Lãnh đạo VIMC, VRG, Vinafood 2... nhận lương khủng

Trong những tháng đầu năm 2024, lãnh đạo của các doanh nghiệp nhà nước như VIMC, VRG, Vinafood 2, Tổng Công ty Sông Đà - CTCP… nhận mức lương khủng.

Tại Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam - CTCP (VIMC, mã MVN), người có mức lương cao nhất là ông Nguyễn Cảnh Tĩnh - Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc với 1,06 tỷ đồng/6 tháng, tăng 177 triệu đồng so với cùng kỳ, theo Cafef.

Tiếp đến, Thành viên HĐQT Nguyễn Đình Chung nhận gần 991 triệu đồng/6 tháng, tăng 187 triệu đồng so với cùng kỳ. Chủ tịch HĐQT Lê Anh Sơn là người nhận thù lao cao thứ ba dàn lãnh đạo với 973 triệu đồng/6 tháng, cũng tăng 135 triệu đồng so với cùng kỳ. Trưởng Ban Kiểm soát Lương Đình Minh nhận 922 triệu đồng/6 tháng, tăng 200 triệu đồng so với cùng kỳ.

Tại thời điểm 30/6/2024, VIMC có tổng tài sản là 29.385 tỷ đồng, tăng 1.851 tỷ đồng với đầu năm 2024; nợ phải trả là 13.019 tỷ đồng, tăng 851 tỷ đồng so với đầu năm 2024.

Trước đó, VIMC đạt mục tiêu đạt doanh thu hợp nhất 17.742 tỷ đồng (99% ước thực hiện 2023); lợi nhuận đạt 2.169 tỷ đồng (104% ước thực hiện 2023 và cao hơn 2023 do thanh lý tàu già hết khấu hao).

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Tại Cao su Đồng Nai là 1 trong 99 công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (VRG, mã GVR), Chủ tịch Trần Công Kha nhận hơn 371 triệu đồng/6 tháng, tăng hơn 50 triệu đồng so với cùng kỳ. 6 thành viên Ban Tổng giám đốc nhận tổng thù lao hơn 1,62 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Trung bình 5 Phó tổng giám đốc và Kế toán trưởng nhận thù lao 300-330 triệu đồng/6 tháng, tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Doanh thu hợp nhất của VRG trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 10.092 tỷ đồng, bằng 40,4% kế hoạch và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.909 tỷ đồng, bằng 46,5% kế hoạch và cao hơn 4,3% so với cùng kỳ năm 2023; dự kiến nộp ngân sách toàn tập đoàn trong 6 tháng đầu năm 2024 khoảng 967 tỷ đồng

Tại Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II, mã VSF) chi 1,04 tỷ đồng để trả thù lao cho 5 thành viên HĐQT và 5 thành viên Ban Kiểm soát. Trong đó, Chủ tịch Nguyễn Huy Hưng nhận thù lao 288 triệu đồng/6 tháng, tăng 50 triệu đồng so với cùng kỳ.

Trưởng Ban kiểm soát Nguyễn Tuấn Vinh nhận gần 205 triệu đồng thù lao trong nửa đầu năm nay, tăng hơn 70 triệu đồng so với cùng kỳ.

Tương tự, 5 thành viên Ban Tổng giám đốc nhận 1,13 tỷ đồng tiền lương trong nửa đầu năm nay. Mỗi thành viên nhận từ 204-256 triệu đồng/6 tháng, tăng tới 100 triệu đồng/người so với cùng kỳ.

Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của Vinafood 2 ước thực hiện khoảng 11.363 tỷ đồng, đạt 66,43% so với kế hoạch năm, bằng 107,22% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế Tổng công ty ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 lãi 56,016 tỷ đồng đạt 53,27% kế hoạch năm. Nộp ngân sách ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 là 82,936 tỷ đồng bằng 99,52% so với cùng kỳ. 

Tổng Công ty Sông Đà - CTCP (mã SJG) dành 2,3 tỷ đồng chi trả thù lao cho HĐQT và Ban Tổng giám đốc công ty, giảm tới 45% so với cùng kỳ. Cụ thể, người nhận lương cao nhất là Chủ tịch Trần Văn Tuấn với hơn 735 triệu đồng/6 tháng, tương đương khoảng 122 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, thu nhập dành cho Ban Kiểm soát giảm nhẹ mức về 734 triệu đồng/6 tháng. Trưởng ban Nguyễn Văn Thắng giảm mạnh thu nhập từ mức 785 triệu đồng xuống gần 490 triệu đồng/6 tháng do cùng kỳ năm ngoái chỉ có duy nhất ông Thắng là thành viên trong Ban Kiểm soát nhận lương. Còn nửa đầu năm nay, có thêm ông Hà Tuấn Linh nhận gần 245 triệu đồng/6 tháng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước.

Mức lương cơ bản cao nhất của Chủ tịch (mức 1) là 80 triệu đồng (mức lương này trong Đề án khi báo cáo Trung ương dự kiến thực hiện từ năm 2021 là 70 triệu đồng/tháng, đến nay tính theo mức tăng chỉ số giá tiêu dùng dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2025 khoảng 80 triệu đồng) và thấp nhất của Kế toán trưởng (mức 8) là 25 triệu đồng/tháng.

Mức lương cơ bản được quy định gắn với 3 chỉ tiêu vốn, doanh thu, lợi nhuận chia theo ngành, lĩnh vực (không dựa vào xếp hạng như hiện hành) theo Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định.

Doanh nghiệp có lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao hơn thực hiện của năm trước thì tiền lương kế hoạch tối đa bằng 2 lần mức lương cơ bản (mức lương của Chủ tịch cao nhất tối đa có thể đạt được 160 triệu đồng/tháng) và giao cho chủ sở hữu đánh giá, quyết định mức lương cụ thể của từng người.

Nam Yên (t/h)

Theo Tài chính doanh nghiệp