Khởi công cao tốc 19.500 tỷ kết nối khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Đông Nam Bộ vào tháng 12 năm nay
Trong cuộc họp mới đây, tỉnh và liên danh các nhà thầu đã quyết tâm khởi công cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương trong tháng 12/2024.
Sáng 29/5, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần tập đoàn Phương Trang và liên danh nhà đầu tư về tình hình triển khai thực hiện dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư (giai đoạn 1).
Theo đó, tỉnh và các đơn vị liên quan cùng liên danh nhà đầu tư cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương thống nhất giải pháp nỗ lực tối đa hoàn thiện các điều kiện, thủ tục để khởi công vào tháng 12/2024.
Liên danh nhà đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương giai đoạn 1 gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Phương Trang (FUTA Group), Công ty cổ phần đầu tư xây dựng giao thông Phương Thành và Công ty CP Tập đoàn T&T.
Để đảm bảo tính đồng bộ trong đầu tư cho cả 2 dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương, đặc biệt là về vấn đề tỷ lệ vốn đầu tư Nhà nước, tỉnh Lâm Đồng đề xuất liên danh nhà đầu tư cân nhắc phương án tương tự như tuyến Tân Phú - Bảo Lộc mà chủ đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả đã áp dụng. Cụ thể, nhà đầu tư Tập đoàn Đèo Cả đã đồng ý giữ nguyên mức đầu tư, không yêu cầu tăng vốn Nhà nước và đề nghị tỉnh làm văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tập đoàn được vay vốn (80%) với lãi suất ưu đãi.
Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đã cam kết tỉnh Lâm Đồng sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho liên danh nhà đầu tư đoạn Bảo Lộc - Liên Khương triển khai dự án. Đồng thời, tỉnh sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để tìm kiếm giải pháp đồng bộ cho cả 2 dự án cao tốc.
Dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương có tổng chiều dài khoảng 74km, chiều rộng nền đường 17m, với 4 làn xe, có bố trí làn dừng khẩn cấp không liên tục, dự kiến tổng mức đầu tư trên 19.500 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước trên 7.700 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư trên 11.700 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn là 22 năm 4 tháng.
Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương đi qua thành phố Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng, đồng thời kết nối khu vực Tây Nguyên với các tỉnh Đông Nam Bộ một cách thuận lợi hơn.
Dự án là một trong những dự án công trình trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo các công trình, dự án giao thông trọng điểm quốc gia, dự án này hiện đang bị chậm so với tiến độ.