Khánh Hòa “dẹp” nạn phân lô bán nền, ngăn chặn “sốt đất”

UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu tạm dừng việc bố trí diện tích để mở lối đi chung, sử dụng chung khi thực hiện thủ tục chia, tách thửa đất nhằm hạn chế tình trạng phân lô bán nền đang diễn ra tràn lan trên địa bàn tỉnh.

Mới đây, Văn phòng đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa) có văn bản gửi các Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai về việc tạm dừng các trường hợp tách thửa có bố trí lối đi chung.

Theo đó, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Khánh Hòa đề nghị chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tại các huyện, thị xã, thành phố tạm dừng việc bố trí diện tích để mở lối đi chung, sử dụng chung khi thực hiện thủ tục chia, tách thửa đất cho đến khi có quyết định, quy định tách thửa mới.

Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã nhiều lần ra văn bản chỉ đạo UBND huyện, xã, thị trấn về việc tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn.  
Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã nhiều lần ra văn bản chỉ đạo UBND huyện, xã, thị trấn về việc tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn.  

Trước đó, nhiều hộ dân đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền không đúng quy định của pháp luật. Điều này đã gây nên tình trạng sốt đất, đáng chú ý, việc này dẫn đến hình thành các điểm dân cư mới chưa đáp ứng được điều kiện cơ sở hạ tầng khu vực, phá vỡ quy hoạch dân cư hiện tại. Đồng thời cũng đem đến nhiều hệ lụy cho các nhà đầu tư tại những khu vực này.

Tuy nhiên, mặc những văn bản chỉ đạo về việc tạm dừng việc tiếp nhận giải quyết đối với hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất từ cơ quan chức năng, nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vẫn “lách luật” để kinh doanh bất động sản trên các khu đất nông nghiệp thậm chí là đất rừng.

Theo đó, huyện Cam Lâm được ví là “thủ phủ” phân lô bán nền với hàng trăm dự án lớn, nhỏ và quy tụ hàng trăm cò đất từ Bắc đến Nam để giới thiệu, bán những khu đất nông nghiệp gắn mác là “dự án phân lô”.

Thời điểm từ năm 2020 đến nay, huyện Cam Lâm có hàng trăm “dự án” được gắn với những tên gọi rất “mỹ miều” như: Cam Lâm Central Park, Suối Tân Diamond, Cam Lâm Future City, Cam Lâm Sky Lake, Cam Lâm Golden Hill (Meha Group), Cam Đức Center, Khu dân cư Cam Lâm NewTown, Khu dân cư Ario Gold, Cam Lâm Ocean Villas …

Những “dự án” này được một số công ty môi giới bất động sản có "tên tuổi" trên thị trường và giới thiệu với những lời có “cánh” và hàng loạt ưu đãi hấp dẫn nhằm thu hút nhà đầu tư đặt cọc.

Mặc dù Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm Ngô Văn Bảo khẳng định trên địa bàn không không hề có các dự án mang tên như vậy. Đây thực chất là các “dự án” phân lô, bán nền được giới đầu tư bất động sản tự dựng ra để bán đất nền. Nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn “đổ xô” săn tìm những khu đất nền gắn mác dự án nằm trên các khu đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm.

Và hệ lụy của việc phân lô bán nền tràn lan đó chính là địa bàn huyện Cam Lâm xuất hiện tình trạng người dân ồ ạt đi làm hồ sơ để tách thửa. Có những người dậy từ 1-2h sáng đến trước văn phòng đất đai huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) để xếp hàng, lấy số thứ tự làm hồ sơ liên quan đất đai.

Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2022, huyện Cam Lâm đã tiếp nhận 17.013 hồ sơ đăng ký biến động và 5.461 hồ sơ đo đạc tách thửa. Con số này tăng cao hơn số lượng hồ sơ tiếp nhận cùng kỳ năm ngoái là 155% đối với hồ sơ biến động và 257% đối với hồ sơ đo đạc, tách thửa.

Cá biệt, trong tháng 3 và tháng 4 năm nay, chi nhánh tại Cam Lâm đã tiếp nhận và giải quyết số lượng hồ sơ cao gấp ba lần so với lượng hồ sơ của những tháng trước đó.

Tình trạng này diễn ra sau khi có thông tin về việc Nhà nước chủ trương, định hướng phát triển quy hoạch huyện Cam Lâm thành Khu đô thị sân bay hiện đại, đẳng cấp quốc tế trong tương lai. Do đó, ở địa bàn “nở rộ” nhiều dự án phân lô bán nền.

Ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, tình trạng phân lô bán nền tràn lan tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản và làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Nếu không kiểm soát được việc phân lô bán nền tự phát sẽ gây ra nhiều hệ lụy phức tạp. Trong đó là tình trạng khiếu kiện, phá vỡ quy hoạch phát triển chung của khu vực, kể cả quy hoạch giao thông và xây dựng.

Một trong các nguyên nhân có thể bắt nguồn từ bất cập của một số quy định dưới Luật cho phép tách thửa đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.

Do vậy, ông Châu cho rằng, rất cần thiết sửa đổi một số quy định của các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 về "tách thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa" và đề nghị bổ sung vào "Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai" (Dự thảo Nghị định) do "Dự thảo Nghị định" chưa có quy định nội dung này.

Trong khi đó, ông Phan Việt Hoàng- Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Khánh Hòa cho rằng, thị trường bất động sản tại Khánh Hòa đã tăng lên đáng kể khiến cho những người có nhu cầu nhà ở thực sự đang hết sức khó khăn. Nhiều người thu nhập thấp không thể có được khu đất thuận lợi để sinh sống và sản xuất. Trong khi đó, những khu đất gắn mác “dự án” phân lô bán nền lại để trống, gây lãng phí nguồn tài nguyên và an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, việc phân lô bán nền tràn lan sẽ kéo theo những bất cập trong việc giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường… cho người dân. Đối với những dự án kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách doanh nghiệp sẽ khó khăn trong việc tiếp cận với quỹ đất bởi tình trạng “da beo”, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư.

Hoàng Thơ

Theo Doanh nghiệp Việt Nam