"Không lý do gì VN-Index cứ loanh quanh mốc 1.200 điểm"

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS đã đưa ra nhận định này tại Tọa đàm trực tuyến

Thị trường chứng khoán năm 2021 sẽ có những đỉnh cao mới

Theo đánh giá của ông Lê Đức Khánh, bất chấp dịch Covid-19 bùng phát đợt 3 hồi cuối tháng 1/2021, triển vọng tăng trưởng GDP năm 2021 vẫn duy trì tích cực. Theo đó, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục là điểm sáng. FDI vẫn tăng tốt trong quý I/2021. Chỉ số PMI quay trở lại xu hướng tăng. Trong khi đó, tất cả các tổ chức đều đánh giá tích cực về khả năng phục hồi mạnh và tốt của Việt Nam trong năm nay.

Tuy nhiên, một yếu tố được ông Khánh đề cập là việc khối ngoại liên tục bán ra trên thị trường cổ phiếu, và bán ra rất mạnh. Theo đó, nhóm này bán 10.800 tỷ đồng trên thị trường, tuy nhiên ông Khánh cho rằng, khối nội đã "cân" cả. Cụ thể là làn sóng nhà đầu tư mới tham gia TTCK, những người thuộc thế hệ F0 và cả những nhà đầu tư quay trở lại thị trường. Số liệu cho thấy, thanh khoản trên 3 sàn đạt khoảng hơn 20.000 tỷ đồng và sẽ còn tăng rất mạnh.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS, phát biểu tại tọa đàm.  
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS, phát biểu tại tọa đàm.  

Với phân tích này, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư VPS nhận định lạc quan rằng: "Không lý do gì VN-Index cứ loanh quanh mốc 1.200 điểm và không thể vượt đỉnh trong khi nhiều chỉ số chứng khoán trên thế giới đã bứt phá rất mạnh.

"Triển vọng của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam rất lớn khi chúng ta còn có nhiều công cụ và sản phẩm mới tham gia thị trường. Theo tôi, trong thời gian tới, VN-Index có thể được điều chỉnh quanh vùng 1.170 - 1.180 điểm, và tới tháng Tư có thể vượt qua mốc đỉnh lịch sử. Tháng Tư vẫn là thời điểm thuận lợi cho giao dịch chứng khoán”, ông Khánh nhận định.

Trong khi đó, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB cho biết, số lượng tài khoản mới chiếm đến 90% là tài khoản cá nhân, các tài khoản này có hành động khá giật cục và đầu cơ rất cao, dẫn tới nhiều phiên điều chỉnh có biên độ tăng giảm mạnh thời gian qua.

"Theo tôi, TTCK thời gian tới vẫn dao động tương đối lớn, vì nhà đầu tư cá nhân vẫn chi phối 80-90% thị trường. VN-Index sẽ dao động từ 1.100-1.275 điểm.

Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Bảo Việt đánh giá TTCK Việt Nam hiện đang đứng trước những yếu tố thuận lợi nhiều hơn rủi ro khi bước vào năm 2021 với nền tảng kinh tế, chính trị ổn định. Bên cạnh đó, kỳ vọng về tăng trưởng hồi phục mạnh, các doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi sẽ củng có thêm cho niềm tin về xu hướng tích cực.

"Cụ thể, Đại hội Đảng lần thứ XIII diễn ra thành công, mở đầu cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 –2026; Chính phủ tiếp tục quan tâm tới hỗ trợ tăng trưởng, tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; tăng trưởng GDP sẽ bật mạnh trở lại từ nền thấp 2020; đầu tư công sẽ tiếp tục được đẩy mạnh giải ngân; kỳ vọng sự trở lại của dòng vốn ngoại vào các thị trường mới nổi, trong đó có thị trường Việt Nam. Và bên cạnh đó, cũng không thể không đề cập đến tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết dự báo sẽ có sự hồi phục mạnh mẽ từ nền thấp của năm 2020", ông Nhữ Đình Hòa nói.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Bảo Việt, bên cạnh những yếu tố tích cực của TTCK Việt Nam trong năm 2021 vẫn còn đó các rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, lạm phát tăng nhanh và NHTW các nước lớn tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, giảm bơm tiền, nếu kinh tế không hồi phục như kỳ vọng sẽ khiến nợ xấu ngân hàng tăng mạnh.

"TTCK luôn là sự đối đầu giữa kỳ vọng và quản trị rủi ro, nhưng với bối cảnh thuận lợi, tôi tin rằng năm 2021 sẽ có những thời điểm chúng ta nhìn thấy những đỉnh cao mới, lịch sử của thị trường chứng khoán", ông Nhữ Đình Hòa nhận định.

