Khó xảy ra xu hướng vốn ngoại rút ròng khỏi thị trường Việt Nam
Trước những lo ngại rằng lạm phát và việc thắt chặt tiền tệ ở các nước khiến dòng vốn ngoại tiếp tục giảm đi, các chuyên gia đều cho rằng xu hướng rút ròng của nhà đầu tư nước ngoài gián tiếp lẫn trực tiếp sẽ khó xảy ra.
Trước những lo ngại rằng lạm phát và việc thắt chặt tiền tệ ở các nước khiến dòng vốn ngoại tiếp tục giảm đi, các chuyên gia đều cho rằng xu hướng rút ròng của nhà đầu tư nước ngoài gián tiếp lẫn trực tiếp sẽ khó xảy ra.
Việt Nam vẫn là điểm đến hút vốn ngoại của khu vực Đông Nam Á
Chia sẻ về ảnh hưởng của việc các ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới nâng lãi suất tới dòng vốn vào Việt Nam, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân Chứng khoán Yuanta Việt Nam, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng dòng vốn của khối ngoại sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn về vấn đề tỷ giá trong năm 2022.
Đặc biệt là với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) do FDI đi theo xu hướng chung là sự dịch chuyển chuỗi sản xuất. Chuyên gia cho rằng căng thẳng Ukraine và Nga có thể sẽ là động lực giúp cho làn sóng này dịch chuyển mạnh hơn. Xu hướng là xuất nhập khẩu tại Trung Quốc sẽ dần chuyển sang các nước Đông Nam Á.
Ông Minh cho rằng nhiều khả năng nhà đầu tư ngoại sẽ quay trở lại nhiều hơn thay vì tiếp tục rút ra nhờ ba yếu tố. Thứ nhất, tình hình vĩ mô tại Việt Nam đang dần trở nên ổn định. Thứ hai, Việt Nam được xem là một trong những chuỗi cung ứng quan trọng, nghĩa là nền tảng vĩ mô của Việt Nam đang tốt hơn.
Thêm vào đó, Việt Nam đang là một trong những rổ tiềm năng của thị trường mới nổi. Nếu tới đây, Nga bị loại khỏi thị trường mới nổi thì cơ hội cho Việt Nam khá lớn và có khả năng sẽ trở thành nhóm thị trường được lựa chọn kế tiếp.
Chia sẻ trong buổi Talkshow Phố Tài chính mới đây, ông Nguyễn Thế Lữ (hay còn gọi là Louis Nguyễn), Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTQLQ Saigon Asset Management (SAM) cho rằng: “Mặc dù trước những biến động trên thế giới như Ukraine và Nga, vấn đề Fed tăng lãi suất hay gần đây là thông tin về biến chủng Omicron, dòng tiền vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam.
Khi giá dầu khí lên quá cao, nhà đầu tư nước ngoài sẽ bắt đầu tìm về những thị trường ổn định hơn và Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu về thu nhập đầu tư từ khối ngoại trong khu vực Đông Nam Á”.
Trước những lo ngại rằng lạm phát và việc thắt chặt tiền tệ ở các nước khiến dòng vốn ngoại tiếp tục giảm đi, Shark Louis Nguyễn bày tỏ các nhà đầu tư lúc nào cũng chọn xu hướng mà cảm thấy hợp lý nhất đối với họ. Nghĩa là nếu thị trường Việt Nam tiếp tục minh bạch, rõ ràng và những công ty đạt được những hiệu quả tốt thì họ sẽ đầu tư vào.
“Các bạn cũng biết thị trường Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh với Nam Mỹ, Châu Phi và những nước Đông Nam Á trong khu vực. Tôi nghĩ rằng trong khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam vẫn là lựa chọn hàng đầu”, vị chuyên gia đánh giá và khẳng định nhà đầu tư vẫn quan tâm tới thị trường Việt Nam.
Shark Louis Nguyễn cũng bày tỏ quan điểm không quan tâm với sự biến động ra vào ngắn hạn vì đây là đầu tư chứ không phải đầu cơ, thời gian rất lâu từ 3 năm, 5 năm, 10 năm. Vậy nên ông không quan tâm đến vấn đề biến động trong vòng dưới một năm.
Không quá e ngại các tác động từ tỷ giá
Chia sẻ với chúng tôi, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính, tỏ ra khá lạc quan về khả năng hút vốn ngoại của thị trường Việt Nam
Ông chỉ ra rằng trong năm2021, mặc dù Việt Nam gặp khó khăn cực kỳ lớn do đợt bùng phát lần thứ 4 của đại dịch COVID-19, nhưng vẫn đón hơn 32,6 tỷ USD đầu tư trực tiếp và khối lượng giải ngân cũng rất lớn, tăng khoảng 10% so với năm 2020
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê mới đây, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến 20/3 đạt 8,9 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện lại đạt mức cao nhất trong 5 năm qua với 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Chuyên gia cũng lưu ý tỷ giá cũng sẽ là một trong các yếu tố tác động lên dòng vốn ngoại vào thị trường. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND đã ổn định trở lại sau khoảng biến động ban đầu khi đồng USD lên giá so với tiền đồng.
“Với mức lãi suất tăng lên 0,25% thì tôi cho rằng trong thời gian tới, vốn FDI cũng không có ai rút khỏi Việt Nam mà sẽ còn tiếp tục tăng lên", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.
Ông phân tích trong một vài năm gần đây, với chính sách điều hành kinh tế vĩ mô rất tốt của Nhà nước, thì tỷ giá VND/USD và các đồng ngoại tệ mạnh tương đối ổn định, do đó những thay đổi nhỏ như hiện nay thì tỷ giá vẫn có khả năng giữ ổn định.
Đồng quan điểm, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường KBSV, ông Trần Đức Anh cũng nhận định về lý thuyết, tất cả các tác động của Fed tới kinh tế vĩ mô hay dòng vốn đầu tư đều tác động gián tiếp qua tỷ giá.
Nếu VND bị phá giá mạnh so với USD như các giai đoạn trong quá khứ thì có thể sẽ khiến cho xáo trộn, bất ổn vĩ mô xuất hiện và việc dòng vốn tháo chạy, rút ròng khỏi Việt Nam cũng như các nước mới nổi khác là kịch bản đã từng xảy ra trong quá khứ, chẳng hạn như giai đoạn năm 2013.
“Tuy nhiên, với dự báo tỷ giá sẽ tương đối ổn định và NHNN hoàn toàn có thể chủ động điều tiết biến động tỷ giá một cách linh hoạt thì tôi cho rằng xu hướng rút ròng của nhà đầu tư nước ngoài gián tiếp lẫn trực tiếp sẽ không xảy ra”, ông Trần Đức Anh nói.