Kẹt xe xung quanh cao ốc: Đừng để tái diễn “bình mới rượu cũ”

(CL&CS)-Trong bối cảnh TP.HCM đang tích cực “mở cửa” tất cả các hoạt động nhằm khôi phục nền kinh tế sau tổn thất trầm trọng từ đại dịch Covid-19. Lúc này, người dân tại trung tâm kinh tế lại đối diện với vấn đề kẹt xe muôn thuở, tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở xung quanh các cao ốc.

 

Kẹt xe xung quanh cao ốc: Đừng để tái diễn “bình mới rượu cũ” - Ảnh 1

Xây dựng cao ốc hàng loạt làm trầm trọng tình trạng kẹt xe?

Theo ý kiến của nhiều hộ dân sinh sống tại những “điểm nóng” thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm, ngày càng có nhiều phương tiện cá nhân ra vào chung cư, văn phòng làm việc, shophouse quanh đây.

Với mỗi lượt ra vào, dòng xe đông nghịt buộc phải dừng lại để chờ các phương tiện khác rẽ vào. Càng nhiều xe ra vào các cao ốc, thời gian chờ đợi diễn ra càng lâu. Trong lúc chờ đó, hàng loạt các phương tiện giao thông từ khắp nơi lại tiếp tục đổ về. Từ đó lại kéo theo dòng xe dài kẹt cứng trên một tuyến đường. Chưa kể đến trường hợp các chuyến xe đưa rước dừng lại để đón, trả khách tại các chung cư.

Sự xuất hiện của các tòa nhà cao tầng và chung cư thu hút lượng người đến sinh sống và làm việc, kéo theo số phương tiện phục vụ cho đi lại ngày một tăng cao. Trái lại, các tuyến đường hiện hữu xung quanh vẫn chưa thể mở rộng, tạo áp lực lớn cho giao thông tại TP.HCM.

Thông qua thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc đánh giá cơ sở hạ tầng và mức độ tác động của giao thông đối với các công trình trước khi cấp phép xây dựng là vô cùng cần thiết. Hoạt động này nhằm tránh rủi ro cấp phép và triển khai dự án xong mới nhìn ra được tác động tiêu cực đối với giao thông.

Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải mới đây đã đề xuất và được UBND TP.HCM chấp thuận triển khai việc đánh giá tác động giao thông đối với các công trình xây dựng mới trước khi cấp giấy phép xây dựng.

Sở yêu cầu tất cả dự án đầu tư công trình xây dựng phải thiết kế phương án kết nối giao thông, tính toán đánh giá nhu cầu giao thông phát sinh của công trình nhằm đảm bảo an toàn giao thông, không gây ùn tắc.

Nhiều người dân mong muốn tình trạng này sớm được giải quyết để thu ngắn thời gian di chuyển, tạo thuận lợi cho công việc, học tập. Có thể áp dụng kiểm soát nghiêm ngặt giấy phép thi công các dự án trước khi phê duyệt để không làm tái diễn điệp khúc kẹt xe hàng giờ đồng hồ xung quanh các cao ốc.

Xe buýt vẫn là “phao cứu sinh”  
Xe buýt vẫn là “phao cứu sinh”  

Xe buýt vẫn là “phao cứu sinh”

Cùng với việc mong mỏi tuyến Metro của thành phố sớm được triển khai và đưa vào hoạt động, thì xe buýt chính là “phao cứu sinh”, giải pháp tạm thời cho tình trạng kẹt xe xung quanh các cao ốc tại TP.HCM.

Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, đặc điểm của giao thông TP.HCM có 2/3 số tuyến đường nhỏ, 1/3 còn lại là đường lớn kết nối trục giao thông chính. Xe buýt ở thành phố thường chỉ chạy ở đường lớn. Tuyến lớn cũng chỉ tập trung ở nội đô, nên hệ thống xe buýt vì thế cũng dày đặc ở khu vực này.

Những khu chung cư mới, khu đô thị mới đang tập trung ở 2/3 số đường nhỏ, phụ và khu đất ít dân. Việc đưa các công trình, dự án cao ốc, chung cư vào sử dụng kéo theo lượng lớn người đến làm ăn, sinh sống, lúc này mới thấy những “điểm nghẽn” và bắt tay vào quy hoạch gia thông thì cũng muộn.

“Quy hoạch xây dựng và giao thông ở TP.HCM chưa kết hợp được với nhau. Đáng lẽ, giao thông phải quy hoạch trước khi xây dựng nhưng chưa đạt đến điều này. Khi chung cư xây dựng mọc lên hàng loạt, kẹt xe tăng cao mới tính đến chuyện làm đường, làm trạm xe buýt, giao thông đang đuổi theo xây dựng nên không thể chữa cháy ngay được”, ông nêu thực tế và cho rằng nên có tuyến xe buýt rồi mới có chung cư.

Khi quy hoạch các trạm xe buýt, rất cần sự phối hợp đồng bộ với các chỉ tiêu đo lường khác. Có thể kể đến như công tác nghiên cứu và khảo sát mật độ dân số để thu thập số liệu về nhu cầu sử dụng phương tiện công cộng cho việc đi lại. Nhiều chuyên gia cho rằng không nên chỉ dựa vào các con đường xe buýt chạy để đặt trạm ở đó, trọng điểm vẫn là người dân.

Khuyến khích người dân hạn chế đi xe máy và ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt chỉ là phương pháp gián tiếp giảm thiểu tình trạng ùn ứ giao thông quanh các cao ốc. Mục tiêu lâu dài vẫn là sự kết hợp giữa các phương tiện lại với nhau.

Nếu gần trạm xe buýt có bãi gửi xe, người dân sẽ đi xe máy một đoạn tiếp cận được phương tiện công cộng để di chuyển một chặng dài hơn, thì có lẽ sẽ giải quyết được tình trạng kẹt xe. Đây là giải pháp không mới và đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Trong tương lai, khi tuyến Metro đi vào hoạt động cũng cần bố trí các bãi đậu xe mãy cũng như xe đạp cho thuê theo giờ để tạo thuận lợi cho người dân di chuyển giữa các địa điểm. Điều này hứa hẹn biến TP.HCM trở thành một trong những đô thị hiện đại nhất khu vực.

Theo Chất lượng và Cuộc sống