Lãi suất vay mua nhà thấp nhưng vì sao người mua nhà vẫn “thờ ơ”, chưa “xuống tiền”?

Một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến người dân không mặn mà vay vốn mua nhà là mức giá bất động sản vẫn ở mức quá cao, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

 

Lãi suất vay mua nhà thấp nhưng vì sao người mua nhà vẫn “thờ ơ”, chưa “xuống tiền”? - Ảnh 1

Lãi suất vay mua nhà thấp nhất 1 năm

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối quý 3/2024, tín dụng bất động sản đạt 3,15 triệu tỷ đồng, đã tăng thêm 9,15% so với đầu năm. Trong đó, phần dư nợ tín dụng bất động sản với mục đích tự sử dụng đạt 1,88 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 4,62%; dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tăng hơn 16%, đạt 1,26 triệu tỷ đồng.

Theo các chuyên gia kinh tế, sự phục hồi của thị trường bất động sản và lãi suất cho vay ở lĩnh vực này từ đầu năm đến nay khá “dễ thở” là yếu tố khiến tín dụng bất động sản tăng.

Khảo sát từ các ngân hàng thương mại cho thấy, lãi suất cho vay mua nhà của một số ngân hàng có xu hướng giảm và được đánh giá là thấp nhất kể từ đầu năm 2024. Đơn cử như tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất cho vay mua nhà được ưu đãi từ 5,4%/năm, thời hạn vay không quá 12 tháng; lãi suất từ 5,5%/năm cố định trong 1 năm hoặc 6% cố định trong 2 năm, thời hạn vay tối đa 30 năm. Sau thời gian ưu đãi, Vietcombank tính lãi suất cho vay bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cộng với 3,5% (hiện nay lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng là 4,6%/năm).

Tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), khách hàng có nhu cầu vay mua nhà được lựa chọn các gói lãi suất như cố định 6,0%/năm trong 12 tháng đầu; cố định 6,2%/năm trong 18 tháng, cố định 6,7%/năm trong 24 tháng đầu, hoặc cố định 8,2%/năm trong 36 tháng đầu. Biên độ lãi suất sau ưu đãi là 3,5%, hiện tại lãi suất thả nổi của VietinBank rơi vào khoảng 9%/năm.

Đối với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), mức lãi suất vay mua nhà danh cho khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội được nhà băng này áp dụng tối thiểu là 5%/năm cố định trong 6 tháng đầu tiên với kỳ hạn 36 tháng; hoặc 5,5%/năm trong 12 tháng đầu tiên với kỳ hạn 60 tháng. Đối với khách hàng tại các địa phương khác, mức lãi suất vay mua nhà tối thiểu là 6%/năm cố định trong 24 tháng hoặc 7%/năm trong 36 tháng đầu tiên.

Với Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), lãi suất cho vay mua/xây sửa nhà đang được áp dụng 0% cố định trong 3 tháng đầu; 6,6% cố định trong 12 tháng đầu; 7,6% cố định trong 24 tháng đầu; 8,6% cố định trong 36 tháng đầu. Sau ưu đãi là lãi suất “thả nổi”, hiện tại rơi vào khoảng 11,4%.

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV dẫn chứng, tính đến hết tháng 9, dư nợ tín dụng bất động sản đạt 3,15 triệu tỷ đồng, chiếm gần 21% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, cho vay kinh doanh bất động sản tăng 16%, còn cho vay mua nhà ở chỉ tăng 4,6%. Mặc dù cải thiện so với năm ngoái, nhưng mức tăng này vẫn thấp.

"Diễn biến cho thấy nhu cầu vốn đang tập trung vào phía cung thị trường, tức các nhà phát triển, đầu tư bất động sản. Trong khi đó, người dân ít có nhu cầu vay mua nhà đất", ông Cấn Văn Lực dẫn chứng.

Cần phải bình ổn giá nhà

Nhận định về diễn biến của dòng tín dụng cho vay mua nhà, các chuyên gia cho rằng, sự tăng trưởng tín dụng toàn ngành vẫn phụ thuộc phần lớn vào lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là nhu cầu vay mua nhà. Tuy nhiên, giá nhà leo thang trong thời gian qua đã khiến người dân e ngại vay mua nhà. Dù lãi suất cho vay đã giảm song vẫn ở mức khá cao.

Theo các chuyên gia, mặc dù mức lãi suất vay mua nhà hấp dẫn, song người vay cần lưu ý bởi mức ưu đãi này chỉ áp dụng trong ngắn hạn, hết thời gian ưu đãi sẽ thả nổi theo lãi suất thị trường. Do đó, bên cạnh việc so sánh lãi suất vay mua nhà các ngân hàng để lựa chọn gói vay phù hợp, người mua hãy cân nhắc kỹ về dòng tiền và khả năng trả nợ.

TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định rằng, việc giảm lãi suất cho vay mua nhà có thể mang lại lợi ích ngắn hạn, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân. Tuy nhiên, ông Đính nhấn mạnh rằng đây chưa phải là giải pháp toàn diện để giải quyết triệt để vấn đề sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Nguyên nhân chính vẫn là giá nhà quá cao so với thu nhập của người dân, cùng với sự thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội và các gói hỗ trợ chưa thực sự phát huy hiệu quả. Theo ông Đính, để đảm bảo khả năng chi trả nợ vay mua nhà và đáp ứng chi phí sinh hoạt hàng tháng, mỗi gia đình cần có thu nhập tối thiểu từ 40 - 50 triệu đồng.

Bộ Xây dựng cho biết, một trong những nguyên nhân khiến giá bất động sản, nhà ở thương mại tại một số đô thị lớn tăng cao trong thời gian qua là do biến động tăng đối với chi phí liên quan đến đất đai gần đây cũng như tác động khi áp dụng phương pháp tính và bảng giá đất mới. Đặc biệt tại một số địa phương, khu vực có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm.

An Nhiên

Theo Chất lượng và cuộc sống