Khu Nam Sài Gòn sẽ “đắt hàng” khi cảng Tân Thuận di dời

Trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông ngày một hiện đại và đồng bộ với nhiều dự án trọng điểm đang dần hoàn thiện hoặc chuẩn bị triển khai, bất động sản khu Nam Sài Gòn sẽ trở thành “tâm điểm” của thị trường bất động sản thành phố.

 

Khu Nam Sài Gòn được quy hoạch trở thành đô thị trọng điểm của TP.HCM  
Khu Nam Sài Gòn được quy hoạch trở thành đô thị trọng điểm của TP.HCM  

Sức hút của khu Nam Sài Gòn

Hiện nay, các quận trung tâm TP.HCM đã cho thấy dấu hiệu quá tải vì mật độ dân số và các phương tiện giao thông. Ngoài ra, quỹ đất tại khu vực này ngày càng eo hẹp khiến cho việc triển khai xây dựng những dự án bất động sản mới trở nên khó khăn.

Mặt khác, một bộ phận người dân cũng như các doanh nghiệp phát triển bất động sản cũng không còn qúa mặn mà với khu vực nội thành, mà đang dần dịch chuyển dòng vốn đầu tư ra ngoại thành với quỹ đất rộng, mật độ dân số thấp hơn nhiều so với khu vực trung tâm thành phố.

Trong đó, TP.HCM đã lên kế hoạch phát triển khu vực Nam Sài Gòn, bao gồm  trở thành một khu đô thị trọng điểm của thành phố.

Cụ thể, theo đề án quy hoạch, khu Nam Sài Gòn sẽ được thành phố đầu tư xây dựng hàng loạt dự án hạ tầng giao thông kết nối với mục tiêu dài hạn là mở rộng đô thị thành phố hướng ra biển Đông, góp phần giải tỏa áp lực lên khu vực trung tâm, tăng tính kết nối của mạng lưới giao thông xuyên tâm thành phố, vành đai. Qua đó tăng cường sự kết nối và đẩy mạnh lưu thông hàng hóa giữa các đô thị vệ tinh tại Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, hướng đến mục tiêu hình thành nên cụm đô thị và khu công nghiệp trọng điểm của vùng.

Theo đề án quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển VN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 UBND TP.HCM trình Bộ Giao thông - Vận tải, toàn bộ cảng biển trên sông Sài Gòn sẽ được di dời để triển khai các dự án phát triển đô thị, tạo đà phát triển kinh tế chung của thành phố.

Trong đó, việc di dời cảng Tân Thuận về cảng Hiệp Phước được xem là bước khởi đầu cho việc quy hoạch đồng bộ khu Nam Sài Gòn, giúp cho thị trường bất động sản tại đây tăng trưởng, sánh ngang với những khu vực sầm uất khác của thành phố.

Việc di dời cảng Tân Thuận về cảng Hiệp Phước được xem là bước khởi đầu cho việc quy hoạch đồng bộ khu Nam Sài Gòn  
Việc di dời cảng Tân Thuận về cảng Hiệp Phước được xem là bước khởi đầu cho việc quy hoạch đồng bộ khu Nam Sài Gòn  

Xung lực từ phát triển hạ tầng giao thông

Không chỉ việc giải tỏa và di dời cảng Tân Thuận, thị trường bất động sản Nam Sài Gòn còn được hưởng lợi lớn từ hàng loạt dự án giao thông trọng điểm. Trong đó, đáng chú ý nhất là các dự án đang được TP.HCM gấp rút đẩy nhanh tiến độ như: mở rộng đại lộ Nguyễn Văn Linh, xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, mở rộng đường Nguyễn Tất Thành...

Dự án đại lộ Nguyễn Văn Linh là trục đường “xương sống” của khu vực Nam Sài Gòn. TP.HCM đang ráo riết hoàn thiện mở rộng đại lộ từ 6 lên 10 làn xe. Trong đó, đoạn từ giao lộ Huỳnh Tấn Phát đến đường Nguyễn Thị Thập (quận 7) đã hoàn thiện khoảng 65% tiến độ, dự kiến đến cưới tháng 5/2022 sẽ hoàn thành. Sau khi được vào sử dụng, dự án sẽ giúp cải thiện tình trạng ách tách giao thông tại tuyến đường huyết mạch của khu Nam Sài Gòn, tăng cường giao thương trong khu vực.

Dự án cầu Bến Nghé (cầu Thủ Thiêm 4) dự kiến khởi công vào năm 2024 và hoàn thành năm 2028, với tổng mức đầu tư 5.300 tỉ đồng. Việc di dời cảng Tân Thuận nằm trong kế hoạch triển khai dự án. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, cầu Thủ Thiêm 4 sẽ góp phần giải tỏa áp lực giao thông khu vực nội đô, từ phía quận Bình Thạnh, TP.Thủ Đức qua phía các quận 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè.

Khu Nam Sài Gòn hưởng lợi từ hàng loạt dự án giao thông trọng điểm  
Khu Nam Sài Gòn hưởng lợi từ hàng loạt dự án giao thông trọng điểm  

Bên cạnh đó, dự án mở rộng đường Nguyễn Tất Thành từ lộ giới 20m lên 46m cũng đã được UBND TP.HCM phê duyệt. Mục tiêu của thành phố là biến đường Nguyễn Tất Thành trở thành tuyến giao thông huyết mạch, kết nối quận 4, quận 7 và quận 1.

Chưa hết, dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ cũng đang được triển khai. Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã hoàn thành 40% khối lượng. Dự kiến dự án sẽ “về đích” ngay trong năm 2022. Dự án được kỳ vọng sẽ làm giảm áp lực giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển giữa khu Nam và khu vực trung tâm TP.HCM, đồng thời góp phần đồng bộ hóa hạ tầng kỹ thuật chung toàn khu vực, giúp “nâng cấp” diện mạo khu đô thị ven sông thành phố. Qua đó nâng tầm giá trị bất động sản khu vực Nam Sài Gòn.

“Con sóng” mới đang hình thành

Trước những chỉ báo tích cực, thị trường bất động sản Nam Sài Gòn được nhận định sẽ trở thành tâm điểm mới thu hút dòng vốn đầu tư. Các dự báo chỉ ra rằng, tiềm năng tăng giá của bất động sản Nam Sài Gòn là rất lớn khi lực cầu lớn trong khi nguồn cung mới còn rất hạn chế.

Theo báo cáo của DKRA Việt Nam, tỷ lệ dự án căn hộ mới tại khu vực này chỉ chiếm 3% số lượng dự án tại thành phố trong quý I/2022. Đáng chú ý, khu vực xung quanh cầu Bến Nghé gần như đã “cạn kiệt” quỹ đất “sạch”. Hầu hết các dự án căn hộ tại khu vực này đều đã được “lấp kín” cho dù quan tâm từ nhà đầu tư vẫn rất lớn.

Hiện nay, giá bất động sản căn hộ tại quận 7, một trong những quận trung tâm của khu vực Nam Sài Gòn, đang dao động ở mức 45-90 triệu đồng/m². Dự báo trong tương lai không xa, giá trị bất động sản tại đây sẽ còn tăng trưởng nhờ xung lực từ hạ tầng giao thông kết nối, xu hướng dịch chuyển “khỏi trung tâm” của giới đầu tư cũng như nguồn cung không đáp ứng được cầu. Khi đó, những căn hộ có giá dưới 100 triệu đồng/m2 sẽ cực kỳ “khan hiếm”.

Theo Chất lượng và Cuộc sống