Lãi suất tiết kiệm giảm xuống mức hiếm có, thấp nhất dưới 3%/năm
Lãi suất tiết kiệm giảm rất nhanh, hiện chỉ bằng một nửa năm ngoái, mức cao nhất về quanh 6%/năm. Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đưa lãi suất huy động xuống thấp hơn nhóm cả Big4. Mức lãi suất 2% - thấp chưa từng có đã xuất hiện.
Thị trường lãi suất tiết kiệm hiện nay hoàn toàn trái ngược so với cách đây 1 năm. Thời điểm này năm ngoái, các ngân hàng chạy đua huy động vốn. Lãi suất huy động năm ngoái có thời điểm lên tới 11-12% một năm.
Năm nay, lãi suất huy động liên tục đi xuống, mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm chỉ còn một nửa năm ngoái. Hiện hầu hết nhà băng đã đưa lãi suất niêm yết cao nhất về dưới 6% một năm. Có rất ít ngân hàng trả lãi từ 6% một năm trở lên.
Lãi suất tiết kiệm bắt đầu giảm nhanh và dồn dập từ tháng 4. Hiện lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn đã về thấp hơn giai đoạn Covid-19. Song đà giảm vẫn chưa dừng lại.
Tính từ đầu tháng 11 đến ngày 7/11, đã có 9 ngân hàng giảm lãi suất huy động là Sacombank, NCB, VIB, BaoVietBank, Nam A Bank, VPBank, VietBank, SHB, Techcombank. Thị trường xuất hiện xu hướng các ngân hàng tập trung giảm lãi suất kỳ hạn ngắn.
Các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối (bao gồm 4 ngân hàng Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank) tiếp tục giảm lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng xuống mức thấp, mức lãi suất 2% đã xuất hiện.
Vietcombank mới đây giảm thêm 0,2% lãi suất tiết kiệm tiền đồng ở tất cả kỳ hạn. Theo đó, tại nhà băng này, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1, 2 tháng xuống còn 2,8%/năm, 3 tháng còn 3,1%/năm, 6 tháng còn 4,1%/năm, 12 tháng trở lên còn 5,1%/năm.
Trong khi đó, 3 ngân hàng trong nhóm Big 4 giữ nguyên lãi suất ở mức 3%/năm đối với kỳ hạn 1 - 2 tháng, 3 - 5 tháng ở mức 3,3%, 6 tháng ở mức 4,3%, 12 tháng trở lên ở mức 5,3%.
Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục điều chỉnh nhẹ lãi huy động vào những ngày đầu tháng 11. VIB giảm 0,1% lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 - 3 tháng còn 3,8%/năm, kỳ hạn 3 - 5 tháng còn 4%/năm, 6 - 8 tháng còn 5,1%/năm. VPBank giảm lãi suất huy động ở những kỳ hạn dưới 6 tháng từ 0,15-0,2%...
Ngay cả những ngân hàng có mức lãi suất cao ngất ngưởng trước đây thì nay cũng đã giảm về mức rất thấp. Đơn cử, SCB huy động lãi suất 4,5%/năm ở kỳ hạn dưới 6 tháng, 6 tháng ở mức 5,3%/năm , 12 tháng trở lên về mức 5,6%/năm. Saigonbank huy động với lãi suất dưới 4%/năm ở các kỳ hạn dưới 5 tháng, 6 tháng ở mức 5,2%/năm, 12 tháng còn 5,6%/năm.
Lãi suất huy động của Sacombank, MB, ACB bám sát nhau ở các kỳ hạn. Trong đó, kỳ hạn 1 tháng về mức 3,6%/năm, 3 tháng còn 3,8%/năm, 6 tháng ở mức 5,2%/năm,…
Trong bối cảnh ngành ngân hàng rơi vào cảnh thừa tiền, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã đưa lãi suất huy động xuống thấp hơn cả nhóm Big 4 nhằm giúp giảm chi phí vốn.
Hiện có hai nhà băng là SeABank và ABBank công bố mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng dưới mức trung bình của nhóm Big 4.
Tại kỳ hạn 24 tháng, có 3 ngân hàng là VPBank, SeABank và ABBank đưa ra mức lãi suất thấp hơn Vietcombank. Ở kỳ hạn 12 tháng, những ngân hàng này cũng có mức lãi suất thấp nhất, dưới cả Vietcombank.
Ở kỳ hạn 6 tháng, VietBank là ngân hàng duy nhất đưa ra mức lãi suất thấp hơn trung bình của nhóm Big4 và ngang bằng với Vietcombank, đạt 4,1%/năm.
Tại kỳ hạn 1 tháng, lãi suất trung bình là 3,82%/năm. Kỳ hạn 3 tháng lãi suất trung bình là 3,99%/năm. Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất trung bình là 5,09%. Mức lãi suất cho kỳ hạn 12 tháng tại tất cả ngân hàng đồng loạt xuống dưới 6%/năm và đạt trung bình là 5,55%/năm. Với kỳ hạn dài như 24 tháng, các ngân hàng vẫn đưa ra mức lãi suất trung bình đạt 5,83%/năm.
Tín dụng khó cho vay cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, kéo lãi suất huy động xuống đáy.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 27/10, tăng trưởng tín dụng so với cuối năm 2022 đạt 7,1%. Vào đầu tháng 10, tăng trưởng tín dụng giảm xuống 6,29% sau khi đạt được 6,92% vào cuối tháng 9. Hiện tăng trưởng tín dụng vẫn thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều ngân hàng đang đối mặt với tình trạng "thừa tiền", huy động được nguồn vốn đắt đỏ nhưng không thể cho vay kịp, khiến kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng. Tình trạng trên đã được phản ánh trong báo cáo tài chính quý III của nhiều ngân khi thu nhập lãi thuần suy yếu.
Để cải thiện tình trạng thừa tiền, các ngân hàng vừa hạ lãi suất cho vay vừa giảm lãi suất tiền gửi để giúp chi phí vốn đi xuống, thúc đẩy nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp, người dân.