Tân Hoàng Minh từng liên quan gì đến dự án một thời được kỳ vọng là ‘tòa nhà cao nhất Việt Nam’ của Kinh Bắc (KBC) tại Hà Nội?

Từng được kỳ vọng là tòa nhà cao nhất Việt Nam, tuy nhiên dự án Diamond Rice Flower hiện tại do một công ty con của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã CK: KBC) vẫn chưa thể ‘thành hình’ sau hơn một thập kỷ. Đáng chú ý, dự án này đã được nhiều lần đổi chủ qua lại giữa Kinh Bắc và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.

Dự án Diamond Rice Flower (có tên gọi cũ là Khách sạn Hoa Sen hoặc Lotus Hotel) được phát triển trên khu đất 40.000m2. Theo kế hoạch, dự án gồm 1 tòa tháp cao 100 tầng, 1 tòa tháp cao 80 tầng và 1 tòa 15 tầng. Kiến trúc của tòa tháp đôi có phối cảnh là biểu tượng hình bông lúa. Dự án từng được kỳ vọng sẽ phá kỷ lục tòa nhà cao nhất Việt Nam.

Dự án sở hữu vị trí đắc địa. Cụ thể, nằm bên đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm; gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, chỉ cách tòa Keangnam khoảng 300 m, bên cạnh là dự án Vinhomes West Point. Với vị trí nằm trong quy hoạch Phân khu H2-2, thuộc khu vực nội đô Hà Nội mở rộng. Đoạn đường Phạm Hùng qua khu vực dự án là trọng tâm của Phân khu H2-2, nơi được định hướng xây dựng những công trình cao tầng, có kiến trúc độc đáo.

Phối cảnh Dự án Diamond Rice Flower.  
Phối cảnh Dự án Diamond Rice Flower.  

Thời điểm hiện tại, Việt Nam có 4 công trình hiện hữu với quy mô cao trên 65 tầng, gồm: Tòa tháp Bitexco (số 19-25 Nguyễn Huệ, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh), Landmark 81 (Phường 22, quận Bình Thạnh, ven sông Sài Gòn) ; Keangnam Hanoi Landmark Tower (Khu E6, Phạm Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội) và  Lotte Center Hà Nội (54 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội).

Các công trình này lần lượt hoàn thành từ 2010 đến nay. Cũng từng được giao đất triển khai từ đầu năm 2010 như những dự án kể trên, tuy nhiên khác với các tòa nhà quy mô khác đã hình thành thì Diamond Rice Flower vẫn chưa được khởi công.

Theo tìm hiểu, dự án ban đầu thuộc về một tập đoàn của Nhật Bản. Tuy nhiên, đầu năm 2009, tập đoàn này đã rút lui và dự án về tay Kinh Bắc. Sau đó, đến giữa năm 2017, Kinh Bắc đã chuyển nhượng Diamond Rice Flower cho Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) – doanh nghiệp trong những ngày qua đang gây xôn xao dư luận khi bất ngờ công khai ‘bỏ cọc’ khu đất kim cương từng trúng đấu giá kỷ lục (2,45 tỷ đồng/m2) tại Thủ Thiêm.

Với mục đích phát triển Dự án Diamond Rice Flower, Kinh Bắc đã thành lập Công ty TNHH MTV Phát triển Khách sạn Hoa Sen (Kinh Bắc sở hữu 100% vốn). Sau khi chuyển nhượng dự án trên cho đối tác là CTCP Đầu tư Mặt Trời Mọc (Mặt Trời Mọc) vào năm 2017, đến tháng 1/2020, KBC bất ngờ công bố thông tin về việc nhận chuyển nhượng vốn góp của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh tại Công ty TNHH MTV Phát triển Khách sạn Hoa Sen. Giá trị thương vụ bằng đúng với giá trị chuyển nhượng cho Mặt Trời Mọc gần 1.855 tỷ đồng.

Điều này cho thấy, trước đó CTCP Đầu tư Mặt Trời Mọc đã chuyển nhượng toàn bộ số vốn góp của Hoa Sen được nhận chuyển nhượng từ KBC cho Tân Hoàng Minh.

Kinh Bắc công bố thông tin về việc nhận chuyển nhượng vốn góp của Tân Hoàng Minh tại Công ty Hoa Sen.  
Kinh Bắc công bố thông tin về việc nhận chuyển nhượng vốn góp của Tân Hoàng Minh tại Công ty Hoa Sen.  

Sau thương vụ chuyển nhượng trên, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc đã trở thành chủ sở hữu của Công ty TNHH MTV Phát triển Khách sạn Hoa Sen. Đồng thời, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc cũng đã cử ông Lê Huy Vũ trở thành người đại diện vốn góp của KBC tại Công ty TNHH MTV Phát triển Khách sạn Hoa Sen.

Liên quan đến dự án, Được biết, sau khi hoàn chủ cũ, Kinh Bắc đã xin điều chỉnh quy hoạch theo hướng giảm chiều cao còn một nửa. Đến nay, dự án Diamond Rice Flower vẫn chỉ là khu đất vàng bị bỏ hoang và trở thành nơi trồng rau muống, đổ phế liệu xây dựng.

Về phía Kinh Bắc, với mục đích bổ sung vốn hoạt động, KBC đã thông qua phương án bán toàn bộ hơn 5,95 triệu cổ phiếu quỹ đang nắm giữ. Thời gian giao dịch dự kiến là trong quý I/2022 hoặc trong thời hạn mà pháp luật cho phép sau khi được Ủy ban chứng khoán nhà nước chấp thuận hồ sơ đăng ký.

Hiện, mức giá bán cụ thể chưa được công bố, phía Kinh Bắc cho biết mức giá này sẽ không thấp hơn 50.000 đồng/cp. Theo đó, sau khi giao dịch hoàn tất, số vốn mà Kinh Bắc có thể thu về tối thiểu là khoảng hơn 297 tỷ đồng và sẽ được dùng để bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước đó, vào đầu tháng 10/2021, công ty đã chào bán riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư, thu về gần 3.410 tỷ đồng. Trong đó, hơn phân nửa số vốn (53,1%, tương đương 1.811 tỷ đồng) được công ty dùng để tái cơ cấu các khoản nợ; phần còn lại sẽ được dùng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng quy mô vốn và đầu tư vào các đơn vị thành viên.

Cao Lãng

Theo Kinh doanh & Phát triển