TT Trump: Mỹ chuẩn bị gửi 10 lá thư mỗi ngày, đồng loạt áp thuế các nước

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính quyền của ông có thể bắt đầu gửi thư cho các đối tác thương mại sớm nhất là vào ngày 4/7 để thiết lập mức thuế quan đơn phương trước hạn chót đàm phán là ngày 9/7.

Bắt đầu gửi thư áp thuế, sớm nhất từ 4/7

"Chúng tôi có thể sẽ gửi một số lá thư, có thể bắt đầu từ ngày mai, có thể là 10 lá mỗi ngày đến nhiều quốc gia khác nhau, nêu rõ mức giá họ sẽ phải trả để làm ăn với Mỹ", Tổng thống Trump nói với các phóng viên vào ngày 3/7 khi ông rời Washington để tham dự một sự kiện ở Iowa.

Ông Trump từ lâu đã đe dọa rằng nếu các nước không đạt được thỏa thuận với Mỹ trước thời hạn vào tuần tới, ông sẽ áp thuế đối với họ, làm tăng rủi ro cho các đối tác thương mại hiện đang vội vã đạt được thỏa thuận với chính quyền của ông.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính quyền của ông có thể bắt đầu gửi thư áp thuế cho các đối tác thương mại sớm nhất là vào ngày 4/7 (Ảnh: AP)
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính quyền của ông có thể bắt đầu gửi thư áp thuế cho các đối tác thương mại sớm nhất là vào ngày 4/7 (Ảnh: AP)

Nếu lệnh tạm dừng 90 ngày hết hạn vào ngày 9/7 như dự kiến, Mỹ sẽ tăng thuế đối với hàng chục quốc gia không có thỏa thuận đặc biệt.

Cho tới nay, Mỹ đã đạt được thỏa thuận thương mại với Việt Nam và Anh, đồng thời công bố khung cho một thỏa thuận tiềm năng với Trung Quốc.

Tuy nhiên, phía Mỹ khẳng định sẽ không gia hạn thời gian đàm phán và cho rằng rất khó để đạt thỏa thuận với khoảng 170 quốc gia còn lại. Các tranh chấp với các đối tác thương mại chủ chốt như Canada, Mexico và Liên minh châu Âu vẫn chưa được giải quyết. Liên minh châu Âu có nguy cơ đối mặt với mức thuế 50% nếu không đạt được thỏa thuận.

“Có thể thực hiện bao nhiêu thỏa thuận? Có thể ký nhiều hơn, nhưng mọi việc sẽ phức tạp hơn rất nhiều”, ông Trump nhấn mạnh.

Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết, trong các cuộc đàm phán, nhiều quốc gia thường đề cập tới các mặt hàng cụ thể như thịt bò hay ethanol. Tuy nhiên, Washington muốn đơn giản hóa quá trình bằng cách áp dụng mức thuế cố định 20%, 25% hoặc 30% đối với từng nước.

“Tôi thà gửi một lá thư nói rằng đây là số tiền bạn phải trả để kinh doanh tại Mỹ. Chúng tôi muốn xây dựng một hệ thống đơn giản, dễ duy trì và dễ kiểm soát”, ông Trump nói.

Doanh thu thuế quan của Mỹ tăng vọt

Doanh thu thuế quan của Mỹ đã tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt mức kỷ lục 24,2 tỷ USD trong tháng 5, tháng đầu tiên mức thuế toàn cầu 10% được áp dụng đầy đủ. So với tháng 4, con số này tăng hơn 25%, trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Mỹ gần như không thay đổi.

