Liên danh Geleximco trúng thầu cao tốc Nam Định - Thái Bình 19.700 tỷ

Dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình có chiều dài 60,9km và có tổng mức đầu tư là 19.784,54 tỷ đồng.

UBND tỉnh Thái Bình vừa ban hành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Theo đó, nhà đầu tư trúng thầu dự án này là liên danh Tập đoàn Geleximco - Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành - Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Nam Sơn - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng hạ tầng Hoàng Cầu.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dự án có tổng mức đầu tư là 19.784,54 tỷ đồng, gồm vốn nhà nước hỗ trợ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 3.137 tỷ đồng; vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng là 6.199,99 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chịu trách nhiệm thu xếp là 10.447,55 tỷ đồng.

Thời gian thu phí, hoàn vốn của dự án là tối đa 25 năm 4 tháng; thời gian thi công xây dựng là từ năm 2025, cơ bản hoàn thành năm 2027, đưa vào khai thác vận hành từ năm 2028.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình có điểm đầu tại đầu cầu vượt sông Đáy phía Nam Định, thuộc địa bàn xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; điểm cuối tại nút giao giữa Quốc lộ 37 mới và đường ven biển, thuộc địa bàn xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Tổng chiều dài tuyến thuộc dự án khoảng 60,9km. Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định dài 27,6 km; đoạn qua địa bàn tỉnh Thái Bình dài 33,3 km và sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường bộ cao tốc (TCVN 5729:2012), 4 làn xe hoàn chỉnh với bề rộng nền đường 24,5m, vận tốc thiết kế 120km/h.

Dự án sẽ xây dựng 23 cầu trên chính tuyến, trong đó cầu dài nhất là cầu vượt sông Hồng nối Thái Bình và Nam Định dài 1.115 m; 4 cầu vượt ngang; 4 nút giao; hệ thống quản lý giao thông thông minh. Trên tuyến dự kiến xây dựng 1 trạm dừng nghỉ tại Km 33+500 (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) và 1 trạm tại Km 51+900 (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).

Tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 538,44ha (bao gồm cả diện tích quy hoạch các khu tái định cư; không bao gồm diện tích trạm dừng nghỉ), trong đó đất ở khoảng 8,91 ha; đất nông nghiệp khoảng 453,85 ha; đất xây dựng cơ sở giáo dục đào tạo khoảng 0,38 ha; đất sản xuất kinh doanh khoảng 2,1 ha; đất phi nông nghiệp khác khoảng 73,2 ha (bao gồm loại đất: giao thông, thủy lợi, đất nghĩa trang, đất công trình năng lượng).

Geleximco có tiềm lực ra sao?

Gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch, người sáng lập Vũ Văn Tiền, Tập đoàn Geleximco, tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội – Geleximco ra đời năm 1993 với vốn điều lệ ban đầu chỉ 3 tỷ đồng. Đến năm 2019, Geleximco đã tăng vốn điều lệ lên 9.600 tỷ đồng.

Ông Vũ Văn Tiền.
Ông Vũ Văn Tiền.

Tập đoàn này hiện hoạt động với 5 lĩnh vực chính gồm: sản xuất công nghiệp, bất động sản, tài chính - ngân hàng, thương mại - dịch vụ, và nông nghiệp công nghệ cao.

3 dự án nổi bật của Geleximco là nhiệt điện Thăng Long (tổng vốn đầu tư 900 triệu USD), nhà máy sản xuất bột giấy An Hòa và Nhà máy Giấy An Hòa (tổng vốn đầu tư 450 triệu USD) và VAP - dự án liên doanh cùng Honda Motor (tổng vốn đầu tư 90 triệu USD).

Bất động sản là mảng mang lại nguồn thu lớn nhất cho Geleximco và cũng là một trong những mảng hoạt động quan trọng nhất của tập đoàn này.

Ngoài Khu du lịch quốc tế Dragon Ocean Do Son (Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng) tại Đồ Sơn - Hải Phòng, những dự án bất động sản mang thương hiệu của Geleximco gây được tiếng vang trên thị trường như: Khu đô thị thành phố giao lưu trên đường Phạm Văn Đồng, Khu đô thị Gelexia Riverside, Khu đô thị Lê Trọng Tấn (Hà Nội), Khu đô thị Cái Dăm (Quảng Ninh), An Bình Plaza, khu đô thị An Bình City...

Ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng, Geleximco là cổ đông sáng lập và đồng sở hữu các đơn vị như: Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBank), Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán An Bình, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư tài chính An Bình...

Về tình hình tài chính, thống kê đến hết năm 2023, Geleximco ghi nhận lợi nhuận đạt 73,8 tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ.

Tại thời điểm 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Geleximco đạt 12.295 tỷ đồng, tăng gần 780 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp đạt 0,6%.

Tính đến hết năm 2023, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Geleximco là 1,52 lần, tương đương 18.688 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu là gần 1.230 tỷ đồng. Như vậy, tổng tài sản của doanh nghiệp trong năm 2023 đạt gần 30.100 tỷ.

Chí Bình

Theo Vietnamfinance