Ngân hàng siết tín dụng đối với bất động sản

Một số nhà băng thời gian gần đây đã bắt đầu có động thái tạm dừng giải ngân đối với các khoản vay vào bất động sản, theo đó, chỉ tập trung hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín - Sacombank vừa có thông báo tới Giám đốc khu vực, Giám đốc chi nhánh và Trưởng phòng giao dịch về việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2022.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về kiểm soát tăng trưởng tín dụng, Sacombank yêu cầu các chi nhánh tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, ưu tiên nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logistics…

Sacombank cũng nhấn mạnh: “Không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, ngoại trừ cho vay cán bộ nhân viên và người thân mua/xây/sửa bất động sản để ở”. Đồng thời, ngân hàng này cũng không thực hiện huy động – cho vay cầm cố sổ cùng lúc.

Nhiều ngân hàng trong nước đã bắt đầu có động thái đẩy mạnh việc thắt chặt tín dụng vay vốn đối với lĩnh vực bất động sản.  Ảnh minh hoạ: Kinh tế chứng khoán  
Nhiều ngân hàng trong nước đã bắt đầu có động thái đẩy mạnh việc thắt chặt tín dụng vay vốn đối với lĩnh vực bất động sản.  Ảnh minh hoạ: Kinh tế chứng khoán  

Theo lý giải của Sacombank, do tỷ lệ tăng trưởng cho vay bất động sản đối với khách hàng cá nhân tại ngân hàng đã cao. Vì vậy, trong giai đoạn này, Sacombank không cho vay bất động sản nữa mà tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh nói trên.

Không chỉ Sacombank, mới đây, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank cũng đã thông báo từ Bộ phận Phát triển giải pháp cho vay thế chấp với các đơn vị kinh doanh của ngân hàng này về việc kiểm soát hạn mức giải ngân đối với các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và thứ cấp mua bất động sản (chưa hoặc đã có giấy chứng nhận).

Techcombank cho biết, sẽ tạm dừng giải ngân các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và vay thứ cấp mua bất động sản (gồm chưa/đã có giấy chứng nhận) kể từ ngày 25/3/2022. Đồng thời, các đơn vị kinh doanh trao đổi và đàm phán với khách hàng để dời lịch giải ngân các khoản vay sang ngày 1/4/2022.

Trước đó, nhiều ngân hàng như Vietcombank, Ngân hàng An Bình ABB đã hạn chế cho vay vốn bất động sản từ năm 2021. Trong đó, Ngân hàng An Bình chỉ tập trung cho vay mua nhà ở, với nguồn thu từ lương hoặc các nguồn thu nhập khác đều đặn hàng tháng của họ. Còn lĩnh vực kinh doanh bất động sản sẽ khống chế dưới 8%.

Thực tế, việc siết tín dụng vay vốn bất động sản đã được NHNN chỉ đạo từ vài năm trước, và lần gần đây nhất là ngày 18/03/2022, NHNN đã ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ. 

Trong đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp.

NHNN cũng chỉ đạo các nhà băng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Lý Tuấn

Theo Sở hữu trí tuệ