Hàng loạt ‘ông lớn’ địa ốc tìm về Đắk Nông đầu tư nhiều dự án tỷ đô: Novaland, Sovico, Hòa Phát,...đều góp mặt

Thời gian qua, Đắk Nông đón hàng loạt tập đoàn bất động sản lớn tìm về đầu tư các dự án hàng tỷ USD. Đáng chú ý là các dự án của Tập đoàn Novaland, Sovico, Hòa Phát, Đạt Phương, Hóa chất Đức Giang,…

Đắk Nông: Cú hích từ quy hoạch hạ tầng

Đắk Nông là một tỉnh nằm ở phía Tây Nam của Tây Nguyên. Trong những năm gần đây, tỉnh Đăk Nông đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, đồng thời tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch để thu hút đầu tư vào các khu du lịch.

Vừa qua, tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết nhấn mạnh tới việc ưu tiên phát triển các dự án kết nối hạ tầng giao thông phù hợp với quy hoạch, có tính kết nối, lan tỏa.

Tỉnh ưu tiên các dự án đầu tư theo hình thức PPP để kết nối hạ tầng giao thông. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, đầu tư đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành dài khoảng 140km.

Liên quan đến dự án này, mới đây, Thường trực Tỉnh uỷ Đắk Nông và Thường trực Tỉnh uỷ Bình Phước tổ chức hội nghị phối hợp triển khai thực hiện Dự án cao tốc Đắk Nông – Chơn Thành. Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười thống nhất cao về hướng tuyến mà tỉnh Bình Phước đề xuất và thống nhất việc lập vùng nguyên, vật liệu để mở đường cao tốc. Cụ thể, đoạn qua Đắk Nông dự kiến từ Gia Nghĩa đến Bình Phước, có chiều dài khoảng 37,7 km. Các hướng tuyến cao tốc đi qua địa bàn Đắk Nông đều được thông báo quy hoạch, giao cho các ngành chức năng quản lý mặt bằng.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh khẳng định, tuyến đường cao tốc Đắk Nông – Chơn Thành có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của mỗi địa phương và cả Khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Do vậy, ông yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, nhất là huyện Đắk R’lấp và TP Gia Nghĩa kết nối để giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi khi dự án đi vào triển khai trong thời gian sớm nhất. Sau cuộc họp này, UBND 2 tỉnh có công văn thống nhất để báo cáo Bộ Giao thông vận tải đề xuất Trung ương triển khai dự án trong thời gian sớm nhất.

Đắk Nông đang có sự chuyển mình mạnh mẽ về quy hoạch hạ tầng giao thông.  
Đắk Nông đang có sự chuyển mình mạnh mẽ về quy hoạch hạ tầng giao thông.  

Tỉnh cũng có chủ trương lập Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Đắk Nông – Chơn Thành (Bình Phước) nối với tuyến đường sắt xuyên Á xuống cảng Thị Vải (tuyến Đăk Nông – Chơn Thành – Dĩ An – Lộc Ninh đến cảng Thị Vải) phục vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa, nhất là bô xít và các sản phẩm từ ngành công nghiệp alumin, nhôm…

Mới đây, tỉnh còn đẩy nhanh tiến độ dự án nâng cấp tỉnh lộ 3. Đây được xem là tuyến đường huyết mạch, kết nối huyện Đắk Mil với huyện Krông Nô, đi qua địa bàn các xã Đắk Sắk, Đức Minh, Long Sơn (Đắk Mil) và Nam Xuân, Đắk Sôr (Krông Nô) với các tỉnh thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nhiều ‘ông lớn’ bất động sản tìm về đầu tư

Với cú hích mạnh từ quy hoạch hạ tầng, đồng thời Đắk Nông cũngchú trọng đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư tìm về làm dự án tại địa phương đã thu hút sự chú của nhiều doanh nghiệp lớn trên cả nước.

Thời điểm tháng 5/2021, Tập đoàn T&T và lãnh đạo UBND TP Gia Nghĩa đã tổ chức lễ công bố đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị du lịch sinh thái Hồ Đắk R’Tih. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 2 tỷ USD.

