Keangnam cắt điều hòa, tháo đèn để "dằn mặt" cư dân?
Trên thực tế, tại nhiều chung cư, và đặc biệt là tại Keangnam khách hàng đang bị chủ đầu tư lạm dụng cả quyền và lợi ích.
Giá thành cao, chất lượng dịch vụ không bằng một nửa các khu chung cư bình thường đang là những nỗi trăn trở của phần lớn cư dân đang sinh sống tại tòa nhà hiện đại nhất Việt Nam (Keangnam).
Chất lượng dịch vụ chỉ bằng một nửa của The Manor?
Trao đổi với phóng viên, rất nhiều cư dân đang sinh sống tại tòa nhà cao nhất Việt Nam tỏ ra khá bức xúc: Mặc dù tiền họ vẫn đóng và đóng với mức rất “chát” là 0,99 USD/m2 nhưng hiện tại thì chất lượng dịch vụ của Keangnam chưa được cải thiện hơn nữa so với các dịch vụ của một số chung cư khác thì đang còn chênh lệch khá nhiều.
Theo bác Trần Xuân Trạch chất lượng luôn phải đi đôi với phí dịch vụ, số tiền phí dịch vụ của cư dân bỏ ra (0,99 USD/m2) không phải là ít so với các chung cư khác. Để có chất lượng dịch vụ tốt thì chúng tôi sẵn sàng bỏ ra một khoản phí cao và hợp lý, những người sống ở đây họ không hẳn là thiếu tiền, cái chính ở chỗ họ muốn đảm bảo được các tiện ích, nhu cầu của họ. Nếu như ở trong một chung cư cao cấp tương đương hạng 5 sao nhưng hành lang luôn bẩn, cầu thang máy không có điều hòa, liệu có phù hợp không.
![]() |
Không ít người dân cho rằng: The Manor đạt 10 điểm thì Keangnam chỉ xứng đáng 5 điểm. |
Về phía Keangnam thì chủ tịch tập đoàn Keangnam muốn giảm mức phí xuống là 0,8 USD nhưng thực tế về chất lượng dịch vụ đang trong tình trạng bẩn và kém như hiện nay thì chúng tôi(cư dân đang sinh sống tại tòa nhà) không hề đồng ý và chấp thuận, bác Trạch cho biết thêm.
Keangnam muốn định mức phí bao nhiêu cũng được?
Anh Nguyễn Đắc Kết cho hay: Tôi là người cả mấy tháng trời ngày nào cũng đến Keangnam để đòi quyền lợi, mỗi lần lên kiểm tra là một lần bực tức vì chủ đầu tư Keangnam cho thợ vào sửa nhưng chỉ làm qua loa cho xong việc, không thèm để ý đến chất lượng. Từ những cái nhỏ nhất như ổ cắm điện lắp không thẳng hàng hay những vết thạch cao lem nhem từ trần đến tường, trần lượn sóng, bị võng không lắp được đèn lên; sàn gỗ thì cong vênh nên đi lại có cảm giác bồng bềnh như trên sóng biển; tủ thay đồ chỉ có cánh tủ, bên trong không có ngăn và giá treo quần áo; gạch lát nền và tường trong nhà vệ sinh thì bị rạn nứt; mặt bệ bếp bằng đá bị nứt và vỡ lởm chởm; thậm chí là nhà vệ sinh không thoát được nước,….
Hiện gia đình tôi vẫn chưa thể chuyển về ở tại Keangnam bởi rất nhiều nguyên nhân. Khi về ở tại tòa nhà hiện đại nhất Việt Nam mà suốt ngày cứ đi đấu tranh đòi quyền lợi thì còn gì là cuộc sống nữa.
