Huyện không lên quận của Hà Nội tổ chức đấu giá 68 lô đất: Bất ngờ có 2.000 người tham gia, giá khởi điểm tăng 5-8 lần so với ban đầu
Tại buổi đấu giá, một khu đất đã được bán với mức giá hơn 80 triệu đồng/m2 - chênh lệch hơn 6 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Sáng nay, ngày 10/8, tại nhà thi đấu huyện Thanh Oai (Hà Nội), đã diễn ra phiên đấu giá quyền sử dụng đất đối với 68 thửa đất thuộc khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao. Diện tích mỗi thửa dao động từ 60-85m2, với mức giá khởi điểm từ 8,6-12,5 triệu đồng/m2.
Buổi đấu giá kéo dài đến hơn 13 giờ cùng ngày, với kết quả nhiều ô đất được bán với mức giá "đội" gần chục tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Chẳng hạn, ô LK01-4 có diện tích 85m2, khởi điểm từ 11,24 triệu đồng/m2, tổng giá trị ban đầu là 955,955 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi đấu giá, lô đất này đã được bán với mức giá 84,74 triệu đồng/m2, đưa tổng giá trị lên 7,2 tỷ đồng, chênh lệch hơn 6 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Theo một số môi giới tham dự buổi đấu giá cho biết, phiên đấu giá thu hút gần 5.000 hồ sơ với khoảng 2.000 người tham gia. Mọi người xếp hàng dài 200m, phải đợi tới một giờ mới tới lượt điểm danh. Lô đất có giá trúng cao nhất đạt 101 triệu đồng/m2, trong khi các lô thường dao động từ 63-80 triệu đồng/m2. So với giá khởi điểm, giá các lô thường cao gấp 5-6,4 lần, còn lô góc có thể cao gấp 8 lần.
Ngay sau khi phiên đấu giá kết thúc, nhiều môi giới đã nhanh chóng chia sẻ giá trúng của các lô đất. Những ai có nhu cầu có thể "sang tay" ngay với mức chênh lệch từ 250-550 triệu đồng/lô cho các lô mặt ngoài.
Đáng chú ý, trong tháng 8, các huyện như Sóc Sơn, Thanh Oai, Hoài Đức, Quốc Oai đều có kế hoạch tổ chức các phiên đấu giá đất với tổng số hơn trăm lô.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), cho biết đất đấu giá có nhiều ưu điểm như pháp lý rõ ràng, hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện, và nằm ở khu vực vị trí thuận lợi. Điều này làm cho phân khúc đất nền trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về hiện tượng "quân xanh - quân đỏ", "cò lái" chuyên nghiệp tham gia để lướt cọc, dẫn đến rủi ro lớn cho người mua cuối cùng khi phải trả mức chênh lệch hàng trăm triệu đồng.
Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025, TP. Hà Nội phấn đấu đưa 5 huyện lên quận, trong đó 2 huyện Đông Anh và Gia Lâm lên quận đến năm 2025 và 3 huyện Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng lên quận đến năm 2030.