Lãi suất thêm 1 đợt giảm mạnh, lộ trình từ đỉnh 10% xuống dưới 8%

Cuộc đua giảm lãi suất tiết kiệm đang diễn ra sôi động và dường như vẫn chưa có điểm dừng. Lãi suất huy động đã giảm từ mức đỉnh 10-11%/năm xuống mức dưới 8%/năm. Lãi suất huy động được dự báo sẽ tiếp tục giảm kéo theo lãi suất cho vay cũng hạ.

Lãi suất huy động tiếp tục giảm

Làn sóng giảm lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại 3 tháng nay diễn ra sôi nổi và đến nay vẫn chưa dừng. Mấy ngày gần đây, các ngân hàng liên tục công bố biểu lãi suất huy động mới với mức giảm khá mạnh.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố giảm suất huy động từ 0,2-0,3%/năm cho nhiều kỳ hạn. Theo đó, lãi suất tại quầy ở kỳ hạn từ 1-2 tháng được Vietcombank giảm từ 4,9%/năm xuống còn 4,6%/năm; kỳ hạn 3 tháng giảm từ 5,4%/năm xuống mức 5,1%/năm. Còn đối với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, Vietcombank giảm lãi suất kỳ hạn 12 tháng từ 7,4%/năm xuống còn 7,2%/năm.

Tương tự, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cũng giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng từ 7,2%/năm xuống còn 7%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 1-2 tháng tại Agribank hiện là 4,6%/năm và các kỳ hạn từ 3-5 tháng là 5,1%/năm.

Không riêng Vietcombank hay Agribank, lãi suất huy động tại một số ngân hàng khác cũng giảm từ 0,1-0,3%/năm.

Tại VietinBank, lãi suất huy động tại các kỳ hạn 1-5 tháng đồng loạt giảm 0,3 điểm % so với trước đó. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn từ 1 đến dưới 3 tháng giảm từ 4,9%/năm xuống 4,6%/năm; kỳ hạn từ 2 đến dưới 6 tháng giảm từ 5,4%/năm xuống 5,1%/năm; các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên không thay đổi.

Tại VPBank, lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn trên 12 tháng đồng loạt giảm 0,2 điểm %. Trong đó, lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 12-13 tháng chỉ còn 8%/năm, kỳ hạn 15 - 36 tháng giảm về 7,2%/năm khi khách hàng gửi tiết kiệm online. Nếu khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất cao nhất rơi vào các kỳ hạn 8 tháng, 9 tháng, với mức 8%/năm.

Tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), lãi suất huy động từ 6 tháng trở lên giảm từ 0,1-0,2%/năm đưa mức lãi suất cao nhất về còn 7,8%/năm, dành cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm trực tuyến.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) cũng giảm 0,3%/năm đối với lãi suất huy động các kỳ hạn 6, 12 và 13 tháng, cao nhất còn 8,7%/năm.

Chung xu hướng, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa tiến hành giảm 0,2%/năm các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện mức lãi suất cao nhất đang được Techcombank áp dụng là 7,6%/năm, dành cho khách VIP1 gửi số tiền từ 3 tỷ đồng trở lên.

Từ 12/5, MSB cũng giảm 0,3 điểm % lãi suất huy động ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Tương tự, từ ngày 10/5, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) giảm từ 0,4-1,2%/năm với các kỳ hạn trên 6 tháng.

Trước đó, trong cuộc họp với Thủ tướng hồi cuối tháng 4, các ngân hàng có vốn nhà nước đã cam kết đồng thuận với chủ trương của Chính phủ và NHNN trong việc giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian tới.

Hồi đầu tháng 4, sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành, nhóm Big4 cũng đã đồng loạt giảm lãi suất huy động với mức cao nhất dành cho hình thức gửi tiền tại quầy chỉ còn 7,2%/năm.

Lãi suất thêm 1 đợt giảm mạnh, lộ trình từ đỉnh 10% xuống dưới 8% - Ảnh 1

Lãi suất tiết kiệm từ 10% giảm xuống dưới 8%

Gần đây, lãi suất huy động trên thị trường đã ghi nhận xu hướng giảm rõ rệt. Trong đó, lãi suất tiền gửi của nhóm ngân hàng tư nhân ngày càng nới rộng đà giảm trong khi lãi suất nhóm ngân hàng quốc doanh giảm thấp hơn.

Từ chỗ neo lãi suất huy động ở mức cao, từ đầu tháng 2 đến nay, các ngân hàng phải liên tục giảm lãi suất, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành vào ngày 15/3 và 3/4. So với giai đoạn cao điểm hồi đầu năm, lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5-2% ở tất cả kỳ hạn.

Khảo sát biểu lãi suất huy động của hơn 30 ngân hàng trong sáng 13/5 cho thấy, mức lãi suất cao nhất đang được các ngân hàng niêm yết cho kỳ hạn 12 tháng là 8,8%/năm, được ghi nhận tại ABBank. Mức lãi suất trên 8,5% cũng chỉ còn 2 ngân hàng áp dụng là Viet A Bank (8,7%/năm) và VietBank (8,6%/năm).

Đáng chú ý, một nửa trong các ngân hàng đã giảm lãi suất huy động 12 tháng xuống dưới mức 8%/năm.

Trong giai đoạn cao điểm hồi giữa tháng 1, hầu hết ngân hàng tư nhân đều niêm yết lãi suất từ 9%/năm trở lên cho kỳ hạn 12 tháng, thậm chí một số ngân hàng tư nhân nhỏ còn nâng lãi suất tiết kiệm lên 10-12%/năm.

Thời gian tới, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được dự báo sẽ tiếp tục giảm do cầu tín dụng yếu và định hướng điều hành của NHNN.

NHNN cho biết sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp chính sách, một mặt hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất, mặt khác điều hành để tạo thanh khoản ổn định, tạo niềm tin vững chắc cho thị trường trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế với lãi suất cho vay hợp lý, tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi nền kinh tế.

Số liệu từ NHNN cho biết các khoản tiền gửi mới bình quân có mức lãi suất từ 6-6,1%/năm (cộng tất cả các kỳ hạn chia bình quân), còn lãi suất cho vay từ 9-9,2%/năm.

Các chuyên gia cho rằng thời điểm này vẫn còn dư địa để các ngân hàng giảm lãi suất trong thời gian tới, thậm chí là ngay quý II/2023.

Nhiều người kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm trong tháng này, kéo theo lãi suất cho vay cũng sẽ hạ.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, với đà giảm lãi suất huy động như hiện nay thì thời điểm lãi suất cho vay giảm mạnh có thể là ngay trong tháng này. Ông Thịnh kỳ vọng lãi suất trên thị trường trong nước sẽ giảm 1,5-2% cả ở huy động và cho vay vào thời điểm đầu tháng 5.

Đồng quan điểm, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect cho hay, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân hạ về mức 7%/năm trong năm nay bởi các lý do như nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm. Chính phủ thúc đẩy đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và NHNN có thể giảm thêm lãi suất điều hành nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đảo chiều chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2023.

Trong khi đó, một số lãnh đạo ngân hàng cho rằng, dư địa giảm lãi suất trong thời gian tới vẫn còn nhưng cũng cần tính toán hợp lý để vừa tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi người gửi tiền, tránh dòng tiền chảy sang các kênh đầu tư rủi ro.

Minh Dũng

Theo VietnamFinance