Lãi dự thu tại ngân hàng Bản Việt tăng nhanh

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, ngân hàng Bản Việt (mã: BVB) báo lợi nhuận tăng trưởng song lãi dự thu cũng tăng. Cùng với đó, nợ xấu cũng là điểm trừ trong bức tranh kinh doanh.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, ngân hàng Bản Việt (mã: BVB) báo lợi nhuận tăng trưởng song lãi dự thu cũng tăng. Cùng với đó, nợ xấu cũng là điểm trừ trong bức tranh kinh doanh.

9 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank, UPCoM: BVB) thu về hơn 1.323 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 23% so với cùng kỳ nhờ lãi tiền gửi và lãi từ chứng khoán đầu tư tăng mạnh.

Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng tương đối tốt. Cụ thể, hoạt động dịch vụ đem về khoản lãi hơn 76 tỷ đồng, tăng 48% nhờ thu từ dịch vụ thanh toán tăng đến 42% so với cùng kỳ, đạt hơn 138 tỷ đồng; Hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng đến 95%, thu được khoản lãi gần 66 tỷ đồng nhờ thu từ kinh doanh ngoại tệ giao ngay 202 tỷ đồng, tăng 76%; Lãi từ hoạt động khác tăng 24%, đạt 41 tỷ đồng nhờ thu hồi các khoản nợ đã xóa hơn 20 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư 9 tháng đầu năm bị lỗ gần 10 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 139 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động tăng tới 35% lên gần 950 tỷ đồng.

Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 13%, chỉ còn hơn 546 tỷ đồng. Thế nhưng, 9 tháng đầu năm Ngân hàng Bản Việt giảm trích lập dự phòng 49%, còn hơn 123 tỷ đồng, do đó vẫn báo lãi trước và sau thuế tăng 10%, đạt lần lượt  hơn 423 tỷ đồng và gần 339 tỷ đồng.

So với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 450 tỷ đồng đề ra cho cả năm 2022, ngân hàng Bản Việt đã thực hiện được 94% chỉ tiêu sau 9 tháng.

Lãi dự thu tại ngân hàng Bản Việt tăng nhanh - Ảnh 1

Ở một khía cạnh khác, nợ xấu trong 9 tháng đầu năm của ngân hàng này cũng bắt đầu tăng nhanh. Tổng nợ xấu tại ngày 30/09/2022 tăng 21% so với đầu năm, lên mức 1.425 tỷ đồng. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng mạnh nhất tới 44% lên hơn 266 tỷ đồng, tiếp đến nợ có khả năng mất vốn tăng 18% lên hơn 976 tỷ đồng và nợ dưới tiêu chuẩn tăng 10% lên gần 182 tỷ đồng. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu tại BVB tăng từ 2,53% hồi đầu năm lên 2,8%.

Chi tiết các nhóm nợ xấu tại BVB (nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022)
Chi tiết các nhóm nợ xấu tại BVB (nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022)

Con số nợ xấu tăng lên nhưng ngân hàng Bản Việt cũng công bố lãi tăng. Thông thường, trong trường hợp này người ta sẽ nghĩ đến khoản mục “lãi dự thu” (lãi và phí phải thu) hoặc “chi phí dự phòng rủi ro”.

Bởi lẽ, với một món vay không thể đòi được nhưng ngân hàng vẫn có thể hạch toán vào sổ, vẫn ghi lãi dưới hình thức dự thu, tức tăng lợi nhuận trực tiếp. Hoặc giảm chi phí dự phòng rủi ro để ít bị khấu trừ lợi nhuận.

Tính đến 30/9/2022, khoản lãi dự thu tại Bản Việt ghi nhận hơn 1.092 tỷ đồng, tăng tới 28% so với đầu năm. Đồng thời, nhà băng này cũng giảm tới 49% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong 9 tháng đầu năm. Vì vậy, ngân hàng này báo lãi chủ yếu do chưa mạnh tay trích lập dự phòng và một phần từ lãi dự thu.

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022

Lãi dự thu là khoản lãi dự kiến sẽ thu được trong tương lai và là một phương thức hạch toán trong bảng cân đối kế toán của ngân hàng, Tuy nhiên, nếu lãi dự thu không thể thu hồi trong thời gian dài có thể do nợ xấu hoặc bên phải trả mất khả năng thanh toán thì sẽ có những rủi ro nhất định. Con số lãi dự thu càng lớn, khả năng tác động đến lợi nhuận của ngân hàng càng cao. Do đó, lãi dự thu cũng là một "khối u" nhức nhối không kém gì nợ xấu.

Như vậy, trong 9 tháng đầu năm, chất lượng tín dụng của ngân hàng Bản Việt đang có dấu hiệu đi xuống khi lãi dự thu và nợ xấu đồng loạt tăng. Điều này làm dấy lên lo ngại về chất lượng lợi nhuận của nhà băng này.

Cần lưu ý, một khi con số nợ xấu bị lộ rõ, trong các quý tới, khoản chi phí dự phòng rủi ro khả năng sẽ tăng mạnh khiến lợi nhuận ngân hàng bị ăn mòn.

Tính đến cuối quý 3/2022, tổng tài sản Ngân hàng Bản Việt xấp xỉ đầu năm ở mức 77.556 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt giảm 12% còn 543 tỷ đồng; tiền gửi tại NHNN giảm mạnh 91% chỉ còn gần 226 tỷ đồng; tiền gửi tại TCTD khác giảm 39% xuống còn 8.057 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 10% đạt 50.851 tỷ đồng)…

Trong khi đó, tiền gửi khách hàng lại tăng trưởng âm 4%, chỉ còn 43.867 tỷ đồng. Phát hành giấy tờ có giá tăng 8%, đạt 11.402 tỷ đồng.

Hoàng Long

Theo Sở hữu trí tuệ