Lập quy hoạch sông Hồng: Những câu hỏi khó

- “Bây giờ biến Hà Nội thành thành phố 2 bên sông là chủ trương tốt, tương xứng với các thủ đô lớn ở trên thế giới...

 

>>> Sun Group, Vingroup và Geleximco tài trợ kinh phí lập quy hoạch hai bên bờ sông Hồng

 

Thành phố nên làm quy hoạch

UBND TP Hà Nội vừa thông báo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung về việc giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc là đơn vị đầu mối chủ trì phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị liên quan tập hợp toàn bộ các thông tin liên quan phục vụ cho công tác nghiên cứu, lập đồ án quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.


TS Phạm Sỹ Liêm chỉ ra nhiều vấn đề xung quanh dự án quy hoạch sông Hồng và 3 doanh nghiệp tư nhân tham gia xây dựng quy hoạch

Theo đó, các hồ sơ thiết kế quy hoạch, kiến trúc, xây dựng của các đơn vị tư vấn trước đây đã nghiên cứu liên quan dọc 2 bên sông Hồng, bàn giao cho 3 nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời (Sungroup), Tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) để cung cấp cho các đơn vị tư vấn nước ngoài nghiên cứu.

Các nhà đầu tư có thể mời thêm nhiều đơn vị tư vấn thiết kế tham gia nghiên cứu lập nhiều phương án quy hoạch để có thể lựa chọn được phương án khả thi nhất và báo cáo thành phố trước ngày 30/3/2017.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, bản thân ông hoan nghênh việc Hà Nội lên phương án quy hoạch và phát triển vùng 2 bên sông Hồng.

Theo ông Liêm, thủ đô của nhiều quốc gia trên thế giới đã quy hoạch 2 bên sông để phát triển thành các khu trung tâm thương mại, khu kinh tế cũng như khu dân cư. Tại Việt Nam có thành phố Huế nằm bên sông Hương và thành phố Đà Nẵng nằm bên sông Hàn đã tạo dựng được vẻ đẹp riêng rất hiện đại, độc đáo 2 bên sông.

Bản thân Hà Nội thời xa xưa cũng là hướng ra sông do đường thủy là con đường vận tải hàng hóa vào thành phố. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay khi chúng ta ưu tiên phát triển giao thông đường bộ, đường sắt thành ra thành phố dần dần quay lưng ra sông.

“Bây giờ biến Hà Nội thành thành phố 2 bên sông là chủ trương tốt, tương xứng với các thủ đô lớn ở trên thế giới. Trước đây người Pháp đã biến hồ Hoàn Kiếm thành một khu trung tâm đẹp, hiện đại. Tuy nhiên hiện nay hồ Hoàn Kiếm đã xong vai trò lịch sử của nó với một Hà Nội cổ kính, nho nhỏ.

Bây giờ thành phố mở rộng ra 2 bên sông thì tương lai hồ Tây mới thực sự là trung tâm của Hà Nội. Tuy nhiên có 1 việc tôi mong mỏi là khi làm, thành phố cần kết hợp chỉnh trang lại khu vực xung quanh hồ Tây. Đừng để xung quanh hồ Tây bị tư hữu hóa như hiện nay. Người ta đem bán lẻ đi và cuối cùng mất cảnh quan đẹp hàng đầu của Hà Nội”, ông Liêm nhấn mạnh.

Lập quy hoạch sông Hồng: Những câu hỏi khó - Ảnh 1

>>> Hà Nội tái khởi động siêu đô thị ven sông Hồng sau 22 năm 'trên giấy'


- UBND thành phố yêu cầu các Sở, ngành xem xét để thông báo nhà đầu tư lập lại dự án sau hơn 2 thập kỷ không thể triển khai.


Băn khoăn lợi ích doanh nghiệp

Ông Liêm dẫn chứng thực tế 2 khu đô thị kiểu mẫu của Việt Nam được Bộ Xây dựng xây dựng thời gian qua, đó là khu Phú Mỹ Hưng (TP.HCM) và khu Linh Đàm (Hà Nội).

Theo nhận định của ông Liêm, khu Phú Mỹ Hưng sau mấy chục năm vẫn xứng đáng là khu đô thị kiểu mẫu bậc nhất của Việt Nam. Ở đó, cũng có các hoạt động kinh doanh, khu nhà hàng, khu dân cư rất đẹp, hiện đại và yên tĩnh.

“Tuy nhiên khu Linh Đàm thì lại hoàn toàn ngược lại. Mới đầu vẽ ra thì rất đẹp. Họ cũng được công nhận là thành phố kiểu mẫu. Nhưng cuối cùng vì lợi nhuận nên xuất hiện rất nhiều nhà cao tầng, khu chung cư. Quang cảnh không ra gì cả. 

Một vấn đề khác được ông Liêm nhắc đến, đó là sông Hồng dài và rất hung dữ. Nó khác hoàn toàn với sông Hương ở Huế hay sông Hàn ở Đà Nẵng dòng chảy hiền hòa. Đặc biệt, nguồn nước từ sông Hồng không chỉ chịu ảnh hưởng ở Việt Nam mà còn liên quan đến dòng chảy bên Trung Quốc.

Do đó khi tiến hành cải tạo 2 bên sông, ông Liêm cho rằng cần phải có ý kiến đánh giá đầu tiên của các chuyên gia về thủy lợi.

“Các chuyên gia thủy lợi, những người quản lý dòng sông, nguồn nước đó phải lên tiếng chứ không phải những người kinh doanh bất động sản hoặc Hà Nội. Những người này không đủ thẩm quyền và kiến thức để đánh giá. Nhiều nơi sức nước rất mạnh, nhiều chỗ đang xói vào gần trong nội thành, hiện tượng bên lở, bên bồi rất phức tạp”, ông Liêm nói.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh quy hoạch thành phố 2 bên sông Hồng là một dự án rất lớn. Hơn nữa Hà Nội lại là thủ đô của cả nước nên Bộ Xây dựng cũng phải có trách nhiệm.

“Cụ thể nhất, Viện quy hoạch quốc gia trực thuộc Bộ Xây dựng phải thẩm định, đánh giá về mặt chuyên môn cho chính xác. Cuối cùng phải có một Hội đồng gồm các chuyên gia có uy tín để góp ý kiến với Chính phủ. Hà Nội là thủ đô nên không thể làm một cách tùy tiện được.

Ngoài việc quy hoạch xây dựng đường và đê kết hợp đảm bảo khai thác quỹ đất phát triển đô thị, giữ an toàn nội đô, chống lũ thì chúng ta còn phải tính đến việc chống cạn. Thực tế nhiều chỗ mùa cạn không còn tàu để đi lại”, ông Liêm nêu quan điểm.

Theo Hoàng Hà
Báo Đất Việt


Link nguồn: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/3-dai-gia-lap-quy-hoach-song-hong-nhung-cau-hoi-kho-3328013/?paged=1