Trên góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) dự báo, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 sẽ tiếp tục chịu nhiều tác động đa chiều từ bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước, nhưng thị trường vẫn sẽ giữ được đà tăng trưởng của năm 2020.

Toàn cảnh tọa đàm.  
Toàn cảnh tọa đàm.  

Theo ông Sơn, thị trường chứng khoán đang đứng trước nhiều cơ hội, tuy nhiên cần phải giải quyết được các vấn đề như tiến trình cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước còn chậm, việc nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi vẫn gặp nhiều trở ngại, rủi ro lan truyền từ các khu vực thị trường liên thông gây những cơn sốt ảo về bất động sản hay chứng khoán.

Ngoài ra, hệ thống công nghệ thông tin cho toàn thị trường còn có những trở ngại nhất định; thanh tra, giám sát và cưỡng chế thực thi các giao dịch làm giá, thao túng giá, giao dịch không công bằng và lôi kéo giữa các thị trường.

"Nếu biết nắm bắt thuận lợi và thời cơ, năm 2021 sẽ là năm tạo ra biến tiến quan trọng đưa thị trường lên tầm cao mới với các nấc thang giá trị mới và khẳng định được vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam trên trường quốc tế", ông Sơn chia sẻ.

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cũng đánh giá triển vọng thị trường chứng khoán trong năm 2021 là khả quan. Theo bà, có nhiều cơ hội tăng trưởng trước tác động tích cực từ sự phục hồi nhanh hơn của nền kinh tế; hành lang pháp ý cho thị trường dần hoàn thiện, chuẩn hoá; yếu tố nội tại của doanh nghiệp niêm yết cũng tương đối tốt; Việt Nam vươn lên thị phận số 1 trong nhóm thị trường cận biên của MSCI.

Ở chiều ngược lại, thị trường đối mặt thách thức không nhỏ với đại dịch Covid-19 vẫn là nguy cơ lớn nhất. Bên cạnh đó, những căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiềm ẩn rủi ro chính sách. Ngoài ra, trong bối cảnh vốn ngoại rút mạnh thời gian gần đây, sức cầu của thị trường, đặc biệt là sức mua của nhà đầu tư trong nước cần đủ lớn để giữ đà cho thị trường.

Tốt nhất vẫn nêu ưu tiên VN30

Ông Lê Đức Khánh cho rằng, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô phục hồi, các quỹ sẽ có xu hướng đầu tư vào nhóm ngân hàng, tài nguyên cơ bản, công nghệ thông tin, bất động sản, dầu khí, hóa chất, cảng biên tài chính, xây dựng, vật liệu, cảng biển, dầu khí, và tốt nhất vẫn nên ưu tiên VN30. Chỉ số chứng khoán sẽ lên các điểm cao mới và nhóm cổ phiếu nhận được sự quan tâm sẽ là những nhóm cổ phiếu phòng thủ, nhóm cổ phiếu giá trị.

Dự báo chi tiết về đầu tư trong năm nay, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB có nhóm 5 nhóm ngành tích cực trong thời gian tới. Một là nhóm ngành ngân hàng. Nhóm ngành này chiếm 35% tổng thanh khoản thị trường năm ngoái và năm nay, có rất nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng cao từ 40-50%. Dư địa với một số cổ phiếu trong nhóm ngành này còn khá tốt, giá còn hấp dẫn.

Hai là cổ phiếu chứng khoán đang hưởng lợi từ thanh khoản cao nhất lịch sử, lợi nhuận từ các công ty chứng khoán năm nay chắc chắn cao hơn năm ngoái.

Ba là nhóm cổ phiếu xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, với lợi thế đầu tư công được đẩy mạnh trong ít nhất 5 năm tới.

Ngoài ra, nhóm dầu khí cũng được quan tâm trở lại khi kinh tế phục hồi, các dự án dầu khí lớn được tái khởi động như PVS, PSR, PVD.

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường BVSC phân tích, nhóm ngân hàng chắc chắn trụ vững và có sự dẫn dắt đến thị trường.

"Theo quan sát của chúng tôi, sau khi Hoa Kỳ có động thái bơm tiền, các thị trường bất động sản, hàng hóa,... sau đó sẽ hưởng lợi. Do đó, sau ngân hàng, các nhóm bất động sản, hàng hóa có thể chuyển biến tích cực", ông Phạm Tiến Dũng cho biết.

Nguyệt Minh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam