Làm giàu xong, làm gì tiếp?

Đạt được thành công tài chính chỉ là bước khởi đầu. Hành trình ý nghĩa sau khi làm giàu: từ thiện, đầu tư, theo đuổi đam mê hay tận hưởng cuộc sống?

Sự giàu có và làm giàu là khát vọng muôn đời của nhân loại, nó không những ở một cá nhân, gia đình mà còn là câu chuyện của quốc gia. Nhưng trong khuôn khổ bài này, tôi chỉ muốn đề cập đến cái sự “giàu”, “làm giàu” chân chính bằng bàn tay, khối óc của mình trong ý nghĩa vật chất của một cá nhân, gia đình thôi.

Giàu là sự sở hữu các vật chất và tài sản có giá trị. Hay nói một cách trực quan hơn như thế này: Giàu là có nhiều tiền và tài sản có giá trị quy được ra tiền!

Bởi thế trên thế giới hiện nay, người ta còn lập hẳn ra mức được coi là giàu: Người có tổng tài sản trị giá 15 triệu bảng Anh trở nên được coi là người giàu. Còn người sở hữu tài sản từ 100 triệu bảng Anh trở lên được coi thuộc giới “siêu giàu”.

Giàu có, thực sự là một trạng thái thoải mái về vật chất và tinh thần. Người giàu, rõ ràng họ có thể làm chủ được cuộc sống của mình mà hầu như không phụ thuộc vào khách quan. Bởi thế, có ông tỷ phú lừng danh thế giới đã từng nói, làm giàu là để được tự do! Không phải là không có lý. Nên từ xưa đến nay, có thể nói tuyệt đại đa số con người ta đều có ước vọng làm giàu. Bởi sâu xa đó là ước vọng được tự do. Tự do ai mà không thích? Giàu rồi, nhiều tiền của rồi, người ta có thể làm nhiều việc theo ý thích của bản thân: Thật là một trạng thái hạnh phúc! Thế nhưng có ước vọng là một chuyện, còn làm giàu thành công hay không lại là chuyện khác. Mà đa số trong cuộc đời này mấy ai đã thành công trong khát vọng làm giàu? Đa số chỉ bằng lòng với cuộc sống bình bình, bởi ai ra đời lăn lộn kiếm ăn rồi mới hiểu, nhiều khi sự thành công còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nhưng có một yếu tố không thể bỏ qua khi giải thích một ai đó làm giàu thành công là, “số phận”!

Làm giàu xong, làm gì tiếp? - Ảnh 1

Từ xa xưa, các cụ nhà ta có câu: “Số giàu mang đến dửng dưng/ Lọ là con mắt tráo trưng cũng giàu”. Ngày nay với tư duy logic lý tính, chúng ta thấy thực ra không phải vậy. Cái số phận, số giàu thực ra là có thực. Nhưng hình như nó chính là phẩm chất của người giàu được đấng tối cao ban cho ngay trong “bộ gen” của họ khi mới hoài thai. Nên từ thượng cổ đến nay, ta sẽ luôn thấy người giàu có vượt lên tất cả là những người có biệt nhãn khác thường. Họ luôn nhìn ra cơ hội làm giàu. Chắc đó mới là điều quyết định.

Nhưng được trời phú cho làm giàu, thu vén được một gia sản lớn rồi, những người giàu đó thường hay làm gì tiếp? Ở đây ta không bàn đến chuyện bọn giàu xổi, giàu do thừa kế, giàu do ăn cắp của công… Nói chung là giàu không tự thân. Thường thì những kẻ đó và hậu duệ rất dễ sa vào chuyện ăn chơi hưởng lạc và phá tán gia sản nhanh chóng. Ta quan tâm đến những người làm giàu thực sự từ bàn tay khối óc mình kia: Xây dựng nên cơ nghiệp giàu có rồi, họ sẽ làm gì tiếp?

Nhân năm nay là năm Ất Tỵ 2025, kỷ niệm lần thứ 800 vương triều Trần lên ngôi vào năm Ất Dậu 1225 (12/12 năm Ất Dậu, Đức vua mở triều Trần Cảnh - Trần Thái Tông được vợ là Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi). Ta cùng nhau khảo sát xem điều gì đã đưa nhà Trần, từ một gia đình giàu có vào hàng “phú gia địch quốc” ở Hải Ấp, phủ Long Hưng (nay là Hưng Hà, Thái Bình) tiến về Thăng Long xây dựng nên một vương triều hùng mạnh nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Dòng họ Trần sau khi di cư từ đất Mân Việt sang Việt Nam, mới đầu ở vùng Kinh Bắc. Sau đó chuyển cư về đất An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh. Nhưng đất An Sinh hẹp không có cơ hội phát triển, họ Trần lại chuyển cư tiếp xuống hương Tức Mặc, Nam Định. Họ Trần vốn có nghề chài lưới và buôn bán đường thuỷ nên đã thấy một bãi bồi mới nổi giữa ba con sông là sông Thái Bình, sông Luộc, sông Hồng, bèn chuyển cư về bãi bồi đó, lập lên Hải Ấp, chính là đất phủ Long Hưng xưa, nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Do ở vùng đất mới bồi phù sa tươi tốt và lại ở giữa ba con sông thuận lợi giao thương, nhiều tôm cá. Thuận lợi cho việc trồng cấy, đánh cá, buôn bán nên các thế hệ họ Trần nơi đây đã dần xây dựng Hải Ấp thành trù phú. Cho đến đầu thế kỷ XIII, Hải Ấp đã có tiếng vang lừng lẫy khắp Đại Việt là giàu có.

Đến khi loạn Quách Bốc xảy ra ở kinh thành Thăng Long (1209), Thái tử Sảm (tức Lý Huệ Tông sau này) xuôi theo sông Hồng chạy về nương nhờ Hải Ấp. Họ Trần đã bỏ tiền của ra chiêu mộ dân binh, đóng chiến thuyền mang quân đi dẹp loạn. Và họ Trần đã gia nhập chính trường Đại Việt thành công từ đó. Chỉ trong vòng 16 năm (từ 1209 đến 1225), họ Trần từ một gia đình giàu có của vùng duyên hải đã trở thành một vương triều nắm quyền cai trị toàn cõi Đại Việt. Tất nhiên để thành công như vậy, có nhiều yếu tố. Thế nhưng không ai phủ nhận được là nền tảng ban đầu chính là sự giàu có mà các thế hệ trong họ Trần đã xây đắp lên. Đây chính là nền tảng căn bản. Bởi chỉ có nhiều tiền của mới có thể chiêu binh mãi mã, mua lương thảo, đóng chiến thuyền mà tiến về Thăng Long lập nên nghiệp đế vương được. Đây cũng chính là tầm nhìn xa trông rộng của Đức ông Minh tự Trần Lý chủ Hải Ấp khi đó. Ngài đã nhìn ra ngay lập tức cơ hội, để sẵn sàng gả con gái yêu cho Hạo Sảm – Lý Huệ Tông, xuất hết tiền của ra làm việc lớn giúp nước. Giả sử lúc đó Trần Lý không có viễn kiến, bo bo giữ của làm giàu cho riêng họ nhà mình, không giúp Hạo Sảm hết lòng, thì làm sao có cơ nghiệp nhà Trần rực rỡ sau này cho con cháu ông? Một vụ “đầu tư” đích đáng!

Rõ ràng là bài học ở đây rút ra là: Khi giàu có rồi, có sản nghiệp lớn rồi, cần phải biết và dám dùng sản nghiệp đó vào những việc lớn, có ích hơn! Từ một sản nghiệp tưởng như đã là lớn nhất vùng, họ Trần đã đầu tư đúng lúc, đúng cách để từ một nhà giàu thành một vương triều, coi như “sở hữu” cả nước Đại Việt khi đó. Đó chẳng phải là kết quả của vụ “đầu tư” thắng lợi tuyệt đối sao?

Nhưng chuyện họ Trần xưa làm giàu rồi đem hết gia sản đầu tư thành nghiệp đế vương hơi xa. Chứ gần đây nhất có chuyện ngài Donald Trump bên Mỹ quốc, vừa thắng cử nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai vẫn đang nóng hổi. Vốn xuất thân từ một gia đình kinh doanh bất động sản, ngài xây dựng cơ nghiệp thành tỷ phú USD, dựng hẳn lên cả một “Đế chế Trump”. Trong tay sở hữu cơ man nào là tài sản, thương hiệu từ bất động sản đến vui chơi giải trí. Những tưởng với một đấng nam nhi, thế là thoả mãn tột đỉnh rồi. Nhưng đến năm ngoài bảy mươi tuổi, cái tuổi mà ở bên nước ta, đa số các ông đã ngồi thở vuốt râu nhâm nhi “nhân sinh thất thập cổ lai hi”, thì ngài Trump tuyên bố tranh cử ra làm tổng thống nước Mỹ để “phục vụ xã hội”, không nhận lương. Và năm 2016 thắng cử nhiệm kỳ một, nay lại vừa thắng cử nhiệm kỳ hai. Rõ ràng, vụ đầu tư vào chiếc ghế tổng thống của ngài Donald Trump là một vụ đầu tư mạo hiểm siêu kinh điển vô tiền khoáng hậu, đã chiến thắng đủ mọi nhẽ. Về mặt kinh tế, danh tiếng của “Đế chế Trump” rõ ràng sẽ lừng lẫy trên thương trường dài lâu. Dĩ nhiên đi theo danh tiếng sẽ là tiền của đổ về. Và danh tiếng của cá nhân ngài cũng lừng lẫy thêm nhiều. Tên tuổi ngài sẽ mãi lưu danh đậm nét trong sử sách nước Mỹ và thế giới. Vượt xa cái danh “tỷ phú USD”, giỏi lắm cũng chỉ có một dòng tên trong Forbes! 