Theo đó, dự án được phân chia theo 7 phân khu chức năng, dự kiến sẽ hình thành các công trình hạ tầng trọng điểm, các khu nghỉ dưỡng, công trình công cộng. Dự án có quy mô hơn 1.725 ha, bao gồm phần đất liền thuộc các phường Quảng Thành, Nghĩa Phú, xã Đắk R’Moan và phần mặt nước hồ thủy điện Đắk R’Tih thuộc xã Đắk R’Moan, TP Gia Nghĩa. Việc phê duyệt và công bố rộng rãi đồ án quy hoạch sẽ góp phần gắn kết phát triển không gian theo quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030.

Đến đầu năm 2022, UBND tỉnh Đắk Nông cũng tổ chức cuộc họp nghe báo cáo ý tưởng quy hoạch khu vực hồ Tà Đùng. Trên cơ sở ý kiến góp ý của lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành tại cuộc họp, Sở Xây dựng tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với Liên danh CTCP tập đoàn đầu tư địa ốc Nova và Công ty đầu tư Đất Tâm nghiên cứu tiếp thu và hoàn thiện ý tưởng quy hoạch khu phức hợp này. Khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf Tà Đùng Đắk Nông trải rộng trên diện tích khoảng 23.500 ha với 7 phân khu lấy ý tưởng từ 7 vị thần.

Hay như việc Tập đoàn Hòa Phát đã đề xuất đầu tư các dự án gồm: dự án Alumin, công suất 2 triệu tấn Alumin /năm; nhà máy tuyển quặng công suất 5 triệu tấn/năm; địa điểm xây dựng nhà máy tuyển thuộc địa phận xã Đắk D’rung, Nhà máy Alumin và Nhôm tiếp giáp 2 xã Nâm N’Jang và Trường Xuân (huyện Đắk Song). Ngoài ra, Tập đoàn Hoà Phát cũng đề xuất dự án Điện phân nhôm, công suất 0,5 triệu tấn/năm và dự án Nhà máy Điện gió Hòa Phát công suất 1.500 MW xây dựng tại huyện Đắk Song và Tuy Đức.

Tổng kinh phí đầu tư của tổ hợp các dự án trên là khoảng 4,3 tỷ USD. Theo tính toán của Tập đoàn Hòa Phát, dự án tổ hợp Nhà máy tuyển Bô xít – Điện phân nhôm và Nhà máy Điện gió công suất 1.500 MW tại Đắk Nông khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 3.000 tỷ đồng/năm và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Đắk Nông đón nhiều ‘ông lớn’ bất động sản tìm về đầu tư.  
Đắk Nông đón nhiều ‘ông lớn’ bất động sản tìm về đầu tư.  

Thời điểm tháng 4/2022, UBND tỉnh Đắk Nông đã có buổi làm việc với CTCP Tập đoàn Việt Phương để nghe báo cáo phát triển các dự án trên địa bàn Đắk Nông. Đó là dự án tổ hợp bôxit – alumin – nhôm Đắk Glong diện tích 600 ha nằm trên địa bàn H.Đắk Glong, quy mô 2 triệu tấn alumin/năm; 600.000 tấn nhôm/năm; 7 dự án điện gió thuộc huyện Tuy Đức, huyện Đắk Song và huyện Đắk Glong, tổng công suất là 690 MW; Khu công nghiệp Nhân Cơ 2 diện tích 400 ha tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp; và tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng với quy mô 30 lô biệt thự, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại tọa lạc tại TP Gia Nghĩa.

Theo tính toán của CTCP Tập đoàn Việt Phương, 4 dự án triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Nông mang lại giá trị kinh tế và an sinh xã hội rất lớn, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Riêng dự án tổ hợp bôxít – alumin- nhôm Đắk Glong và 7 dự án điện gió khi đi vào hoạt động sẽ mang lại lợi nhuận cho tập đoàn khoảng 5.100 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách địa phương 2.100 tỷ đồng/năm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Đắk Nông.

Đáng chú ý nhất có lẽ là Tập đoàn Sovico đã đề xuất đầu tư 7 dự án khủng với tổng diện tích trên 30.000ha.

