Lãi suất huy động tiếp tục tăng, nhóm 'ông lớn' ngân hàng vẫn đứng ngoài cuộc
Đến thời điểm hiện tại, cuộc đua tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng ngày càng nóng hơn. Đáng nói, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước chưa ghi nhận sự điều chỉnh.
Thêm nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa tăng lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy và trên kênh ngân hàng điện tử với mức điều chỉnh tăng hơn đến 1,1 điểm % so với mức hiện hành.
Theo đó, khi tham gia chương trình khuyến mại mới này, khách hàng sẽ được cộng thêm lãi suất ưu đãi lên đến 1 điểm %/năm vào mức lãi suất hiện hành của SHB cho sổ tiết kiệm/hợp đồng tiền gửi. Bên cạnh mức cộng thưởng này, khi gửi tiền tại quầy giao dịch, khách hàng mới còn được cộng thêm 0,1 điểm %/năm cho các món tiền gửi.
Hiện mức lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy cao nhất của SHB là 6,6%/năm cho kỳ hạn từ 18 tháng ở sản phẩm Tiết kiệm Đại lợi; và lãi suất 6,7%/năm cho khách gửi tiết kiệm online từ 36 tháng.
Hay như, Sacombank vừa công bố biểu lãi suất huy động mới, theo đó lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng tăng lên 3,7%/năm; 6 tháng tăng lên 4,7%/năm. Ở kỳ hạn huy động 12 tháng, lãi suất tăng lên 5,8%/năm.
Ngoài ra trong đợt này, SCB còn tăng lãi suất tiết kiệm thêm 0,15%/năm cho kỳ hạn 1 và 3 tháng, tăng 0,3%/năm cho kỳ hạn 6 và 9 tháng tại quầy. Trên kênh online, ngân hàng này tăng 0,4%/năm vào lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 và 9 tháng.
Tại Nam A Bank, khách hàng gửi online từ 6 tháng trở lên lãi suất 6,5%/năm và mức lãi suất cao nhất 7,2%/năm áp dụng cho các khoản gửi tiết kiệm từ 12 – 15 tháng; lãi suất lên tới 7,4%/năm với khách hàng gửi từ 16 tháng.
Tại các ngân hàng lớn, Techcombank bắt đầu tăng 0,1-0,3%/năm cho lãi suất các kỳ hạn 1, 3, 6 và 12 tháng gửi online. Riêng tiền gửi 9 tháng tăng 0,5%/năm.
Tương tự, ngân hàng ACB điều chỉnh lãi suất tiết kiệm cho các giao dịch online. Ngân hàng này cộng thêm 0,05% cho kỳ 9 và 12 tháng, kỳ gửi 3 và 6 tháng tăng 0,5%/năm. Riêng tiết kiệm 1 tháng online tăng lãi thêm 0,6%/năm.
Báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất của Công ty chứng khoán SSI cho thấy, biểu lãi suất huy động cho khách hàng cá nhân tiếp tục được điều chỉnh tăng nhẹ trong những vừa qua ở một số ngân hàng vừa và nhỏ. Trong khi đó, lãi suất huy động với khách hàng tổ chức cũng được điều chỉnh tăng khoảng 0,2 điểm % ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn.
Riêng nhóm ngân hàng thương mại nhà nước gồm Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV chưa ghi nhận sự điều chỉnh lãi suất huy động. Lãi suất trung bình kỳ hạn 6 tháng tiếp tục được duy trì ở mức 3,78%/năm trong tháng thứ 11 liên tiếp; và lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn đang không thay đổi ở mức 4,95%/năm sau 9 tháng.
Việc các ngân hàng thương mại nhà nước chưa điều chỉnh biểu lãi suất huy động chủ yếu là do vẫn giữ được lợi thế về nguồn vốn. Trong đó, nguồn tiền gửi có kỳ hạn từ Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng này trong 3 tháng đầu năm tăng khoảng 66.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các chương trình miễn phí chuyển khoản kể từ đầu năm 2022 cũng đang phát huy hiệu quả để hút tiền gửi không kỳ hạn về.
Lãi suất huy động tăng vì đâu?
Trong báo cáo cập nhật quý, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự đoán lãi suất huy động có thể tăng 0,5-1% trong năm nay. Các ngân hàng ghi nhận lượng khách hàng thường xuyên tăng nhanh như Techcombank, MBBank, TPBank... sẽ có được nguồn vốn huy động dồi dào hơn và giảm được chi phí vốn trong dài hạn.
Đồng thời, Chứng khoán MB (MBS) dự đoán trung hạn giai đoạn 2022-2025 khi kinh tế trong nước và quốc tế hồi phục, lãi suất huy động có thể tăng trở lại vì nhu cầu vốn cho nền kinh tế tăng lên để đáp ứng cho sản xuất kinh doanh phục hồi sau dịch bệnh.
Giới chuyên môn cho rằng, các ngân hàng tại Việt Nam đang phải chịu nhiều áp lực khiến lãi suất huy động tăng trong thời gian vừa qua.
Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng (tới ngày 25/4/2022) đạt 6,75%, mức cao nhất trong 10 năm qua. Nhiều ngân hàng nhỏ và vừa đã dùng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước phát đợt đầu. Tín dụng tăng mạnh khiến kênh thị trường mở (OMO) liên tục được sử dụng để bơm tiền ngắn hạn ra ngoài hệ thống sau gần 1 năm kênh này đóng băng.
Thứ hai, áp lực lạm phát ngày càng rõ nét. Khi lạm phát tăng, ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động để giữ mức lãi suất thực dương thì mới có thể hút dòng tiền nhàn rỗi của cư dân. Và để tránh xảy ra cuộc chạy đua lãi suất, các ngân hàng buộc phải điều chỉnh dần với bước tăng nhỏ.
Thứ ba, FED thắt chặt chính sách tiền tệ khiến đồng USD tăng giá từng ngày, tạo áp lực giảm giá cho các đồng tiền khác, đặc biệt là đồng nội tệ của các nền kinh tế mới nổi, bao gồm cả VND. Theo đó, muốn duy trì ổn định tỷ giá, các quốc gia này cũng phải siết cung tiền, hoặc bơm thanh khoản USD. Nhưng với hướng giải quyết nào thì lãi suất trong nước cũng sẽ tăng.