Kinh Bắc (KBC) đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 4.500 tỷ đồng, gấp 5 lần so với năm 2021?
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (Mã Chứng khoán: KBC) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ bất thường lần 1 năm 2022 với mục tiêu lãi 4.500 tỷ đồng trong năm tới.
Theo thông tin được Kinh Bắc công bố, ước tính tổng doanh thu hợp nhất năm 2021 đạt 4.190 tỷ đồng (tăng 69,8 % so với năm 2020 và tương đương 69,8 % so với kế hoạch).
Lợi nhuận hợp nhất sau thuế của doanh nghiệp năm 2021 ước đạt 900 tỷ đồng (tăng 181,4 % so với cùng kỳ và tương đương thực hiện được 45 % so với kế hoạch). Theo đó, lãi ròng cả năm đạt 730 tỷ đồng.
Lý giải về việc không thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh mà Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 đã phê duyệt, Kinh Bắc cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của Đại dịch Covid bùng nổ tại các địa bàn như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh,… nơi có các khu công nghiệp và khu đô thị nằm trong kế hoạch ghi nhận doanh thu trong năm 2021 của Tổng Công ty đều bị phong tỏa, giãn cách xã hội kéo dài. Tuy nhiên, cùng việc thích ứng với tình hình bình thường mới nhiều dự án của KBC tại các tỉnh đã được đẩy mạnh, cụ thể:
Tại Hải Phòng: Dự án KCN Tràng Duệ mở rộng đã và đang được các cơ quan quản lý của Thành phố Hải Phòng tập trung triển khai và hoàn tất các thủ tục thành lập mới, dự án đã nộp hồ sơ chờ chấp thuận của Bộ kế hoạch và Đầu tư.
Theo giới thiệu của Kinh Bắc, Khu công nghiệp Tràng Duệ, TP Hải Phòng có tổng diện tích 600ha được xây dựng theo mô hình quần thể kiến trúc hiện đại gồm: KCN – Khu đô thị – Khu vui chơi giải trí và dịch vụ. Dự án nằm trên quốc lộ 10, cách Thủ đô Hà Nội 100 km.
Tại Hưng Yên: Vào ngày 23/12/2021 Tổng Công Ty đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng yên đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án có quy mô 200ha khu công nghiệp.
Tại Long An: Công Ty đang tiến hành đền bù các cụm công nghiệp có quy mô 219,8 ha và 43,52 ha khu nhà ở xã hội. Ngoài ra, tại đây KBC cùng với các công ty con, công ty liên kết đang thành lập các dự án KCN mới.
Kinh Bắc cũng cho biết, trong năm 2021, công ty đã tiến hành 3 đợt phát hành trái phiếu, tổng giá trị thu về 2.400 tỷ đồng. Cụ thể:
Lần 1 (400 tỷ đồng): Ngày phát hành: 22/02/2021, ngày đáo hạn: 22/02/2023. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền có tài sản bảo đảm.
Mục đích phát hành: Cho các công ty con là Công ty cổ phần KCN Sài Gòn – Hải Phòng và Công ty cổ phần KCN Sài Gòn – Bắc Giang vay để phục vụ mục đích tăng quy mô vốn hoạt động và/hoặc giải phóng mặt bằng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các dự án mà công ty con đang triển khai.
Lần 2 (1.000 tỷ đồng): Ngày phát hành: 03/06/2021, ngày đáo hạn: 03/06/2023. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền có bảo đảm và không phải nợ thứ cấp của Tổ Chức Phát Hành.
Mục đích phát hành: Phục vụ hoạt động kinh doanh, đầu tư dự án của các công ty con (thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp bởi KBC), công ty liên kết. Cơ cấu lại nguồn vốn của công ty, bao gồm nhưng không giới hạn các khoản nợ vay đến hạn trong năm 2021.
Lần 3 (1.000 tỷ đồng): Ngày phát hành: 11/11/2021, ngày đáo hạn: 11/11/2024. Đây là loại hình trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền có bảo đảm bằng tài sản và không phải nợ thứ cấp của Tổ Chức Phát Hành.
Mục đích phát hành: Tăng quy mô vốn hoạt động bao gồm chi dền bù hạ tầng khu công nghiệp, thanh toán chi phí xây dựng, cải tạo, sửa chữa khu công nghiệp. Đầu tư vào chương trình dự án: hợp tác kinh doanh với các công ty con, công ty liên kết để thực hiện các dự án bất động sản khu công nghiệp bao gồm nhưng không giới hạn việc đầu tư, thực hiện dự án Tràng Duệ mở rộng tại huyện An Lão, thành phố Hải Phòng.
Đặt kế hoạch lãi 4.500 tỷ năm 2022
Theo tờ trình của KBC, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu trong năm tới đạt 9.800 tỷ đồng (gấp 2,3 lần năm 2021), lợi nhuận sau thế đạt 4.500 tỷ (gấp 5 lần năm 2021).
Ngoài ra, KBC cũng cho biết, doanh nghiệp cũng sẽ tiến hành tăng vốn điều lệ nhờ việc phát hành tối đa 191,9 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị cổ phiếu phát hành tối đa theo mệnh giá khoảng 1.919 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Kinh Bắc cũng sẽ chào bán tối đa 150 triệu cổ phiếu, dự kiến thu về 1.500 tỷ đồng (theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu).
Với toàn bộ số tiền thu được, Kinh Bắc sẽ bổ sung vốn, tái cơ cấu nợ vay, đầu tư góp vốn vào công ty con, công ty liên kết.
Hiện tại, Kinh Bắc chưa công bố kết quả Báo cáo tài chính quý IV/2021, tuy nhiên theo Báo cáo tài chính quý III/2021 của doanh nghiệp cho thấy, trong quý III, KBC ghi nhận doanh thu đạt 324,9 tỷ đồng, tăng 60,6% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế âm 59,3 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 8,7 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 56,9% về còn 48,9%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 37,9% so với cùng kỳ, tương ứng tăng 43,7 tỷ đồng lên 158,9 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 115,3%, tương ứng tăng thêm 19,6 tỷ đồng lên 36,6 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 135%, tương ứng tăng thêm 102 tỷ đồng lên 177,9 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về lợi nhuận kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý III/2021, công ty ghi nhận lợi nhuận cốt lõi tăng 56,9% so với cùng kỳ, tương ứng tăng 38,67 tỷ đồng lên 106,62 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu đạt 3.076,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 733,1 tỷ đồng, lần lượt tăng 231% và 659,7% so với cùng kỳ.
Nợ phải trả tính đến 30/9/2021 của KBC ghi nhận gần 14.954 tỷ đồng trong đó dư nợ vay chiếm một nửa với 7.375 tỷ đồng (riêng dư nợ vay dài hạn tăng thêm hơn 1.000 tỷ so với đầu năm, chủ yếu là nợ vay trái phiếu với lãi suất dao động 9,38-11%/năm).