Kinh doanh tồi tệ nhất trong lịch sử, Vietnam Airlines muốn bán bớt 27 máy bay

Lỗ nặng vì Covid-19, đội bay dư thừa đến năm 2025 do đó Vietnam Airlines lên kế hoạch bán bớt 27 máy bay.

Ngày 14-12, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tổ chức Đại hội cổ đông bất thường năm 2021 để xin ý kiến cổ đông về một số nội dung, trong đó tập trung phương án tái cơ cấu tổng thể doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 trên mọi lĩnh vực hoạt động.

Đáng chú ý, Tổng giám đốc Vietnam Airlines ông Lê Hồng Hà cho biết, hiện tại hãng có tổng cộng 104 tàu bay, trong đó có 29 tàu bay thân rộng. Với các kịch bản mà Vietnam Airlines đã xây dựng đến hết năm 2022 và năm 2025 (ngay cả kịch bản lạc quan), đội bay của hãng dư cả thân rộng và thân hẹp. Do vậy, Vietnam Airlines đang tiến hành tái cơ cấu đội tàu bay và đàm phán với bên cho thuê máy bay. 

Đặc biệt, trong tháng 12/2021, Vietnam Airlines đã đưa ra phương án bán tiếp 9 tàu bay A321 và 6 tàu ATR72. Trong giai đoạn từ 2022 đến cuối năm 2023, Vietnam Airlines sẽ xây dựng phương án bán 12 tàu bay A321 nữa. Như vậy, Vietnam Airlines muốn bán bớt 27 máy bay.

Trước đó, vào tháng 6/2021 Vietnam Airlines phát thông tin đấu giá 11 máy bay Airbus A321 CEO sản xuất năm 2004, 2007 và 2008. Đây là một phần trong kế hoạch thay thế dần các tàu bay trên 12 năm tuổi của hãng hàng không quốc gia đến năm 2025. Đồng thời, bán máy bay cũng có thể giúp Vietnam Airlines có thêm dòng tiền trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh.

Vietnam Airlines cũng đã rao bán 9 tàu A321 CEO vào năm 2020 và 5 tàu vào năm 2019.

Kinh doanh tồi tệ nhất trong lịch sử, Vietnam Airlines muốn bán bớt 27 máy bay - Ảnh 1

Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh trong quý 3/2021 và 9 tháng đầu năm 2021, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần 18.880 tỷ đồng và lỗ ròng 11.826 tỷ đồng. Đây là giai đoạn 9 tháng tồi tệ nhất trong lịch sử của hãng hàng không với biểu tượng sen vàng.

Kết quả kinh doanh bi đát này đến từ việc hoạt động hàng không liên tục bị đóng băng bởi dịch Covid-19 hoành hành đợt 3 vào cao điểm Tết Nguyên đán và đợt 4 từ cao điểm hè đến nay.

Cuối quý 3/2021, hãng hàng không quốc gia có 14.756 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó hơn 56% là tiền mặt và khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (8.250 tỷ đồng). Trong khi đó, nợ ngắn hạn ghi nhận mức rất cao 42.434 tỷ đồng, gần gấp 3 lần tài sản ngắn hạn. Do đó, áp lực thanh khoản của Vietnam Airlines vẫn còn rất lớn.

Đáng chú ý, tính đến 30/9/2021 vốn chủ sở hữu tuy đã dương trở lại, nhưng ở mức rất thấp 1.475 tỷ đồng. Tính tới cuối quý 3, Vietnam Airlines lỗ lũy kế 21.200 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ thực góp là 22.144 tỷ đồng. 

Trong quý 4/2021, nếu Vietnam Airlines tiếp tục lỗ nặng hơn 1.000 tỷ đồng, khả năng bị hủy niêm yết theo luật chứng khoán sửa đổi vì lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp.

Tình hình tài chính của Việt Nam Airlines  
Tình hình tài chính của Việt Nam Airlines  
Trong 11 tháng đầu năm, Vietnam Airlines Group (bao gồm ba hãng hàng không là Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) thực hiện tổng cộng hơn 54.600 chuyến bay, giảm gần 46% so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù năm 2020 đã chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh. Số chuyến bay của Vietjet Air và Bamboo Airways cũng giảm tương ứng 46% và 10%.

Tuy vậy, các quy định hạn chế đã dần được nới lỏng trong những tháng gần đây, số chuyến bay bắt đầu được cải thiện.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