Rầm rộ phát hành trái phiếu, Ngân hàng Bản Việt đang dẫn đầu về lãi suất?
Tháng 12/2021, nhóm ngân hàng phát hành 88% trái phiếu trên thị trường.
Thời điểm cuối năm, ngoài cuộc đua lãi suất huy động, cuộc đua phát hành trái phiếu của ngành ngân hàng ngày càng diễn ra sôi động. Đặc biệt, dù lãi suất thấp hơn nhiều so với trái phiếu doanh nghiệp, song toàn bộ trái phiếu riêng lẻ ngân hàng phát hành vẫn “cháy hàng”.
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, có 19 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong 3 tuần đầu tháng 12 với tổng giá trị 10.816 tỷ đồng. Ngành ngân hàng và bất động sản vẫn là 2 nhóm ngành phát hành khối lượng trái phiếu lớn nhất.
Đặc biệt, khối ngân hàng chiếm ưu thế với 9.447 tỷ đồng trong khi bất động sản ở mức 819 tỷ đồng. Như vậy, ngân hàng chiếm 88% tổng giá trị phát hành trái phiếu, còn bất động sản chiếm 7% tổng giá trị phát hành.
Điển hình, chỉ riêng tháng 12/2021 ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã chào bán thành công 8.000 tỷ đồng trái phiếu. Cụ thể, hôm 13/12 VIB đã chào bán thành công 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm; ngày 14,15 và 16/12 chào bán thành công 4.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm; tiếp đến các ngày 21,22, và 23/12 chào bán thành công 3.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm.
Tuần trước, Agribank công bố phát hành 2 triệu trái phiếu ra công chúng kỳ hạn 7 năm với tổng giá trị dự kiến 2.000 tỷ đồng. Đối với trái phiếu ra công chúng đợt này, khách hàng được hưởng mức lãi suất luôn cao hơn từ 1-1,2%/năm so với bình quân lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng và được nhận lãi định kỳ 6 tháng/lần.
Cũng trong tháng 12, ông lớn Vietcombank có 2 đợt phát hành trái phiếu huy động 600 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 350 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm với lãi suất thả nổi.
LienVietPostBank cũng tương tự, tháng 12 có 2 đợt phát hành trái phiếu huy động 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm với lãi suất 3,7%/năm và 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất 3,3%/năm.
Cũng trong tháng 12, ngân hàng OCB phát hành 3 đợt trái phiếu đều có kỳ hạn 3 năm với tổng gía trị phát hành trái phiếu là 2.000 tỷ đồng với lãi suất 3,2%/năm trả lãi định kỳ 12 tháng một lần.
Một trái phiếu đáng chú ý khác là của MBBank, các lô trái phiếu chào bán thành công trong tháng 12 này đều có lãi suất dao động từ 7,1%/năm hoặc 7,8%/năm.
Đáng chú ý, toàn bộ trái phiếu ngân hàng đều là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được đảm bảo bằng tài sản.
Lãi suất trái phiếu tại Ngân hàng Bản Việt lên tới 8,5%/năm
Điểm qua một số ngân hàng có thể thấy trái phiếu ngân hàng có lãi suất thấp hơn rất nhiều so với trái phiếu doanh nghiệp (3-7%/năm, trong khi trái phiếu doanh nghiệp lãi suất thường 10%/năm). Tuy nhiên, vẫn có ngân hàng để lãi suất trái phiếu cao hơn hẳn như Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank).
Cụ thể, ngân hàng đang phát hành 15 triệu trái phiếu ra công chúng với tổng mệnh giá là 1.500 tỷ đồng tại tất cả các phòng giao dịch, chi nhánh trên toàn quốc.
Số trái phiếu được chào bán trong đợt 1 đều có kỳ hạn 7 năm, lãi suất cố định ở mức 8,5%/năm, trả lãi định kỳ hàng năm. Giá chào bán là 100.000 đồng/trái phiếu. Số lượng mua tối thiểu là 100 trái phiếu đối với nhà đầu tư cá nhân và 1.000 trái phiếu đối với nhà đầu tổ chức.
Thời gian đăng ký mua trái phiếu phát hành đợt 1 từ ngày 10/12/2021 đến 29/12/2021. Mục đích của đợt phát hành nhằm bổ sung vốn tự có cấp 2, tăng nguồn vốn cho vay trung dài hạn và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng.
Ngoài ra, trong năm 2022, ngân hàng còn 4 đợt phát hành trái phiếu khác với tổng giá trị huy động lên đến 1.000 tỷ đồng. Đây đều là trái phiếu có kỳ hạn 7 năm, trả lãi định kỳ hàng năm với lãi suất tối đa là 9%.
Đáng chú ý, ngoài trái phiếu, lãi suất huy động tại Ngân hàng Bản Việt cũng nằm trong top cao của ngành. Tháng 12 này, lãi suất Ngân hàng Bản Việt cao nhất vẫn duy trì ở mức là 6,7%/năm, áp dụng đồng thời cho tiền gửi tiết kiệm thường kỳ hạn 60 tháng và tiền gửi online kỳ hạn 24 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.
Trái phiếu là giải pháp thu hút vốn hiệu quả không chỉ ngành ngân hàng mà của đa số doanh nghiệp hiện nay. Tuy nhiên trên thị trường hiện xuất hiện một số hiện tượng huy động vốn trái phiếu chưa tuân thủ quy định của pháp luật. Đó là những trái phiếu “3 không” - không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán, tiềm ẩn rủi ro lớn cho nhà đầu tư.
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu từng chia sẻ, khi khách hàng đến rút tiền ra mà ngân hàng không có tiền trả cho họ, động thái của các ngân hàng là huy động vốn mới, phát hành trái phiếu để trả cho khách hàng đã gửi tiền, một động thái có thể được xem là “huy động vốn" mới để trả tiền gửi cũ”. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy lãi suất huy động lên trong thời gian qua, đặc biệt đối với những ngân hàng có nợ xấu cao.
Tỷ lệ nợ xấu tại Ngân hàng Bản Việt gần "cán đích" 3%
9 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng Bản Việt giảm nhẹ 3% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích gần 243 tỷ đồng. Do đó, Ngân hàng báo lãi trước thuế 9 tháng gấp 2,8 lần cùng kỳ, ghi nhận gần 386 tỷ đồng.
Từ quý 2, Viet Capital Bank đã đạt kế hoạch 290 tỷ đồng lãi trước thuế cho cả năm 2021. So với kế hoạch này, Ngân hàng đã vượt 33% kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng.
Đáng chú ý, tính đến ngày 30/09/2021, tổng nợ xấu của Ngân hàng tăng 19% so với đầu năm, chiếm 1,318 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ có khả năng mất vốn. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tăng từ 2,79% đầu năm lên 2,94%.