'Làn sóng' M&A ngành tài chính ngân hàng lại sôi động trở lại

Tiếp tục một năm bùng nổ các ngân hàng, công ty bảo hiểm với những thương vụ tỷ đô.

Làn sóng M&A ngành tài chính ngân hàng thực sự sôi động trở lại kể từ năm ngoái. Thương vụ bán 49% cổ phần FE Credit của ngân hàng VPBank cho đối tác Nhật Bản là SMBC được coi là lớn nhất ngành tài chính ngân hàng, trị giá gần 1,4 tỷ USD.

Đến tháng 8/2021, Ngân hàng SHB cũng đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng 50% vốn điều lệ tại SHB Financecho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan – thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG – Nhật Bản. Phần vốn còn lại sẽ tiếp tục chuyển nhượng sau 3 năm.

'Làn sóng' M&A ngành tài chính ngân hàng lại sôi động trở lại - Ảnh 1

Ngày 29/4 tới đây, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của Ngân hàng VPBank sẽ trình cổ đông thông qua phương án gia tăng sở hữu tại Công ty cổ phần Bảo hiểm OPES lên trên 90%. Giá mua cụ thể chưa được chốt nhưng sẽ không quá 1,5 lần giá trị sổ sách.

Theo tìm hiểu, OPES là doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, tái bảo hiểm quản lý quỹ và đầu tư vốn tại Việt Nam. Thương vụ M&A này cho thấy chiến lược mở rộng hệ sinh thái của nhà băng khi xu hướng bán chéo bảo hiểm, phát triển bancassurance đang ngày một được các ngân hàng ưa chuộng và đua cạnh tranh khốc liệt.

Việc thâu tóm lần này cho thấy VPBank tiếp tục tiến sâu vào phân khúc bảo hiểm phi nhân thọ bên cạnh mảng bảo hiểm nhân thọ đang hợp tác độc quyền với AIA.

Ngoài ra, VPBank muốn bán 15% cổ phần cho đối tác nước ngoài. Ngân hàng đã tiến hành lấy ý kiến đại hội cổ đông về điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,607% vốn điều lệ. Dù chưa tiết lộ cụ thể về thời gian hoàn thành kế hoạch bán vốn, nhưng đại diện ngân hàng cho biết sẽ sớm thực hiện trong các tháng tới đây.

Cũng nằm trong chiến lược M&A, VPBank trước đó đã mua lại một công ty chứng khoán, dự kiến tới đây "bơm" cho công ty 15.000 tỷ đồng để nằm trong top các công ty chứng khoán có vốn cao nhất. 

Cũng liên quan tới M&A ngành tài chính ngân hàng, tại Đại hội cổ đông thường niên mới diễn ra ngày 25/4, ngân hàng TMCP Quân Đội MB sẽ thực hiện nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng phù hợp với chủ trương của Chính phủ, NHNN nhằm tái cơ cấu các ngân hàng thương mại yếu kém, lành mạnh hóa hoạt động ngành ngân hàng theo hướng an toàn bền vững, trên cơ sở tự nguyện đề xuất từ phía MB và phù hợp quy định pháp luật.

4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu hiện nay gồm DongABank và 3 "ngân hàng 0 đồng" là Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank). 

Việc nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng sẽ mở ra cơ hội để MB tăng tốc từ 1,5 - 2 lần tốc độ phát triển quy mô tài sản, tín dụng, mạng lưới, góp phần sớm hoàn thành mục tiêu chiến lược phục vụ trên 20 triệu khách hàng.

Mặc dù nhận chuyển giao bắt buộc nhưng MB và Tổ chức tín dụng bị chuyển giao vẫn sẽ là hai pháp nhân độc lập, hạch toán riêng và không ảnh hưởng tới chính sách cổ tức của ngân hàng.

Tổng Giám đốc MB nhận định: ‘Việc nhận chuyển giao bắt buộc là một việc khó nhưng khi nhận nhiệm vụ này chúng ta có sự ủng hộ của Nhà nước và có được không gian phát triển’.

Ông cũng khẳng định về dài hạn việc nhận sáp nhập có ý nghĩa quan trọng với chiến lược dài hạn của MB.

'Làn sóng' M&A ngành tài chính ngân hàng lại sôi động trở lại - Ảnh 2

Ngoài ra, đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của ngân hàng MSB cũng đã trình cổ đông về việc thoái vốn tại Công ty tài chính TNHH một thành viên cộng đồng (FCCOM) có vốn điều lệ 500 tỷ đồng và thuộc sở hữu 100% của MSB. Lợi nhuận ước tính từ thương vụ này có thể lên tới khoảng 2.000 tỷ đồng.

MSB dự kiến sẽ tìm đối tác chiến lược để chuyển nhượng một phần vốn tại FCCOM để cùng hợp tác đường dài với đối tác chiến lược hoặc chuyển nhượng 100% số vốn góp tại FCCOM để ngân hàng tập trung toàn bộ nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính.

Trong khi đó, CTCP Tài chính Cổ phần Handico (HAFIC) là công ty bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xếp vào dạng kiểm soát đặc biệt từ năm 2015 cũng đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của nhiều tổ chức trong và ngoài nước như TPBank, AFS (Nhật Bản) hay KB Kookmin Card (Hàn Quốc).

Cách đây không lâu, Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA đã công bố cổ đông lớn nắm quyền chi phối mới là Công ty cổ phần Bamboo Capital (mã BCG) thay thế cổ đông lớn Tập đoàn IAG International Pty Limited. Bamboo Capital sau khi mua lại phần vốn góp của tập đoàn này đã nâng tỷ lệ từ 9,64% lên 71%. Tổng số vốn mà BCG nắm tại Bảo hiểm AAA (cùng với BCG Financial- nắm 9,64%) là 80,64%.

Hoàng Long

Theo Sở hữu trí tuệ