‘Hòn ngọc Viễn Đông’ của Việt Nam đang lên kế hoạch đấu giá 5.000 căn hộ và hàng loạt lô đất nền
Theo kế hoạch, các khu vực sắp được đấu giá bao gồm TP. Thủ Đức, huyện Bình Chánh…
Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM có buổi làm việc với UBND TP về tình hình kinh tế - xã hội và thực hiện nghị quyết 98, nghị quyết 57 của Quốc hội.
Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM báo cáo, hiện thành phố có 11.042 căn hộ và nền đất, trong đó 8.938 căn hộ và 2.104 nền đất được tạo lập bằng ngân sách nhà nước đang để trống.
Thành phố đã có chủ trương đấu giá 4.927 căn hộ và 42 nền đất, bao gồm 3.790 căn ở khu tái định cư Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức và gần 1.000 căn ở khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh.
Lý giải điều này, ông Khiết cho biết, cần chuyển qua hình thức đấu giá bởi những căn hộ trên được tạo lập từ ngân sách Nhà nước, vốn Vay ngân hàng.
Trước đó, thành phố cũng từng có chủ trương xin chuyển các căn hộ tái định cư cho khu đô thị mới Thủ Thiêm sang căn hộ thương mại, nhưng việc này cũng có nhiều vấn đề.
Cụ thể, sau khi đã đủ quỹ nhà tái định cư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. HCM có xin chuyển 3.790 căn ở phường Bình Khánh qua kinh doanh thương mại. Chủ trương này đã được Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM thông qua vào thời điểm năm 2017.
Tuy nhiên, khi các đơn vị tính toán giá gốc, giá thành xây dựng, lãi vay là 27 triệu/m2, chưa kể tiền bồi thường về đất và các chi phí khác. Đây là mức giá quá cao và không khả thi.
Đối với phương án chuyển các căn hộ tái định cư cho khu đô thị mới Thủ Thiêm sang nhà ở xã hội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, nhà ở xã hội phải được miễn tiền sử dụng đất trong giá thành nhưng vẫn phải tính toán các chi phí bồi thường nên giá vẫn ở mức rất cao. Mặt khác, nhà ở xã hội chỉ được nằm trong khung diện tích 20-70m2.
Theo kế hoạch cuối năm nay, các căn hộ tái định cư tại phường Bình Khánh sẽ được làm thủ tục đấu giá.
Vùng Viễn Đông theo địa lý gồm các nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Cuối thế kỷ 19, đầu 20, hầu hết các quốc gia này đều thành thuộc địa hoặc chịu ảnh hưởng của cường quốc phương Tây. Trong đó Pháp và Anh là hai nước xâm chiếm và mức độ cạnh tranh lớn nhất.
Sự cạnh tranh của Anh, Pháp trong việc “khai hóa” các nước thuộc địa. Từ những năm 1895, Pháp tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng ở thuộc địa nhằm phát triển kinh tế. Họ đặt tham vọng vượt mặt nước Anh tại Singapore và HongKong.
Danh xưng "Hòn ngọc Viễn Đông" (La perle de l’Extrême Orient) xuất hiện để chỉ cho Sài Gòn. Đây được xem là thủ phủ của Đông Dương về kinh tế, giải trí để cạnh tranh với Singapore của người Anh.