Làm gì với Cung Thiếu nhi Hà Nội: Không được động 'đất vàng'

KTS.TS Đào Ngọc Nghiêm khẳng định, Cung Thiếu nhi là một di sản văn hóa, không thể chuyển đổi mục đích sử dụng.

Ngày 15/3, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hoá - xã hội TP Hà Nội đã tổ chức Lễ động thổ xây dựng Cung Thiếu nhi mới tại Khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

 Theo kế hoạch đề ra, Cung Thiếu nhi Hà Nội mới tại Khu đô thị Cầu Giấy sẽ được hoàn thành vào năm 2024. Trong khi đó, Cung Thiếu nhi cũ tại mặt đường phố Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) với diện tích hơn 8.000m2 vẫn được sử dụng thông thường cho đến khi vị trí mới sẵn sàng đưa vào hoạt động.

Trả lời trên báo chí Hà Nội sẽ làm gì với 'đất vàng' mặt đường phố Lý Thái Tổ sau khi Cung Thiếu nhi mới tại Cầu Giấy được hoàn thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết thành phố vẫn chưa có kế hoạch cụ thể đối với Cung Thiếu nhi cũ. Hiện tại, các phương án sử dụng đang được Hà Nội cân nhắc kỹ lưỡng.

Trao đổi với Đất Việt, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội  khẳng định, việc xây dựng Cung Thiếu nhi mới là là cần thiết. Từ năm 2005, vấn đề này đã được đặt ra sau khi Hà Nội khảo sát Cung Thiếu nhi cũ và thấy nó không đủ tầm vóc để đáp ứng nhu cầu vui chơi của thiếu nhi Thủ đô nữa vì quá chật hẹp, cơ sở hạ tầng xuống cấp.

Bởi vậy, lúc đó thành phố đã đề cập đến việc xây dựng Cung Thiếu nhi mới, và Sở Quy hoạch-Kiến trúc có giới thiệu địa điểm đặt Cung Thiếu nhi mới. Trung tâm mới sẽ đáp ứng yêu cầu tương đối đa dạng của thiếu nhi Thủ đô, kể cả giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao...

Cung Thiếu nhi Hà Nội đã tồn tại hơn nửa thế kỷ  
Cung Thiếu nhi Hà Nội đã tồn tại hơn nửa thế kỷ  
 

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là Cung Thiếu nhi cũ, hơn 8000m2 ở quận Hoàn Kiếm, nơi được ví như đất vàng, đất kim cương, sẽ được sử dụng như thế nào? Trả lời câu hỏi này, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết có nhiều ý kiến khác nhau, song ông khẳng định quan điểm, không có chuyện chuyển đổi diện tích đất này, xây chung cư hay nhà cao tầng bởi đây là công trình phúc lợi xã hội.

Không có chuyện chuyển đổi đất vàng, đất vàng, không ai dám động đến di sản này, Bác hồ đã từng đến nơi này

"Khả năng chuyển đổi Cung Thiếu nhi cũ không hợp lý vì bản thân Cung Thiếu nhi là một di sản đô thị, một minh chứng về sự quan tâm của Thành phố và Trung ương đối với thiếu nhi. Đặc biệt, trong khu vực này vẫn còn một biệt thự nơi Hồ Chủ tịch cùng đại diện Chính phủ Pháp ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946.

Vì lẽ đó, không ai dám động đến di sản này. Phải giữ nguyên Cung Thiếu nhi cũ, với chức năng như cũ. Tuy nhiên, với tầm vóc cũng như mối liên kết với xung quanh, đó sẽ chỉ là Cung Thiếu nhi cho một khu vực nhất định, chẳng hạn cho một trung tâm đô thị hay cho một số quận xung quanh, chứ không thể gọi là Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Trong quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, đối với khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm vẫn giữ Cung Thiếu nhi cũ, vẫn mang chức năng là nơi sinh hoạt của thiếu nhi nhưng không phải mang tầm vóc của thành phố nữa mà chỉ là của một khu vực nhất định", KTS Đào Ngọc Nghiêm nói rõ.

Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội nhấn mạnh, vấn đề này đã được đưa ra bàn từ lâu và nhiều lần. Đa số ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học đều tán thành ý tưởng trên. Riêng chuyện sắp tới hơn 8000m2 trên đường Lý Thái  Tổ là Cung Thiếu nhi của khu vực nào thì chưa xác định.

Thời Pháp thuộc, Cung Thiếu nhi mang tên Ấu Trĩ Viên (vườn trẻ). Từ ngày tiếp quản Thủ đô (1954) đến nay, toà nhà vẫn được sử dụng để phục vụ cho thiếu niên, nhi đồng.

Năm 1974, Tiệp Khắc (cũ) đã giúp đỡ Hà Nội xây dựng toà nhà 6 tầng với diện tích sàn hơn 10.000m2, gồm 100 phòng học, phòng sinh hoạt. Năm 1985, công trình được cải tạo, nâng cấp thành Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Trong quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cổ (do UBND TP Hà Nội ban hành năm 2015), quần thể xung quanh toà nhà Ấu Trĩ Viên được yêu cầu bảo vệ nguyên trạng.

Trong khi đó, Cung Thiếu nhi mới của Hà Nội được xây dựng trên lô đất thuộc khu Công viên và hồ điều hòa CV1, khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm là một vị trí rất thuận lợi về giao thông, là địa bàn thích hợp để xây dựng công trình.

Công trình khi hoàn thành sẽ kết nối với các công trình kiến trúc xung quanh, tạo cảnh quan hài hòa với khu vực công viên hồ điều hòa CV1.

Dự án xây dựng Cung Thiếu nhi Hà Nội có tổng mức đầu tư 1.376 tỷ đồng và dự kiến được hoàn thành vào năm 2024.

Dự án được thực hiện trên diện tích là 39.631m2, trong đó, diện tích xây dựng 10.280m2, với các hạng mục như: nhà hát khoảng 800 chỗ; rạp chiếu phim 3D-4D 200 chỗ; nhà thi đấu khoảng 500 chỗ - bể bơi 10 làn bơi; nhà học và thư viện; tháp thiên văn và khối hành chính - văn phòng; hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ theo quy hoạch xây dựng đã được duyệt…

Thành Luân

Theo Đất Việt