Làn sóng Covid-19 thứ tư bùng nổ, ngân hàng vẫn hé lộ lợi nhuận nghìn tỷ

Dù chưa hết tháng 6/2021 và dịch bệnh diễn biến phức tạp song nhiều ngân hàng đã bắt đầu hé lộ lợi nhuận quý 2 với mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ.

Ngân hàng hé lộ lợi nhuận nghìn tỷ quý 2/2021 

Bất chấp về những quan ngại nhất định về nợ xấu ngân hàng, đặc biệt phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ tư song lợi nhuận ngân hàng dự báo vẫn tích cực trong quý 2/2021 và trong 6 tháng đầu năm.

Đơn cử, MSB có kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng trong những tháng đầu năm với lợi nhuận quý 1 tăng gấp 4 lần cùng kỳ.

Mặc dù chịu tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 nhưng theo lãnh đạo ngân hàng này, số liệu ước tính cho 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của MSB dự tính đạt khoảng 2.800 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2020, đạt 85% kế hoạch năm 2021.

Làn sóng Covid-19 thứ tư bùng nổ, ngân hàng vẫn hé lộ lợi nhuận nghìn tỷ - Ảnh 1

Trong khi đó, tại ACB dù áp lực trích dự phòng rủi ro cao, song lãnh đạo ngân hàng này cho biết, lợi nhuận quý 2/2021 của Ngân hàng đang được thực hiện theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua năm nay.

Cụ thể, năm 2021, lợi nhuận trước thuế của ACB dự kiến đạt 10.602 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với kết quả năm 2020. Lợi nhuận sau thuế dự kiến là 8.482 tỷ đồng.

Nối gót MSB và ACB, LienVietPostBank cũng tiết lộ lợi nhuận 5 tháng đầu năm đã đạt khoảng 1.700 tỷ đồng, tính ra bình quân mỗi tháng lãi khoảng 370 tỷ đồng, gần bằng 60% kế hoạch cả năm. Nếu đà này được duy trì trong tháng 6 thì lợi nhuận của LienVietPostBank sẽ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, bằng 80% so với kết quả của cả năm 2020.

Làn sóng Covid-19 thứ tư bùng nổ, ngân hàng vẫn hé lộ lợi nhuận nghìn tỷ - Ảnh 2

Trong báo cáo phân tích mới đây, Bộ phận phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết trong 5 tháng đầu năm 2021, VietinBank (mã CTG) tăng dư nợ tín dụng khoảng 3% so với đầu năm trong khi tăng trưởng huy động nhỉnh hơn. Đây là một kết quả tích cực so với việc không tăng trưởng dư nợ tín dụng trong quý 1/2021.

Do đó, VDSC dự báo lợi nhuận trước thuế quý 2/2021 của VietinBank ở mức 6.265 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại OCB, tuy chưa tiết lộ mức lợi nhuận quý 2/2021 và cả 6 tháng đầu năm song lãnh đạo ngân hàng này cho biết, tác động của làn sóng Covid thứ 4 lên hoạt động tín dụng là khó tránh, song các ngân hàng đã có kinh nghiệm từ năm trước và chuẩn bị các kịch bản ứng phó. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế tại OCB đưa ra cho năm nay là 5.500 tỷ đồng và trong quý đầu năm đã đạt 1.276 tỷ đồng, nên Ngân hàng tự tin sẽ hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận cả năm đã đặt ra.

Lợi nhuận đến từ đâu?

Tính đến ngày 15/6/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng trưởng 5,1% so với cuối năm 2020, cao gấp đôi so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2020 (2,26%). Nhiều ngân hàng chưa hết 6 tháng đã dùng gần hết hoặc hết room tín dụng tăng trưởng của cả năm và đang xin NHNN cấp cho room mới.

Cùng với đó, mặt bằng lãi suất giảm với xu hướng lãi cho vay giảm chậm hơn lãi huy động cũng giúp ngân hàng lãi khi biên lãi ròng được cải thiện. Đồng thời nhiều ngân hàng còn huy động được lượng lớn trái phiếu kỳ hạn dài với lãi suất thấp, hoặc các khoản cấp tín dụng của đối tác nước ngoài, cũng sẽ là cơ hội để ngân hàng mở rộng biên lợi nhuận hơn.

Như vậy, kỳ vọng về lợi nhuận ngân hàng tăng mạnh đến từ hoạt động tín dụng – nguồn thu chính và dịch vụ, trong đó mảng bán chéo bảo hiểm của nhiều ngân hàng gồm VCB, CTG, ACB, MSB và HDB được kỳ vọng cao.

Trong báo cáo chiến lược tháng 6/2021, VDSC nhận định rằng, ngành ngân hàng sẽ chứng kiến một chu kỳ tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong năm nay, bất chấp dịch bệnh.

Theo đó, mức tăng trưởng được dự báo đạt khoảng 27% với 2 yếu tố chính: Một là chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước nhằm giảm tác động của hậu quả dịch bệnh, duy trì mặt bằng lãi suất thấp cùng chính sách tiền tệ nới lỏng; hai là các yếu tố được thúc đẩy bởi dịch bệnh, ví dụ xu hướng cắt giảm mạnh chi phí.

Còn theo dự báo của FiinGroup, năm 2021, lợi nhuận kế toán của 12/26 ngân hàng niêm yết (chiếm 86,3% vốn hóa của khối ngân hàng) sẽ tăng cao hơn so với năm 2020 (18,2% so với 14,9% của năm ngoái).

>>>Ông lớn ngân hàng rao bán nợ xấu

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