"Trên thực tế, tại nhiều chung cư, và đặc biệt là tại Keangnam khách hàng đang bị chủ đầu tư lạm dụng cả quyền và lợi ích. Việc bỏ tiền ra mua mỗi mét vuông chung cư (Từ 2.600 - 4.500 USD/m2) là các khách hàng cũng đã góp tiền đầu tư vào các công trình dịch vụ của tòa nhà như tầng hầm để xe, thang máy, hệ thống chữa cháy, các khu đất công cộng xung quanh tòa nhà…
Tuy nhiên, khi thu các loại phí dịch vụ cho thuê văn phòng, siêu thị, kiốt kinh doanh, phí trông giữ xe thì chủ đầu tư đã không bóc tách các khoản tiền này ra. Lẽ ra, chủ đầu tư chỉ được thu phí đảm bảo chi trả cho việc thuê lực lượng làm dịch vụ và bộ máy vận hành của chung cư, chứ không được tính phí theo kiểu coi các công trình hạ tầng là hoàn toàn của mình, muốn định mức phí bao nhiêu cũng được. Nếu như vậy thì phí dịch vụ bao nhiêu cho đủ" - Anh Kết bức xúc chia sẻ.
Anh Đinh Ngọc Sơn một cư dân đang sống tại căn hộ A2305 cho biết: "Tôi đã nhận được thông báo của công ty Chesnut về nộp tiền điện và nước tháng 5 và 6/2011. Trong hóa đơn đó không có đơn giá lũy tiến như quy định của Công ty kinh doanh nước sạch (CTKDNS) mà áp dụng trọn gói là 5217 đ/m3, đắt hơn giá của CTKDNS là khoảng 1200 đ/m3. Về giá tiền điện cũng vậy, họ tính bình quân là 1856,3 đ/kwh cũng cao hơn so với quy định".
Theo hợp đồng thì cư dân sẽ ký hợp đồng trực tiếp với sở Điện lực và nộp tiền cho sở Điện lực, không liên quan gì đến Keangnam cả, cho nên việc này Keangnam đang cố tình “chèn ép” các cư dân. Nếu tính sơ qua thì mỗi tháng cũng phải mất 6 triệu tiền điện, thì chỉ có hái ra tiền mới sống được.
Chị Trần Thị Hoài Thương một cư dân sống tại căn hộ tầng 11 cho biết: Cách đây một tuần chị đã phát hiện có tình trạng người lạ có ý định muốn “đột nhập” vào nhà, nhưng rất may hôm đó chị đã cảnh giác nên không có việc gì xảy ra. Mặc dù chị Thương đã báo cáo với ban quản lý chung cư nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
Cũng theo chị Thương khi cư dân đòi quyền lợi chính đáng của mình thì thay vì làm việc tốt hơn, Keangnam lại lựa chọn “dằn mặt” cư dân bằng cách cắt điều hòa trong thang máy, không bật hệ thống thông gió ở hành lang, tháo bớt đèn chiều sáng ở các sảnh, cắt giảm nhân viên bảo vệ, lễ tân trước làm đến 6h30 tối, giờ chỉ làm hành chính…. trong khi Keangnam đã thu tiền đến hết tháng 7/2011 với giá 0,99 USD/m2.
Hơn nữa, tòa nhà chưa hoàn thiện xong các tiện ích như trung tâm thương mại, siêu thị xung quanh là công trường đang ngổn ngang vật liệu xây dựng, bụi bặm và tiếng ồn. Chúng tôi sẵn sàng trả phí quản lý cao nhưng phải nhận được dịch vụ tương xứng với đồng tiền bỏ ra. Hiện tại, chúng tôi đang phải trả một số tiền cao nhất để nhận một dịch vụ thấp nhất.
Đó là một điều hết sức phi lý. Để đánh giá một cách khách quan và tổng thể về vấn đề dịch vụ ở Keangnam thì cư dân chúng tôi mong muốn theo kịp được các chung cư cao cấp khác là tốt lắm rồi.
Theo thông tin từ phía người dân, ngày hôm nay (11/7) là hạn cuối cùng, Công ty Keangnam Vina phải đàm phán với cưa dân và đưa ra câu trả lời chính thức về việc điều chỉnh mức phí dịch vụ tại tòa nhà cao nhất Việt Nam này.
Theo Trần Nguyên – Tiểu Phương
GDVN