Các số liệu cho thấy cuộc chiến thương mại của Mỹ có thể mang lại sự thúc đẩy rất cần thiết cho ngân khố của chính phủ nước này (ẢNh: FT montage/Dreamstime)
Các số liệu cho thấy cuộc chiến thương mại của Mỹ có thể mang lại sự thúc đẩy rất cần thiết cho ngân khố của chính phủ nước này (ẢNh: FT montage/Dreamstime)

Các số liệu này cho thấy cuộc chiến thương mại đang mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách liên bang, giữa lúc Quốc hội Mỹ do phe Cộng hòa kiểm soát đã thông qua dự luật thuế và chi tiêu chủ chốt. Theo dự báo, điều này có thể khiến thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng thêm 3.400 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.

Tuy nhiên, dữ liệu cũng cho thấy tác động lớn của chính sách thuế lên dòng chảy thương mại toàn cầu. Nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đã giảm xuống còn 19,3 tỷ USD trong tháng 5 – giảm 21% so với tháng trước và giảm tới 43% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức thấp nhất trong gần hai thập kỷ đối với hàng hóa Trung Quốc phục vụ tiêu dùng nội địa của Mỹ.

Trước đó, Mỹ đã áp mức thuế lên tới 145% với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc, sau đó hạ xuống 30% sau các cuộc đàm phán tại London và Geneva. Việc tăng thuế và siết thương mại được chính quyền Mỹ lý giải là nhằm đưa ngành sản xuất quay trở lại trong nước và tăng nguồn thu tài chính cho chính phủ.

Chính quyền Mỹ khẳng định doanh thu thuế quan có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào thuế thu nhập. Dù vậy, thuế quan tháng 5 chỉ chiếm khoảng 7,7% mức thâm hụt ngân sách liên bang trong tháng – lên tới 316 tỷ USD. Nếu so với mức thâm hụt trung bình 166 tỷ USD hàng tháng trong năm qua, số thu tháng 5 tương đương khoảng 14,5%.

Thị trường tài chính toàn cầu từng chao đảo trong cái gọi là “Ngày giải phóng” hồi tháng 4, khi Mỹ bất ngờ áp thuế từ 10% đến 50% đối với phần lớn các đối tác thương mại, trước khi tạm hạ xuống mức 10% trong vòng 90 ngày.

Kể từ ngày 9/4, mức thuế cơ bản 10% đã được áp dụng đối với gần như toàn bộ hàng hóa nhập khẩu. Một số mặt hàng như dược phẩm và chất bán dẫn được miễn thuế, song có thể bị áp mức riêng trong tương lai. Trong khi đó, thép, nhôm và ô tô đang chịu mức thuế cao hơn, từ 25% đến 50%.

Theo tính toán, thuế suất thực tế, được xác định bằng tỷ lệ trung bình giữa mức thuế thu được và giá trị hàng hóa nhập khẩu, đã tăng lên 8,8% trong tháng 5, mức cao nhất kể từ năm 1946. Với hàng hóa từ Trung Quốc, thuế suất trung bình đã vọt lên mức kỷ lục 48%.

Cuối tháng 5, Mỹ đã tăng gấp đôi thuế thép và nhôm lên 50%, đồng thời mở rộng định nghĩa để bao gồm cả các sản phẩm phái sinh như tủ đông, máy rửa chén và máy giặt.

Theo phân tích của Phòng thí nghiệm Ngân sách Yale, nếu các mức thuế được giữ nguyên kể từ ngày 16/6 và không tăng thêm sau ngày 9/7, thuế suất thực tế sẽ ổn định ở mức khoảng 15%, kể cả khi tính đến sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng.

Dự báo trong giai đoạn 2025–2034, chính sách thuế quan hiện tại có thể tạo ra tổng doanh thu 2.200 tỷ USD. Tuy nhiên, sau khi trừ đi tác động từ việc giảm thuế ở các lĩnh vực khác, doanh thu ròng thực tế ước đạt khoảng 1.800 tỷ USD – vẫn thấp hơn đáng kể so với mức thâm hụt 3.400 tỷ USD được dự báo trong cùng kỳ nếu thực hiện đầy đủ dự luật thuế đã được thông qua.

Hải Đăng

Theo Vietnamfinance