Lộ danh tính 10 Tập đoàn đã chuẩn bị tiền đầu tư vào siêu dự án Bình Quới - Thanh Đa
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch & Đầu tư TP HCM, 10 doanh nghiệp đã gửi văn bản đề nghị được tham gia đấu thầu dự án Bình Quới - Thanh Đa.
Theo đó, danh sách các nhà đầu tư bao gồm: Công ty TNHH Roytrade; Công ty CP Đầu tư Quốc tế FED Việt Nam; Công ty TNHH TM Petro Đông Nam Á; Liên danh Công ty CP Đầu tư Golden Star và Công ty TNHH Capital Land; Liên danh Công ty CP Đầu tư Thương mại DV Thuận Tuấn, Công ty Golden Wealth Golbal Pty. Ltd; Công ty CP xử lý ùn tắc giao thông - môi trường; Công ty CP Quy hoạch- Kiến trúc Gia Bảo; Liên danh Công ty CP AGR.3000 Việt Nam, Gaudha Putih (Thaidand) và Công ty CP Tập đoàn PTDT Thái Thành Vân; Công ty CP Tập đoàn Sunshine; Công ty TNHH TMDV Khách sạn Tân Hoàng Minh.
Các nhà đầu tư đã đưa ra những điều kiện thể hiện trách nhiệm với TP.HCM muốn tham gia đấu thầu và phát triển dự án trên. Một số nhà đầu tư có cho biết sẽ xây tặng TP một số cây cầu (theo quy hoạch) nối vào bán đảo Thanh Đa nếu họ trúng thầu.
UBND TP.HCM đang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo hoàn chỉnh dự thảo quy chế đấu thầu dự án, trình các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Để lựa chọn những nhà đầu tư thực sự có năng lực tham gia dự án, thành phố sẽ đưa ra những điều kiện ban đầu, như ký quỹ một số tiền để đảm bảo các công việc tiếp theo nếu nhà đầu tư trúng thầu.
Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa có tổng diện tích khoảng 427 ha
Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng bộ tiêu chí để sớm tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Theo tính toán, tổng mức đầu tư dự án 29.992 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật 7.250 tỷ đồng.
Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được TP HCM phê duyệt vào năm 1992. Đến năm 2004, thành phố thu hồi đất, giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, dự án không thể triển khai. Sau đó, thành phố giao cho một tập đoàn trong nước lập đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000).
Đến cuối năm 2015, Liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất) được UBND TP HCM chỉ định là nhà đầu tư với số vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Thời gian triển khai thực hiện dự án dự kiến 50 năm, trong đó xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật chính là 5 năm kể từ ngày ký hợp đồng.
Tuy nhiên, đến giữa năm 2017, Công ty maar Properties PJSC xin rút khỏi dự án và thành phố đã có văn bản xin ý kiến Chính phủ chấp thuận cho Bitexco tiếp tục là nhà đầu tư thực hiện dự án này. Đến tháng 8/2018, TP HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Theo HÀ MY/ Nhadautu.vn