Kinh Bắc có gặp khó với khoản nợ trái phiếu đáo hạn nghìn tỷ?
Kinh Bắc có 500 - 600 tỷ đồng nợ trái phiếu đáo hạn trong nửa cuối năm 2022 và 2.900 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023 khiến doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền.
Gặp khó với khoản nợ đáo hạn gần 3.000 tỷ đồng
Theo Báo cáo về Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã CK: KBC) của Vndirect, đơn vị này cho biết Kinh Bắc có 500 - 600 tỷ đồng nợ trái phiếu đáo hạn trong nửa cuối năm 2022 và 2.900 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023. Theo Vndirect, khoản nợ đáo hạn nửa đầu năm 2023 sẽ khiến Kinh Bắc đối mặt với thách thức về dòng tiền trong ngắn hạn, song, không có rủi ro vỡ nợ nhờ tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu ở mức thấp.
Khoản nợ lên đến 3.000 tỷ đồng sẽ khiến Kinh Bắc đối mặt với thách thức trong thời gian ngắn hạn. Đặc biệt, trong bối cảnh thắt chặt tín dụng vào bất động sản và hoạt động giám sát chặt chẽ đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp như hiện nay.
Trong trường hợp xấu nhất là phát hành không thành công, công ty có thể gặp thách thức trong việc phát triển các dự án mới trong ngắn hạn, nhưng không có rủi ro vỡ nợ, nguyên nhân do Kinh Bắc có bảng cân đối kế toán lành mạnh với tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu là 0,3 lần vào cuối quý II, thấp hơn đáng kể so với các công ty bất động sản khu công nghiệp cùng ngành.
VNDirect cũng ước tính tiền và các khoản tương đương tiền của Kinh Bắc có thể sẽ đạt 2.100 tỷ đồng vào cuối năm 2022, nhờ đó giảm những áp lực về các khoản nợ ít nhất đến nửa đầu năm 2023.
Bên cạnh đó, Kinh Bắc chia sẻ việc bán buôn tại KĐT Tràng Cát vẫn đang trong quá trình đàm phán với một số nhà đầu tư tiềm năng từ Singapore, Mỹ. Vì vậy, Vndirect hoãn đóng góp doanh thu của dự án này đến 2023 do thủ tục chuyển nhượng có thể mất ít nhất 3-6 tháng và tiến độ hoàn tất đàm phán vẫn chưa chắc chắn.
Đơn vị này cũng lo ngại các nhà đầu tư có thể trì hoãn hoạt động thu mua đất trong bối cảnh triển vọng ảm đạm của kinh tế toàn cầu và áp lực lạm phát gia tăng, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh thắt chặt tín dụng vào bất động sản.
Tính đến tháng 6/2022, dự án Tràng Cát đã tương đối hoàn thành san lấp cát 30ha đầu tiên, doanh nghiệp kỳ vọng san lấp xong 80ha giai đoạn 1 trong quý 3/2022. Vndirect đã điều chỉnh giảm dự phóng doanh thu KĐT Tràng Cát từ 9.602 tỷ đồng xuống 4.776 tỷ đồng với giả định chỉ bán buôn 30ha đất thương phẩm trong 2023.
Trước đó, Ban lãnh đạo Kinh Bắc đã có kế hoạch bán buôn 50 ha đất thương phẩm tại dự án khu đô thị Tràng Cát trong năm nay. Cụ thể, lãnh đạo Đô thị Kinh Bắc cho biết tiến độ đàm phán chuyển nhượng 50 ha đất thương phẩm đầu tiên tại khu đô thị Tràng Cát đang diễn ra tích cực. Công ty đã nhận được phê duyệt san lấp mặt bằng tại dự án này và dự kiến có thể sẽ bàn giao trong năm 2022, thu về 10.000-12.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Vndirect cũng cho biết, thủ tục pháp lý tại một số KCN mới ở Hải Dương và Hưng Yên cũng chậm hơn so với dự kiến. Kinh Bắc cũng phải đối diện với những khó khăn, rủi ro do doanh số kém hơn dự kiến, tiến độ pháp lý các dự án mới trì hoãn, trì hoãn ghi nhận doanh thu các dự án khu đô thị và rủi ro pha loãng cổ phiếu do KBC dự kiến sẽ phát hành riêng lẻ 150 triệu cổ phiếu trong nửa cuối năm 2022.
Lợi nhuận tăng đột biến nhờ đâu?
Trong quý 2/2022, Kinh Bắc chỉ cho thuê 8ha đất KCN, giảm 43,3% so với cùng kỳ, đến từ KCN Tân Phú Trung (7,7ha) và KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh (0,3ha). Do đó, doanh thu quý 2/2022 giảm 47,3% so với cùng kỳ còn 395,3 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Kinh Bắc chỉ bàn giao 16,9ha đất KCN, giảm 9% so với cùng kỳ và 3,9ha đất KĐT, tăng 75,2% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Kinh Bắc, Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu đạt 1.086,9 tỷ đồng, giảm 60,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 2.456,7 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2022, Kinh Bắc đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 9.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.500 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty hoàn thành được 54,6% kế hoạch lợi nhuận năm.
Xét về dòng tiền kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 662,4 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 51,6 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 937,9 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 144,5 tỷ đồng.
Trong kỳ, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 31,9% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.459,4 tỷ đồng về 3.118,7 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 23,5%, tương ứng tăng thêm 2.192,5 tỷ đồng lên 11.538 tỷ đồng; đầu tư tài chính dài hạn tăng 109,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 2.495,9 tỷ đồng lên 4.783,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm 2,4% so với đầu năm, tương ứng giảm 166 tỷ đồng về 6.887,8 tỷ đồng và chiếm 20,4% tổng nguồn vốn (đầu năm chiếm 22,8% tổng nguồn vốn).
Mới đây, Đô thị Kinh Bắc vừa thông báo việc sở hữu thêm 1 công ty con. Theo đó, Công ty con của Kinh Bắc là CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng vừa nâng sở hữu lên 86,54% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Công nghiệp Chế tạo Quảng Yên (Công ty Quảng Yên). Như vậy, sau giao dịch Kinh Bắc cũng đồng thời kiểm soát Công ty Quảng Yên thông qua công ty con.
Theo tìm hiểu, Công ty Quảng Yên được thành lập ngày 7/7/2022 với vốn điều lệ 250 tỷ đồng, trụ sở tại tỉnh Quảng Ninh và hoạt động chính trong sản xuất động cơ, tua bin (trừ động cơ máy bay, ô tô, mô tô và xe máy).