Kích hoạt thị trường bất động sản 2021 cần chính sách mới mạnh mẽ hơn

Một số chính sách về nhà ở và thị trường BĐS trong năm 2020 bắt đầu có hiệu lực, đã tác động tích cực đến sự phát triển thị trường. Để kích hoạt thị trường 2021 tất yếu sẽ cần những chính sách mới mạnh mẽ hơn nữa.

Bộ Xây dựng mới đây đưa ra đánh giá, hoạt động kinh doanh bất động sản trên cả nước đã có tiến triển tốt, sôi động hơn trong những tháng cuối năm với nhiều tín hiệu lạc quan, tích cực. Càng về cuối năm, thị trường càng cho thấy những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.

Một số giải pháp, cơ chế, chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản được đề ra và ban hành từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 bắt đầu có hiệu lực và phát huy tác dụng, tác động tích cực đến thị trường.

Cụ thể như Luật Đầu tư sửa đổi 2020, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư cùng hàng loạt Thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Xây dựng ban hành...

Đáng chú ý, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH14); trong đó, có 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ 15/8/2020 và một số nội dung có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021. Theo đó, sẽ có 10 trường hợp miễn phép xây dựng theo Luật Xây dựng 2020 và một số những quy định hoàn toàn mới của Luật Xây dựng sửa đổi 2020.

Như vậy, từ ngày 1/1/2021, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 có hiệu lực thi hành thì các quy định về miễn giấy phép xây dựng đã được quy định cụ thể, rõ ràng hơn, thuận lợi cho quản lý cũng như người dân trong xây dựng công trình. Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng việc giải quyết được các nút thắt trong việc phê duyệt các dự án khu dân cư và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng từ năm 2021.

Cùng với đó, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2020 sẽ được thông qua vào năm 2021 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 có thể sẽ dẫn tới nguồn cung căn hộ mới phục hồi trong các năm tới về mức năm 2017 - 2018.

Ngoài ra, Chính phủ vẫn tiếp tục chỉ đạo, nghiên cứu ban hành nhiều chính sách mới hỗ trợ thị trường bất động sản. Theo đánh giá của một số chuyên gia, các chính sách mới ban hành sẽ giúp tác động tích cực đến thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Kích hoạt thị trường bất động sản 2021 cần chính sách mới mạnh mẽ hơn - Ảnh 1

Mới đây Tại hội thảo “Phát triển thị trường bất động sản, nhà ở minh bạch, bền vững” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức đã có một số ý kiến phản ánh về việc thị trường vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa bền vững, có nguy cơ mất ổn định. Nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn, chính sách pháp luật nhưng chưa được bổ sung, dẫn tới việc quản lý thị trường chưa hiệu quả trong khi chính sách đất đai chưa nhất quán, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư bất động sản còn phức tạp kéo dài.

Dưới góc độ doanh nghiệp, dưới góc độ doanh nghiệp ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư dự án nhà ở, cải cách phương thức xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất tại dự án theo hướng nhanh gọn. Trong đó quan trọng nhất là tháo gỡ đất công xen cài cũng như hoàn thiện pháp lý cho các loại hình như condotel.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, kinh doanh bất động sản đặc biệt nhạy cảm với việc thay đổi chính sách. Các văn bản mới được ban hành để tháo gỡ nhiều khi vấp phải những quy định khác gây khó khăn cho doanh nghiệp. Khi chuẩn bị dự án chủ đầu tư đã tính toán những chi phí để huy động. Nhưng khi có văn bản mới chi phí tăng lên khiến nhà đầu tư vỡ trận, nhiều dự án đổ bể. Trong khi dự án có thể đã có cam kết với doanh nghiệp khác hay người mua nhà từ trước đó… Chính vì vậy có dự án 10 năm không thực hiện được bởi vướng mắc ở những cơ chế chính sách.

Còn theo PGS. TS Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định: “Thị trường bất động sản Việt nam đang trong giai đoạn điều chỉnh mạnh. Chính sách đất đai - một trong những chính sách nền tảng của thị trường bất động sản đang có những chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2020. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dư địa có thể chuyển biến mạnh mẽ hơn mới có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của thị trường bất động sản. Các tác động về cơ bản là tích cực. 

Trong năm 2021 vẫn cần ít nhất một số điểm mạnh mẽ hơn nữa như: về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất condotel, officetel; về hạn điền và tích tụ ruộng đất; về chế tài đối với dự án không hoặc chậm triển khai. Cùng với các chính sách khác về xây dựng, thị trường bất động sản; về tiền tệ - tín dụng ngân hàng; về thuế, quỹ và các công cụ tài chính; về đầu tư, doanh nghiệp đặc biệt là đầu tư công và về quyền. Chỉ có bệ đỡ chính sách tốt thì thị trường bất động sản mới có thể vượt qua được giai đoạn thách thức hiện nay”.

Tuệ An

Theo Reatimes