng có thể không làm thay đổi bản chất của nhà đầu tư đó. Cụ thể, cá nhân được xác định là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán. Ngoài ra, cá nhân đó nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 2 tỉ đồng tại thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, theo xác nhận của công ty chứng khoán “Vậy sau thời điểm đó thì như thế nào?”, ông Hiếu nêu vấn đề.
Thứ hai, Luật Chứng khoán giao cho chính công ty chứng khoán là những người bán hàng. Điều này đồng nghĩa với công ty chứng khoán được mua sản phẩm ở thị trường sơ cấp, rồi bán cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Quy định này, theo ông Hiếu, sẽ tạo ra xung đột vì nếu công ty chứng khoán muốn bán hàng, họ sẽ tìm mọi cách để xác nhận người mua đủ tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Bàn về vấn đề xếp hạng tín nhiệm tín dụng, TS Cấn Văn Lực kiến nghị cần xác định những trường hợp bắt buộc và khuyến khích xếp hạng tín nhiệm. Với các đơn vị xếp hạng, cần có quy định đảm bảo các doanh nghiệp có đủ năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Nên xem xét cấp phép thành lập thêm 2-3 công ty định hạng khác, ngoài 2 công ty đã có. Đồng thời, làm rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm và các trung gian tài chính liên quan.
TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế – cho rằng các cơ quan quản lý có thể tham khảo một số quy định tại Đạo luật Dodd-Frank của Mỹ để bổ sung một số nội dung cho Nghị định số 88/2014 quy định về xếp hạng tín nhiệm, gồm: Quy định việc các Công ty xếp hạng tín nhiệm phải giải trình các phương pháp xếp hạng tín nhiệm sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế; Thống nhất các ký hiệu cho các hạng mức tín nhiệm như AAA, BBB, CCC.
Ông Hiếu cho rằng, Chính phủ cần thành lập riêng một Văn phòng trực thuộc Bộ tài chính về xếp hạng tín nhiệm để thực hiện các phần việc, gồm: Giám sát hoạt động của các Công ty xếp hạng tín nhiệm đang hoạt động; Kiểm soát việc tuân thủ các quy định về xếp hạng tín nhiệm và áp dụng các phương pháp xếp hạng tín nhiệm; Kiểm soát xung đột lợi ích giữa các thành viên của công ty xếp hạng và trái phiếu được xếp hạng.
Về công bố thông tin, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng các quy định pháp luật cần hướng đơn vị phát hành và trung gian phân phối trái phiếu thực hiện minh bạch thông tin. “Doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu nhưng phải công khai thông tin này cho nhà đầu tư. Doanh nghiệp cũng có thể phát hành trái phiếu khi doanh nghiệp thua lỗ, nhưng phải thông báo cho nhà đầu tư đang lỗ bao nhiêu? Hay có thể phát hành trái phiếu để đảo nợ, miễn là công khai minh bạch”.
Luật sư Đức cũng chia sẻ: “Yếu kém nhất của hệ thống chúng ta là đã không công khai minh bạch, lại không giám sát, kiểm tra kịp thời nên làm cho mọi người mất lòng tin. Do đó, chúng ta phải củng cố những cái đang có, không tăng thêm điều kiện, không có gì giám sát tốt bằng thị trường, nhà nước chỉ là một phần trong giám sát”. Vì thế cần công khai thông tin trên website doanh nghiệp và công bố trên phương tiện thông tin đại chúng để chịu sự giám sát của nhà đầu tư.