Cụ thể các dự án được Sovico đề xuất gồm:

Khu công nghiệp chế biến Aluminium, hạ tầng, kỹ thuật cho ngành hàng không: Phối hợp để tạo thành Khu công nghiệp liên hoàn từ chế biến quặng thô đến thành phẩm đầu cuối là sản phẩm tiêu dùng cho ngành công nghiệp xây dựng, tiêu thụ dân dụng; Kết hợp hoạt động khai thác, sản xuất Alumina, điện phân, chế tạo thành phẩm cho các ngành công nghiệp và tiêu dùng.

Thuê môi trường rừng: Tín chỉ carbon, Y tế, Du lịch Inbound, Dược liệu và Xuất nhập khẩu cây cảnh…

Khu đô thị sinh thái bảo tồn đa dạng văn hoá và đa dạng sinh học tại Tây Nguyên theo công ước UNESCO (khu vực Tà Đùng): Khu đô thị sinh thái thông minh; các chuỗi sản phẩm du lịch vui chơi giải trí hồ đảo; vui chơi giải trí cụm thác dưới tán rừng; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch sinh thái kết hợp lưu trú nghỉ dưỡng trong rừng nguyên sinh và du lịch tín ngưỡng; bảo tồn đa dạng sinh học, đa dạng văn hoá, không chất thải và zero carbon.

Khu biệt thự cao cấp sân golf 54 hố: Mục đích trở thành điểm đến chơi golf tại khu vực Châu Á, kết hợp vui chơi giải trí, nghỉ ngơi, thư giãn cho các chuyên gia quốc tế làm việc tại Đắk Nông, dần trở thành điểm thu hút kháeh du lịch trong và ngoài nước.

Khu đô thị Smart City Đắk Nông: tạo thành một chuỗi các dự án liên hoàn, liên kết; kết nối các khu đô thị, các khu công nghiệp, tạo ra sản phẩm khác biệt, thu hút các nhà đầu tư các khu vực khác đến với Đắk Nông.

Khu đô thị Logistic Sân bay Đắk Nông (Nhân Cơ): Thúc đẩy giao thương, tạo đột phá phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nâng cao việc trao đổi hàng hóa giữa các khu vực trong cả nước và kết nối toàn cu; tạo động lực để ngành du lịch phát triển.

Khu thương mại dịch vụ hỗn hợp và khách sạn 5 sao: Cung cấp các dịch vụ chất lượng cao về lưu trú, trung tâm thương mại và giải trí cao cấp nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, du khách đến với Đắk Nông, đồng thời đáp ứng nhu cầu tổ chức sự kiện của tỉnh và khu vực, hình thành khu thương mại phức hợp được bố trí tập trung, liên hoàn giữa Trung tâm thành phố Gia Nghĩa.

Về đề xuất này, ngày 18/4, UBND tỉnh Đắk Nông cũng có văn bản chỉ đạo các Sở ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh.

Mới đây nhất, CTCP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang đã có có báo cáo nhanh với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông về kết quả nghiên cứu, khảo sát một số dự án trên địa bàn tỉnh. Địa phương này trước đó đã đồng ý cho DGC nghiên cứu, khảo sát vị trí mỏ bô xít tại huyện Tuy Đức và huyện Đắk Song, xây dựng nhà máy chế biến Alumin tại xã Thuận Hà và Thuận Hạnh (Đắk Song).

Chủ tịch HĐQT DGC Đào Hữu Huyền cho biết, dự án Tổ hợp Nhôm – Đắk Nông có quy mô khai thác khoảng 14,4 triệu tấn quặng bô xít/năm và 3 nhà máy tuyển quặng với công suất 5,8 triệu tấn quặng tinh/năm. Tổng mức đầu tư toàn dự án là 57.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, DGC cũng nghiên cứu đầu tư dự án Nhà máy sản xuất phân bón Đức Giang – Đắk Nông với tổng vốn đầu tư 300 tỉ đồng. Nhà máy này sẽ sản xuất phân bón NPK với công suất 200.000 tấn/năm và sản xuất phân bón Kali Sunphat với công suất 4.800 tấn/năm.

Minh Đức

Theo Kinh doanh & Phát triển