Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của các tổ chức tín dụng

Năm 2021, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiểm toán Báo cáo tài chính (BCTC) và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2020 của Ngân hàng nhà nước (NHNN) và 09 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Theo kết quả kiểm toán cho thấy, trong năm 2020, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 3,23%, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất.

Các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm được kiểm toán đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, kinh doanh có lãi, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2%.

Cụ thể, đối với trường hợp của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), trong năm 2020, tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu riêng lẻ và hợp nhất lần lựợt là 10,51% và 10,79% (quy định tối thiểu 9%), tỉ lệ dự trữ thanh khoản 12,28% (quy định tối thiểu 10%), tỉ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày đối với đồng Việt Nam là 61,74% (quy định tối thiểu 50%).

Về lợi nhuận trước thuế, tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu của Vietinbank trong năm 2020 lần lượt là 17.119,81 tỷ đồng và 16,9%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, KTNN nhà nước cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của các tổ chức tín dụng.

Trong kỳ kiểm toán năm 2021, Vietinbank được KTNN xác định chưa nộp 76 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước với khoản thu hồi được từ nợ ngoại bảng đã được loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. KTNN cho rằng Vietinbank chưa phân loại nợ phù hợp, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác.

Cụ thể, ngoại trừ 769,48 tỷ đồng mà ngân hàng này đã trích lập dự phòng hoặc đã tất toán nợ vay trong năm 2021, KTNN xác định điều chỉnh tăng chi phí dự phòng tại Vietinbank số tiền là 20,97 tỷ đồng đối với kỳ kiểm toán nói trên.

Nhiều văn bản ban hành nội bộ cần điều chỉnh

Tài kỳ kiểm toán năm 2021, KTNN cũng xác định Vietinbank có một số văn bản ban hành nội bộ cần xem xét điều chỉnh sửa đổi, cụ thể.

Thứ nhất, KTNN yêu cầu Vietinbank nghiên cứu sửa đổi Quy định số 1683/2019/QĐ-TGĐ-NHCT29 ngày 10/12/2019 theo hướng không vận dụng hình thức hợp đồng tặng-cho thu nhập để chứng minh nguồn thu để trả nợ, nhằm đảm bảo tính hiện hữu, thực có, cũng như cơ sở pháp lý của nguồn thu để trả nợ, qua đó nâng cao chất lượng công tác thẩm định và phê duyệt tín dụng của Vietinbank.

Thứ hai, KTNN yêu cầu Vietinbank nghiên cứu sửa đổi văn bản số 8809/TGĐ-NHCT35 ngày 19/6/2014 theo hướng quy định các chi nhánh trực thuộc chỉ được giải ngân đối với các giao dịch hàng hóa mà người bán phải xuất hóa đơn bán hàng hợp lệ cho người mua nhằm đảm bảo phù hợp quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC và Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14 năm 2019.

Thứ ba, KTNN yêu cầu Vietinbank nghiên cứu, sửa đổi Quyết định số 944/2020/QĐ-TGĐ-NHCT63 ngày 30/6/2020 của NHCT theo hướng quy định hồ sơ giải ngân đối với mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất là Hợp đồng công chứng chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.

Thứ tư, KTNN yêu cầu Vietinbank nghiên cứu, sửa đổi văn bản hướng dẫn số 3299/TGĐ-NHCT38 ngày 22/5/2019 của NHCT để thực hiện việc ghi nhận TSBĐ phù hợp giữa dư nợ và TSBĐ.

Thứ năm, KTNN yêu cầu Vietinbank nghiên cứu sửa đổi chính sách ưu đãi lãi suất cho vay quy định số 4288/TGĐ-NHCT 55+56+63+3 ngày 29/06/2020 theo hướng giảm biên độ ưu đãi lãi suất, đồng thời tăng biên độ tối thiểu đối với lãi suất cho vay sau thời gian ưu đãi nhằm đảm bảo hiệu quả nguồn vốn tín dụng khả dụng tại ngân hàng.

Thứ sáu, KTNN yêu cầu Vietinbank sửa đổi văn bản số 9666/TGĐ-NHCT63+3 ngày 18/12/2020 theo hướng quy định việc thu hồi toàn bộ ưu đãi lãi suất đối với các trường hợp cán bộ nhân viên (CBNV) chấm dứt hợp đồng lao động nhằm bảo toàn lợi ích của Vietinbank và tính ràng buộc để giữ chân các CBNV chất lượng cao của Vietinbank như mục tiêu đặt ra của chính sách Associate Banking.

PV

Theo Chất lượng và cuộc sống