Nhân nói chuyện ngài Donald Trump, không thể không nhắc đến một nhân vật lừng lẫy, người giàu nhất thế giới hiện nay, “người ngoài hành tinh”, đứng sau lưng ông Tổng thống Mỹ vừa đắc cử: Quý ông Elon Musk. Viết về ông này là không cần thiết, vì mọi thông tin về ông đang tràn ngập trên truyền thông từng giây một. Thế nhưng dư luận thế giới đều đồng tình nhận định, sự ủng hộ tuyệt đối của Elon Musk với Donald Trump, là một trong những yếu tố quyết định cho sự thành công trong kỳ tái cử vừa qua. Khi Donald Trump chính thức nắm quyền, Elon Musk đóng vai trò cực kỳ to lớn trong chính quyền này. Và các nhà tài phiệt chỉ biết đến tiền, những kẻ ăn theo hãy coi chừng: Cặp đôi siêu tỷ phú Donald Trump - Elon Musk điều hành nước Mỹ với tư duy “Phi lợi nhuận bản thân - Nước Mỹ hùng mạnh trên hết”, thì khó có đất kiếm ăn.

Trong những ngày Tết đến xuân về nhàn tản, đem chuyện làm giàu xong rồi đem tiền của đầu tư tiếp vào việc gì cho có lợi nhất, mà không nhắc chuyện ông Lã Bất Vi bên Tàu sẽ là khiếm khuyết. Ai cũng biết Lã Bất Vi xuất thân thương nhân nước Vệ (một trong những nước ở Trung Quốc cổ đại trước khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất) đã giàu có ức vạn. Nhưng nhớ lời cha dạy khi ông hỏi: “Buôn gì lãi nhất?”. “Buôn vua!”. Lã Bất Vi bèn đầu tư tiền của vào Doanh Chính khi đó đang phải khổ sở đi làm con tin bên ngoài. Và đây cũng là một vụ đầu tư kinh điển, chiến quả lẫy lừng. Doanh Chính nhờ có sự hỗ trợ của Lã Bất Vi mà lên làm hoàng đế, thống nhất Trung Hoa với vương hiệu Tần Thuỷ Hoàng Đế. Còn Lã Bất Vi trở thành tướng quốc Văn Tín Hầu. Không những đầu tư vào chính trị, doanh nhân khởi nghiệp tài ba Lã Bất Vi còn đầu tư vào văn hoá: Mời các học giả nổi tiếng trong thiên hạ đến cùng soạn bộ sách “Lã Thị Xuân Thu”, trong đó nhiều kiến thức đến nay người hiện đại đọc vẫn kính nể. Có thể nói sự nghiệp buôn vua, theo cách nói của người xưa. Còn theo cách nói của ngày nay đó là “vụ đầu tư” đúng của Lã Bất Vi, cũng đã thắng lợi rực rỡ và trở thành bài học kinh điển cho các thế hệ sau!

Sau khi điểm những câu chuyện kinh điển cổ kim, từ Đông sang Tây, về chủ đề đã nêu: Làm giàu rồi, xong thì làm gì, rõ ràng một chân lý người đời đã rút ra là, làm giàu đã khó, xong sử dụng khối tiền của lao tâm khổ tứ cả đời kiếm được sao cho đúng đắn, hiệu quả còn khó hơn nhiều. Bởi nhiều người nghĩ, mình giàu rồi thì để lại cho con cháu các đời sau nó ăn tiêu, đỡ phải vất vả kiếm ăn. Đây là một tư duy cực sai lầm. Để lại nhiều tiền của cho con cháu, chỉ khiến chúng mất động lực phấn đấu ở đời, và “miệng ăn núi lở”, cơ nghiệp ông cha tích cóp cả đời sẽ mau chóng trôi theo dòng nước. Nên phương Đông mới có câu “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”! Còn phương Tây, họ duy lý hơn nên có một chân lý mà ngài Max Weber đã đúc kết trong cuốn sách lừng lẫy “Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của Chủ nghĩa Tư bản”: Tất cả của cải là của xã hội, những người giàu là những người có ích nên được chúa “chọn” và trao cho “tạm giữ” số của cải đó, cuối đời họ phải có nghĩa vụ trả lại xã hội. Cũng bởi thấm nhuần đạo đức ấy, nên chúng ta có thể thấy rất nhiều nhà tỷ phú lừng danh đương đại đã di chúc phần lớn của cải của mình cho xã hội, thay vì để hết cho con cháu!

Làm giàu và sống một cuộc đời giàu sang là một khát vọng vô cùng đáng trân trọng của tất cả mọi người. Thế nhưng một khi giàu có rồi, không phải ai cũng biết dùng sự giàu có ấy cho đúng đắn và có ích lâu dài cho xã hội. Nên với những nhà “phú gia địch quốc” đem tiền của hoạt động thúc đẩy sự tiến bộ văn minh của loài người, thực sự họ là những con người, những doanh nhân đáng được ghi danh trong sử sách. Vì vậy, nhân dịp Tết đến xuân về, xin được chúc các bạn một mùa xuân mới an khang thịnh vượng. Và xin mượn lời người xưa gửi đến các nhà đầu tư, các doanh nhân câu chúc: “NHẤT BẢN VẠN LỢI”!

Nhà văn Trần Thanh Cảnh

Theo Vietnamfinance