Bất động sản 24h: Tràn lan tách thửa, phân lô bán nền nguồn cơn dẫn tới đẩy giá, tạo sốt đất “ảo“?
Tràn lan tách thửa, phân lô bán nền nguồn cơn dẫn tới đẩy giá, tạo sốt đất ảo?; “Nâng cấp” các khu công nghiệp truyền thống... là những thông tin bất động sản được quan tâm trong 24h qua.
Tràn lan tách thửa, phân lô bán nền nguồn cơn dẫn tới đẩy giá, tạo sốt đất "ảo"?
Tại các huyện ven trung tâm Hà Nội, nhiều mảnh đất được tách thửa thành các lô có diện tích nhỏ để bán, điều này tiềm ẩn rủi ro về việc phá vỡ quy hoạch, hệ lụy quản lý đất đai và cũng là nguồn cơn dẫn tới đẩy giá, tạo sốt đất ảo.
Hiện nay, do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 các hoạt động kinh doanh, sản xuất bị gián đoạn, nên nhiều nhà đầu tư cho rằng bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn và sinh lời hiệu quả. Do đó, mặc dù ảnh hưởng từ dịch bệnh nhưng nhu cầu đầu tư bất động sản vẫn tăng cao.
Trong bối cảnh hiện nay, nguồn cung từ các dự án ở trung tâm Hà Nội ngày càng hạn chế và mức giá liên tục tăng cao. Chính vì điều này, các nhà đầu tư lại dịch chuyển về các huyện vùng ven tìm kiếm cơ hội. Do đó, đất nền tại các huyện như Thạch Thất, Ba Vì, Quốc Oai,... trở nên sôi động, đặc biệt là đất nền từ các mảnh đất lớn tách thửa.
Thời gian qua, tại huyện Thạch Thất (Hà Nội), nhiều nhà đầu tư “tay to” đã về tìm kiếm những mảnh đất có diện tích lớn từ 1.000m2 đến vài nghìn m2, sau đó ồ ạt thực hiện tách thửa thành các lô đất có diện tích nhỏ hơn bán.
Đáng chú ý, nhiều lô đất được tách thửa này được quảng cáo là những “siêu phẩm đất nền” hay tự đặt những tên dự án hấp dẫn và cũng được đặt tên các khu giống như dự án của các chủ đầu tư lớn…
Bộ Xây Dựng đề xuất phân bổ cụ thể gói tín dụng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội
Mới đây, Bộ Xây dựng có văn bản số 4693/BXD-QLN đề xuất phân bổ cụ thể gói tín dụng hỗ trợ thực hiện chính sách NƠXH, nhà ở công nhân trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, quy mô 15.000 tỷ đồng.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 4430/BXD-QLN gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ KH&ĐT đề xuất gói tín dụng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội (NƠXH) trong chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, với số tiền 15.000 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, trong giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp là khoảng 294.600 căn với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng.
Trong đó, nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị khoảng 131.100 căn, tổng mức đầu tư khoảng 138.000 tỷ đồng và nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 163.500 căn, tổng mức đầu tư khoảng 82.000 tỷ đồng.
Cần xác định khái niệm bất động sản du lịch để có định hướng khơi thông chính sách
Ngày 16/11, dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Tư pháp và Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế với chủ đề: “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”.
Bàn về những kiến nghị và giải pháp, ThS. Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đã có những chia sẻ về định hướng điều chỉnh chính sách, pháp luật cho thị trường bất động sản du lịch Việt Nam.
Từ năm 2015 trở về trước, ở Việt Nam không phải chưa từng xuất hiện hình thức bất động sản du lịch, mà chúng ta chưa từng thực sự đặt bất động sản du lịch song song với các mô hình bất động sản khác để phát triển. Hệ thống pháp luật thời điểm 2015 cũng chưa nêu rõ, dẫn đến cách hiểu, cách triển khai có sự khác nhau. Do đó, việc đầu tiên cần làm rõ là chính sách phát triển bất động sản du lịch là những chính sách gì, đang vướng mắc ở chỗ nào để có thể tiếp tục sửa đổi trong các dự luật mới.
Muốn chặn tình trạng “băm nát” quy hoạch, phải xử lý thẳng tay cán bộ có trách nhiệm
TS. Lưu Bình Nhưỡng: “Cần phải công khai quy hoạch gắn với kế hoạch sử dụng đất để nhân dân biết và giám sát, chống lại nguy cơ tham nhũng chính sách”.
Sau dự kiến lập 87 trạm thu phí vào nội đô Hà Nội nhằm góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông từ năm 2025, nhiều chuyên gia lên tiếng phản biện cho rằng giải pháp này không đạt được mục tiêu. Bày tỏ quan điểm với Reatimes, TS. Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu muốn có hạ tầng giao thông tốt thì trước hết phải công khai quy hoạch gắn với kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo công khai minh bạch, ngăn chặn tình trạng “băm nát” quy hoạch và phòng chống tham nhũng, lãng phí.
“Nâng cấp” các khu công nghiệp truyền thống
Mô hình khu công nghiệp truyền thống chỉ có nhà máy sản xuất đang dần trở nên lạc hậu và xu hướng phát triển các khu công nghiệp tích hợp mới hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều dư địa cho các tiện ích khu công nghiệp.
Theo nhận định của các chuyên gia, nhà đầu tư cần có tầm nhìn và chiến lược phát triển khu công nghiệp phải đi đôi với tiện ích và dịch vụ. Do đó, nhu cầu sử dụng các dịch vụ, tiện ích trong khu công nghiệp ngày càng cao đang mở ra một kênh đầu tư mới đầy tiềm năng và các doanh nghiệp bất động sản “đến sau” có thể tham gia vào “sân chơi” này khi tìm hướng đi đầu tư khu dịch vụ, tiện ích trong khu công nghiệp.
Thực tế cho thấy, các mô hình phát triển khu công nghiệp truyền thống từ trước tới nay chỉ chú trọng tới việc tối ưu diện tích xây dựng nhà máy và các hạ tầng cơ bản khác như nhà điều hành, giao thống… chứ chưa quan tâm đúng mức tới diện tích để phát triển các dịch vụ tiện ích đi kèm trong khu công nghiệp như ăn uống, vui chơi…